28 September, 2011

september 29

Ở đây đã được 21 ngày! Tôi yêu Sài Gòn mất rồi! Thương những nụ hôn trộm dưới hàng mưa ... những vòng tay ôm dưới hàng phố ...

Ngày tôi đến, trong điện thoại chỉ có một số duy nhất để liên lạc, bây giờ là 17, và sẽ còn tăng thêm nữa.

Ở Sài Gòn có những em bé muốn đi học mà bố mẹ không đủ tiền chu cấp. Nhiều đứa bé mệt mỏi đến trường vì chương trình học quá nặng. Ở Sài Gòn có những bác xe ôm ngồi nhìn đoàn xe, có những cô gái ngồi trong hàng nhìn bâng khuâng ra phố thị. Ở Sài Gòn có những anh tài xế xe taxi than bệnh đái đường vì hàng quán chẳng ai cho đi nhờ, có nhiều người già trẻ lớn bé lẫn tật nguyền đi từng bàn mời mua tấm vé số. Có những đôi mắt huyền bí trên khuôn mặt được che bằng khẩu trang, có những cánh tay bận rộn lèo lái bánh xe gắn máy len lỏi vào nhau...

Có cuộc tình chỉ biết cho và cho... như ngày mai không còn hiện hữu.

27 September, 2011

september 27

"Life has no meaning but what we give it. If one wastes one's life with meaningless activities, even one day of life is too long. With meaning, time has no meaning.

Be brave, have trust, just be good!"
-Dalai Lama
 
"You cannot become what you are - but you are what you're becoming"
-Suzanne Doucet 
 

26 September, 2011

september 26

Sáng nay ăn tô miến gà xong bị nhức đầu. Về lại phòng, nằm cả buổi lừ thừ như con cá thiếu nước.

Chiều khá khá, gần 7 giờ, đang ngồi chat với cô bạn, tự dưng cảm thấy đói như quỷ! Băng qua đường, vào siêu thị Co-op Mart, lên lầu 3, tìm tiệm cơm chay. Thấy tủ chứa đã hết đồ ăn, hỏi còn gì ăn? Anh chàng trẻ tuổi nói "Chú muốn ăn gì thì cháu làm cho chú!"

"Ừ! Còn cá kho không? Cho chú thêm đĩa rau xào hay rau luộc gì cũng được!"

"Hay là cháu làm cá sốt cà, và rau xào cho chú nha!"

"Ok!" Tôi đưa ngón tay cái chỉ lên trời.

Thế là anh chàng trẻ tuổi và một cô phụ bếp, người xắt rau, người bật bếp. Chừng 10 phút sau, một đĩa cơm, một bát canh bí, một đĩa cá kho sốt cà, và đĩa rau cải ngọt được đem đến tận bàn.

Ngon quá!

Ra quầy tính tiền, tôi hỏi: "Hết bao nhiêu vậy cháu?" 

"Dạ, 20 ngàn ạ!"

"Chú trả 50 ngàn được không?" Tôi đưa tay vào túi lấy tiền ra.

"Dạ, không ạ! Tụi cháu không lấy đâu!" Anh ấy nhìn thẳng vào mắt tôi.

Tôi cười, trả tiền, rồi nói: "Cám ơn cháu!"


Bát Nhã và Tình Yêu

Bằng tất cả trí tuệ, bạn mới có thể nhìn thấy cuộc đời là một dòng sống tương tác giữa cái này và cái kia, tạo ra một trường thiên diễn vô tận của ráng nắng, của bọt nước, của ánh chớp, của sương, của giấc mơ, của tâm thức giả huyễn – và bằng tất cả tình yêu, bạn có thể lắng nghe nụ cười và tiếng khóc trùng điệp đuổi bắt thay nhau của vạn loại chúng sanh trong thế giới phù hư giả ảo ấy.

Kinh nghiệm sống, chính là kinh nghiệm về cuộc tồn sinh giả ảo của cuộc đời, mà niềm tin và thất vọng, mà nụ cười và tiếng khóc luôn luôn chập chùng theo nhau và theo nhau hiện khởi trong từng sát na ở nơi tâm thức cuồng loạn của con người và vạn loại.

Kinh nghiệm sống là kinh nghiệm đầu tiên và tối cùng của hy vọng và thất vọng, của hạnh phúc và khổ đau – ta mơ ước quá nhiều, nên ta khổ đau càng lắm. Nhưng thất vọng và khổ đau của con người và vạn loại chúng sanh là ngàn sai muôn biệt. Vì tâm và tưởng của mỗi người mỗi loài đều dị biệt. Sự sai biệt về tâm và tưởng đã tạo nên sự đa thù, vạn dạng của thế giới. Và chính cái đa thù và vạn dạng đó, lại là cái như thật của thế giới này.

Vì tâm và tưởng vạn thù sai biệt, nên cây thông đứng trước sân chùa ngày hôm qua chỉ là củi và gỗ của bác tiều phu, chỉ là bóng mát của những lữ khách qua đường, chỉ là những tàn cây cho chim muông làm tổ và bay nhảy đùa reo, nhưng nó là một Đấng Quân tử của Nguyễn Công Trứ, và là một thực tại toàn diện, sống động trước đôi mắt của một nhà Thiền quán.

Bằng tất cả trí tuệ, ta phải biết cây thông là gì và ta là ai trong vòng nhân duyên tương tác thiên diễn vô tận này, ta có phải là cây tùng, là ráng nắng, bọt nước, ánh chớp, làn sương, là tâm thức hư ảo cuồng loạn ấy chăng; và ta có phảI là nụ cười, tiếng khóc, khi niềm vui và khổ đau chợt có, chợt không lồng quyện vào nhau và chen nhau hiện khởi?

Nếu ta không phải là những cái đó thì ta là ai? Ai cười và ai khóc? Ai vui và ai khổ? Không có ai khóc sau tiếng khóc, chỉ có hành động và tiếng khóc khi nhân duyên của niềm đau hội đủ; không có ai cười sau tiếng cười, chỉ có hành động và nụ cười khi nhân duyên của niềm vui cùng nhau hội tụ. Nước và lửa đối ngại nhau, nên ta khóc; Nước và lửa cợt đùa với nhau, nên ta cười. Gió xoáy bụi bay, đất lở, nên ta khóc; Gió và đất cùng nhau tương hợp chuyển động, nên ta cười.

Bằng tất cả trí tuệ bạn sẽ mỉm cười và tự nhủ: Ta chưa bao giờ có một cái ta đích thực. Ta chỉ là gió, là mây, là nước, là trăng sao, là hơi ấm của mặt trời, là những cực vi của trái đất đã cùng nhau hội tụ và phân ly trong cùng tương sinh tương huỷ để thay nhau và cùng nhau đuổi bắt vô tận.

Và ta trong vô số lần hội tụ và phân ly ấy, nước không còn là nước mà nước là gió, là mây, là mưa, là sương, là hơi ấm mặt trời, là bông hoa, là cây tùng, cây mai, là chú bé chăn trâu giữa ruộng đồng bát ngát, là em bé bán nước khắp mọi phương trời… Và mặt trời không còn là mặt trời, mặt trăng không còn là mặt trăng, mây không còn là mây, nước không còn là nước, đất không còn là đất mà chúng đã đi vào trong nhau và đã trở thành một “hợp thể vô thể” của nhau.

Trong “hợp thể vô thể” ấy, “cái này có mặt trong cái kia, cái kia có mặt trong cái này” và chính “cái này đang trở thành cái kia và cái kia đang trở thành cái này”, chúng tạo ra sinh lực, trật tự và bình an cho cuộc sống.

Nhưng, trong “hợp thể vô thể” ấy, có một cá thể khởi lên tác ý rằng, ta chỉ thích làm mây hay ta chỉ thích làm mặt trời… thì hạnh phúc và nụ cười của ta tức khắc tan biết theo những ước muốn của các cá thể muốn làm mây hoặc làm mặt trời ấy.

Sinh hoạt và tồn tại trong một “hợp thể vô thể”, chỉ cần một cá thể khởi lên vọng tưởng, ta là cái này, ta là cái kia, thì tức khắc thế giới của “cái ta” trở nên tăm tối, cuộc sống của một cái ta trở nên chật hẹp.

Vọng tưởng về một cá thể tồn tại độc lập trong một “hợp thể”, đó là vọng tưởng lệ thuộc vô minh. Và cũng kể từ đó nó đưa ta đi vào cuộc trầm luân dâu bể tử sinh mà không biết đâu là bờ bến ngọn nguồn.

Bằng tất cả trí tuệ bạn hãy nhìn thấy bất cứ cái gì là “hợp thể” thì cái ấy không còn là “cá thể”, nếu có một “cá thể” thì “hợp thể” không thành. Nhưng, trong ta là một “hợp thể”, ta đang tồn tại là tồn tại bằng “hợp thể” mà không phải bằng “cá thể”, do đó sự sống của ta là hết sức linh hoạt và sống động vô cùng. Trong hợp thể sống động, ta được tạo nên bởi những cái không phải là ta là của ta.

Bằng đôi mắt quán chiếu của Bát Nhã bạn sẽ thấy - tự tính của hợp thể là ‘không’ đã đành, mà mỗi cá thể để tạo thành hợp thể ấy, tự tánh của nó cũng là ‘không’. Do đó, trong trong một hợp thể không có tự tính thực hữu cho chính nó đã đành mà ngay trong mỗi cá thể tạo nên hợp thể ấy, cũng hoàn toàn không có tự thể thực hữu cho mỗi chính nó. Và chính cái không có tự thể thực hữu này, mới làm nền tảng cho mọi sự hiện hữu. “Vô tự thể” là cõi tuyệt đối bình an cho mọi hiện thể sinh diệt đi về.

Bằng tất cả trí tuệ thực nghiệm, bạn thấy ngay tính vô thể ở nơi mọi sự hiện hữu là “không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt…” Và cũng bằng tất cả trí tuệ, bạn khởi lên tình yêu chân thực, thương hết thảy chúng sanh đang đắm chìm trong những hạnh phúc hư ảo do ngã tưởng vẽ bày, mà chối từ niềm vui tuyệt đối của Niết Bàn, nguyện ở lại với trần gian hư ảo, cùng đi, đứng, nằm, ngồi, cùng ăn uống, thở, cười, và cùng nghe tiếng khóc than của họ để cùng chia xẻ những niềm đau nỗi buồn của họ và để có cơ hội khơi mở tuệ giác nơi chính họ.

Với đại tâm và tình yêu chân thực, bạn có thể sử dụng bất cứ hình thức nào, dù là hình thức của một trẻ thơ để tạo cho mọi người niềm vui và giúp cho mọi người bớt khổ. Và dù ở đó, bạn hiện hữu như một trẻ thơ, nhưng là một trẻ thơ trong sáng của tình yêu. Bạn yêu tất cả, nhưng đối với tất cả bạn chưa bao giờ khởi lên một ý niệm chiếm hữu.

Bạn hiện hữu trong trần thế, bằng tất cả sự hiểu biết và trái tim, để đưa mọi người và mọi loài vượt ra mọi cảm giác hư ảo, mọi tri giác sai lầm, mọi tác ý điên đảo và mọi nhận thức thiên lệch. Bạn hiện hữu bằng tất cả những quan năng trong sáng và bằng trái tim vô nhiễm, bạn sẽ mỉm cười khi bị nhiều người nguyền rủa. Tình yêu của bạn như vậy là bạn không bao giờ để lại một dấu tích khổ đau cho ai, bạn là một nguồn cảm hứng vô tận của thi ca và vô biên của sáng tạo nghệ thuật.

Vậy, bằng tất cả trí tuệ và tình yêu, bạn có thể thỏng tay vào chợ đời bất cứ lúc nào và ở đâu, để tạo nên mọi huyền sử và huyền thoại cho cuộc đời.
 
-Thích Thái Hòa

23 September, 2011

Domino





september 24

Sáng sớm thức giấc, tôi gọi cho con bé lớn, Khánh Anh, vì đêm qua nó gọi cho tôi mà không gặp. Đường dây mạng quá yếu, nên chúng tôi text cho nhau.

Khánh Anh: In a game of poker does a double of ace beat a straight of 6,7,8,9? 7:29 PM
Me: nope! 7:30 PM

Me: the only thing that beats a straight 6 7 8 9 10 is a royal flush, sometimes known as straight flush! 7:31 PM
Khánh Anh:
Me and VI are learning to play poker :/ 7:32 PM
Me:
Oh, a flush also beats a straight, too! Who's teaching you? 7:37 PM
Khánh Anh:
What's a difference between a flush and a straight? 7:39 PM
Khánh Anh:
Vi is learning from her bf and I learned from tv 7:40 PM
Me:
I've been there before, and I have learned my lesson: Gambling is worse than drinking! Be kind to yourself for not playing for money. 7:42 PM
Khánh Anh:
I know :p. I only bet with sugar packets 7:50 PM
Me:
ok doke! You have a mind of an adventurer, risk-taking instinct. I hope you put them to work for you, instead of working against you. 7:53 PM
Me:
Because, in the end, you are responsible for your own karma, just like everyone else. 7:55 PM
Me:
Take a good care of yourself and those who are close at heart, darling! I love you!


2.

Chiều hôm qua, trong lúc nằm bên nhau, tôi hỏi nàng: Khi nào nghiệp ái dục của em và anh chấm dứt?

- Khi anh không còn nghĩ đến em! Nàng ôm lưng tôi trong vòng tay.

- Có nghĩa là ...

- Ngày nào anh còn nghĩ đến em, ngày đó em vẫn còn nợ anh!


september 23




Tôi thức giấc lúc 6 giờ sáng. Tắm rửa vệ sinh, lên net trả lời vài cái điện thư. Thay quần áo, xuống lầu ăn sáng. 7 giờ 15 tôi gọi cho nàng đánh thức giấc ngủ. 8 giờ xe đến, đón tôi đi Bình Dương.

Trung Tâm Nhân Đạo Quê Hương, do cô Huỳnh Tiểu Hương sáng lập, là nơi có khoảng chừng 200 đứa trẻ mồ côi và tàn tật, từ sơ sinh đến 18 tuổi. Nơi an trú cho các em có nơi ăn chốn ở, được trông nom bởi những các thiện nguyện viên được trả với mức lương thật khiêm nhường cho dịch vụ thật là mệt mỏi. Tôi liên lạc với cô Tiểu Hương từ ngày 15, cho đến hôm nay mới gặp được nhau. Sau 10 phút ngồi hàn huyên, anh Long, phó giám đốc trung tâm, đưa chúng tôi đi tham quan từng phòng từng góc của các em sinh sống. Có mấy bé chưa đi được nằm đây đó trong khu sơ sinh ăn sữa, ở góc khác mấy cô giúp việc đang tắm cho từng em, ở góc kia mấy em lớn hơn đang lấy vòi nước và chổi chùi sàn phòng ngủ. Tôi và nàng đi dạo vào phòng máy điện toán, phòng y tế, qua cái sân chơi cho mấy em lên hai lên ba, liếc nhìn vào phòng ngủ của các em bị mù, bị khuyết tật. Tất cả các em trong đây trên giấy tờ đều được mang họ Huỳnh, tức họ mẹ là Huỳnh Tiểu Hương. Nhiều em bé mặt mũi xinh lắm cơ! Có 2 chú bé bám chặt lấy tôi khi tôi bế lên, có lẽ chú nào cũng ít được ai bồng bế. Cũng may, vì hôm nay thứ Sáu, một số các em đang đi học, nên chúng tôi được đi dạo khắp trung tâm.

Luật lệ của trung tâm khá khắt khe, tuy nhiên cũng có lúc phải du di vì giờ giấc các em sơ sinh còn bú đêm hoặc những đứa trẻ đang đau ốm. Công việc lo cho các em thật chật vật, từ buổi sáng các em dậy vệ sinh, ăn sáng, đến trường, đến khi chiều về sinh hoạt cho đến khi giờ đi ngủ. Tôi tạm hình dung trong đầu, với số người giúp việc quá ít với một đám con nít inh ỏi cả ngày thật gian nan - không có tấm lòng lớn không thể kham nổi công việc. Những góc cạnh tua tủa, những sàn men ướt trơn, các em bé không ít thì nhiều cũng phải có đứa bị thương. So với tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, thì trung tâm này sẽ phải đóng cửa ngay tức thì. Biết thì biết vậy, nhưng ai cho các cháu bé mồ côi, nếu trung tâm này không có đây!?! Hình như linh tính các em cũng tự sắp xếp được những rủi ro đầy rẫy đó đây. Tôi góp ý là muốn ở lại để giúp cho trung tâm đối ngoại xin ngân quỹ với những foundation bên Hoa Kỳ, kèm các em cấp 3 thêm Anh Văn - và Photoshop, graphic design sau này sau khi xin được dàn máy tốt hơn. Hương và anh Long rất vui mừng. Tôi hẹn đầu tháng, tôi sẽ trở lại và ở lại trung tâm sinh hoạt và bắt đầu vào công việc. Tôi thật sự quý tấm lòng chân chất đầy vị tha của Tiểu Hương.

Ở chơi đến 12 giờ trưa, tôi và nàng lên xe về Sài Gòn. Ghé vào quán Món Huế, chúng tôi chia nhau ăn bánh bèo đĩa, bánh ướt cuốn thịt, còn tôi đèo thêm tô bún bò. Ở chơi bên nhau gần 7 giờ tối, chúng tôi chia tay. Một ngày viên mãn.

22 September, 2011

september 22 (2)

Vườn sau tịnh thất của thầy
Buổi sáng chúng tôi đến bánh cuốn Tây Hồ, mỗi người một đĩa ăn điểm tâm. Sau đó về nhà cất xe, đón taxi đến chùa Già Lam ở Gò Vấp. Tịnh thất của thầy ở tầng nhì, nhìn xuống mảnh vườn gọn ghẽ có hàng cau, có phong linh, có ao nước cỏ hoa thật nên thơ.

Trên cái bàn để trên ban công đã được dọn sẵn bữa cơm trưa đầy đủ món xào, món canh, món kho, món dưa, và đĩa chôm chôm. Mắt nhìn mắt, đến cả khoảng 5 phút sau, thầy mới nhớ ra không gian cách đây đã gần 40 năm. Bắt đầu câu chuyện với những kỷ niệm trong những năm 70 đến 73, thời gian thầy còn ghé nhà, và tôi chỉ là cậu bé ở đằng sau pha nước chanh mời thầy - và sau đó đến những tư tưởng Phật Giáo đầy pháp vị. Thầy đọc cho nghe vài bài thơ cổ của thời nhà Tống và thời nhà Đường, giải thích và phân tích cặn kẽ ý nghĩa từng câu. Thầy cho tôi và nàng, mỗi người một quyển, Huyền Thoại Duy Ma Cật, và Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng. Ngoài ra, thầy cho tôi thêm 2 quyển, Lục Bát (thơ Hoài Khanh), và Hóa Thân (thơ Viên Linh). Trong lúc trò chuyện, những trận gió thổi qua khua động tiếng phong linh bằng gỗ lóc cóc lẫn với âm thanh leng keng bằng kim khí cho tôi cảm giác không còn là ở Việt Nam hay ở Mỹ. Ở tuổi 66, thầy còn khỏe, đi đứng còn rất nhanh nhẹn, cho dù thầy vẫn rất gầy như xưa, và đôi mắt vẫn còn rất tinh anh. Chúng tôi muốn ngồi lâu hơn, nhưng... ngại thầy trễ bữa cơm trưa, nên kiếu từ xin về. Thầy dặn mai kia nếu đến đây không gặp thầy, thì đến Thư Quán Hương Tích trên đường Nguyễn Thượng Hiền. Chiều chiều thầy thường đến đó sau giờ dạy tiếng Sanskrit, để dạo đàn vui chơi giữa sách vở và âm nhạc.

The Fig Cafe
Về đến nhà, nàng lại lấy xe gắn máy đèo tôi luồn lách qua những ngõ hẻm chiều rộng chỉ vừa đủ 1 xe rưỡi, đến quán The Fig Cafe, trên đường Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận. Đây là nơi nàng hay đến để thả hồn vào không gian rất ấm cúng, với cách trang trí nội thất nhã nhặn. Ngoài sân là cái hồ sen lớn hình chữ nhật với tượng Phật ngồi cao cỡ 1 mét nhìn xuống mặt nước. Những con cá lòng tong, cá bảy màu, mà thủa còn bé tôi hay nuôi hay bắt. Chung quanh là những chậu cây dương sỉ, cây si, và nhiều loại lá to tôi không biết tên. Băng ghế chúng tôi ngồi ăn kem ăn trưa ngay bên cạnh hồ sen dưới tàng cây sung và bồ đề. Quanh khuôn viên vườn có máy phun hơi nước mát thật dễ chịu. Chúng tôi ngồi nhìn lại, cùng kể cho nhau nghe dòng tâm cảm của những ngày bên nhau và những ngày không bên nhau. Nàng bảo tôi - khi bên tôi nàng chẳng hiểu từ trường của tôi là loại nào, mà khiến nàng chẳng nghĩ đến chuyện gì khác ngoài chuyện muốn làm đệ tử đức Phật. Chiều nay trong lúc đang đọc sách, tôi nhớ đến nét đẹp lung linh chỉ hiện ra khi nàng dưới mái chùa hoặc dưới bóng cây bồ đề. 

@ The Fig Café
Tất cả những ước nguyện từ ngày 2 đứa chưa gặp nhau đều đã hiện thành. Bây giờ bắt đầu chặng đường mới... Đạo hay đời, nó đầy ắp sự cảm thông và hỷ xả thênh thang. 

2. 

Buổi tối đi bộ ra Hương Sen, gọi thử tô bún mắm chay. Đĩa rau gồm có rau cải biển, kèo nèo, đọt súng, hoa chuối, rau muống chẻ, bông điên điển. Hôm nọ được ăn hoa thiên lý, hôm nay ăn hoa điên điển. Sau đó, thưởng thức thêm hũ yogurt, đi kèm với phần ăn, ngon và mát. Thần tiên gì đâu!



21 September, 2011

september 22

1.

Ai cũng muốn mình sống mãi, kể cả khi lên Thiên Đàng hay vào Niết Bàn! Có thể vì lẽ đó, Tâm Kinh chỉ có 260 chữ, mà chẳng mấy ai thông thoáng! Hình như bộ óc con người khó hình dung ra được và chấp nhận chính nó đang là Không! Nó đang sờ sờ đọc và nghe Tâm Kinh mà, Không ở chỗ nào chứ!!! Hì... 


2.

Anh nhìn bằng mắt, nhưng đôi mắt không phải là cái nhìn. Anh nghĩ bằng lời, nhưng lời không phải là ý nghĩ. (đoàn minh phượng)


3.

Nếu nói, do có củi mà có lửa, và ngược lại, do có lửa mà có củi, thì cái nào có trước và cái nào có sau? Nếu do có củi mà có lửa, tất củi có trước. Nếu do có lửa mà có củi, tất lửa có trước. Nhưng lửa do củi mà có, thì củi cũng do lửa mà có, do đó, không thể nói cái này có trước cái kia. Nói cách khác, giả tỉ rằng củi có trước lửa, nhưng chưa bị đốt cháy, sự thể ấy không thể gọi là củi; nghĩa là, trong giả tỉ này, ta đã mặc nhiên thừa nhận có lửa rồi. Đã có, sau đó là do đối đãi mà có nữa, điều này mắc phải lỗi trùng phức. Trái lại, trong giả tỉ ấy, ta không mặc nhiên thừa nhận rằng sự thể không cần được đốt cháy, không cần đến lửa, mà vẫn hiện hữu. (Tuệ Sỹ - Triết Học về Tánh Không)





september 21 (2)

1.

Bà lão tuổi 80 mời tôi mua vé số.

- Bác lớn tuổi rồi sao không nghỉ ở nhà con cháu lo, mà phải đi bán vé số chi cho cực?

- Tụi nó lo cho thân nó còn chưa xong, ở đó mà lo cho tui.


2.

Thấy tôi đứng nhìn đoàn xe tan sở mà ngần ngừ băng qua bên kia đường. Cô gái nói bâng quơ "có ai muốn tui đưa qua đường dùm hong nè!"

Tôi sung sướng: "Có tui!"

Theo bước chân cô ấy, tôi băng qua bên kia đường an toàn. Cô ấy nhìn trời bảo "Mưa hoài! Chán quá!"

"Ủa! Tưởng người Sài Gòn thích mưa?"

Cô ấy nhìn tôi cười thật là duyên, "trời mưa, bán hàng ế lắm anh!"


september 21

Mấy ngày qua ở Sài Gòn bù khú lê la, hôm nay ở nhà tịnh tâm! Hihi...

Dạo này đã quen với giờ giấc ở đây, nên ngủ đến 6 giờ sáng là thức giấc. Lên net dạo vòng vòng xong, xuống quán dưới nhà ăn sáng. Buổi trưa hôm qua, ghé vào siêu thị mua chai nước suối và ăn cơm chay. Rồi lăn ra ngủ đến 4 giờ chiều. Whoa! Giấc ngủ trưa thật là say và sâu. Có lẽ vì mấy hôm chưa được ngủ trưa chăng? Lan man... lan man... đến chiều hôm nay...

Tâm thức là danh, hành động là sắc.

Khi thấy một người đi chợ, tôi biết tâm thức người đó đang bận rộn chuyện ăn uống, cho dù họ không mua gì cả.

Nhiều sự việc có thể lý giải giản đơn như vậy. Có vài sự việc sâu xa hơn mức bình thường, như chọn làm người Việt Nam hoặc Hoa Kỳ, hoặc chọn khoác chiếc áo làm thầy tu hoặc linh mục, vân vân...

Chung quy sự việc trên đời không thoát ra khỏi 2 chữ danh sắc!

Đọc lời lẽ trong "Thiền sư Khippapanno Kim Triệu, Mười Ngày Thiền Tập", có diễn đạt điều này bằng ngôn từ chuyên môn và chi tiết hơn một chút.

"Khi có tâm định, hành giả bắt đầu thấy Danh Sắc. Danh Sắc tiếng Pàli gọi là Nama Rupa. Nama (Danh) nghĩa là tâm hướng về hay nghiêng về đối tượng của nó. Vậy tâm của ta hướng về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Hướng về mắt thì tâm thức bắt cảnh thấy; hướng về tai thì bắt tiếng nghe; hướng về mũi thì bắt mùi; hướng về lưỡi thì bắt vị; hướng về thân thì bắt cảm giác; hướng về tâm thì bắt sự suy nghĩ hay những đối tượng của tâm. Còn Rupa (Sắc) là đối tượng ở trong mấy căn.

"Theo sách Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo), khi thấy Sắc rõ rồi thì tự nhiên thấy Danh. Vì vậy phải theo niệm Sắc. Ở đây, quý vị niệm phồng xẹp của bụng, theo dõi tỉ mỉ, không gián đoạn, cho thấy rõ cái phồng cái xẹp là Sắc. Phồng xẹp là sự chuyển động của thân. Thấy rõ sự chuyển động, mới nhận thức được "cái biết" sự chuyển động này là tâm. Cái biết này chính là Danh hay tâm thức. Sở dĩ ta thấy như vậy là vì Danh Sắc luôn luôn đi chung với nhau. Chúng ta cũng có thể tự hỏi: phồng xẹp là thân, rồi làm sao ta biết được phồng xẹp? Và hỏi thêm nữa: cái gì biết được phồng xẹp và hồi nãy cái gì chú tâm nơi bụng? Cái đó chính là Danh hay tâm thức. Khi tâm hướng về bụng, bắt được phồng xẹp. Biết được vậy là biết Danh Sắc."


18 September, 2011

Thấy Vui



Sáng nay thức dậy, tôi nhận được điện thoại và tin nhắn của chị, ngồi trên xe, cảm thấy xúc động và vui. Tôi không nghĩ bông hoa ấy sẽ nở, ít ra vào lúc này.

Trưa, sau khi thăm viếng bà con ở Phan Rang, trên đường về xe dừng lại để ghé mộ Ba. Trời đột nhiên chuyển mưa rào nguyên một vùng đó. Phía xa xung quanh, mây vẫn trắng, trời vẫn nắng chói chang. Lỡ rồi, đội mưa và lội ruộng qua để vái lạy chứ không thể thắp nhang. Đi lội bì bõm mà sao miệng cười cười hoài, lâu lắm mới có dịp tắm mưa hay vì không khí quanh đây dễ chịu quá. Vui hoài.

Về đến nhà, đọc note của bé viết về sự bình an tại tâm, thấy cậu em cũng bình an. Vui tiếp.

Trước đây, tôi cứ hay nói để bắt người khác thay đổi quan điểm, thói quen và suy nghĩ của họ cho bằng được. Họ mà không làm, thì bắt đầu kiếm chuyện chê bai. Mà làm việc đó hồn nhiên lắm, lúc đó vẫn tin mình đang làm đúng, và tin điều mình tin là đúng. Tất tất họ là sai. Giờ thấy mình đã bớt cái kiểu hồn nhiên như thế, thấy vui tiếp.

Vui vì thấy mình đang dần lành như miếng đậu hủ. Hihi…

 
***


Tự nhiên có vài ý rất cà dựt, muốn viết ra luôn

-          Giúp tâm bình an là một việc làm có trách nhiệm. Vì chỉ khi mình bình an, thì mới giúp những người chúng ta thương yêu cũng cảm thấy an lạc khi ở gần ta, dù rất ngắn thôi. Đó, không phải một điều sáo rỗng, cũng không có gì thanh cao, phi thường. Nó chỉ như bao nhiêu việc làm khác mà mình chọn để làm, như việc dắt cụ bà qua đường, nghe người mình thương thủ thỉ, quyên góp, cười với đồng nghiệp. Nó đơn giản là một việc tốt. Không có gì cao ngạo, hay xấu hổ khi một hôm cảm thấy muốn chọn làm một việc tốt, để giúp mình an lạc trước tiên. Có thể Thiền, có thể làm nghiệp thiện, nói điều dễ nghe, vui vẻ nhiều hơn…

-          Thì ra ai cũng có thể lựa chọn được chặng đường tiếp theo của mình là tốt hay xấu, là thuận lợi hay khó khăn, là tiếng cười hay nhiều tiếng chửi rủa. Nếu ví Tâm mình là một khu vườn, thì chuyện bất lợi nào đó đã xảy ra, và đang xảy ra, sẽ được ví như hạt mầm không tốt của ai đó hay vì vô tình nào đó, đã bị ném vào khu vườn của bạn. Một người làm vườn sáng suốt, sẽ dừng lại và xem xét hạt đó là mầm tốt hay xấu. Nếu nó xấu, sẽ không để nó làm xấu đi khu vườn của mình bằng cách tưới thêm nước và giúp nó lớn lên, để rồi sau đó lại chửi rủa, càm ràm đổ cái lỗi ấy vào kẻ khác đã ném vào. Người ấy sẽ dừng lại, bứng gốc, hoặc không bao giờ tạo điều kiện để nó nảy mầm. Như việc ai đó làm xấu với mình, việc mình đáp trả, có thể hiểu là chúng ta đang tưới thêm nước. Giữ trong lòng, có thể hiểu là ta chôn nó xuống đất, một lúc nào đó đủ điều kiện nó sẽ lại trổ mầm. Người đã ném câu ấy vào ta, có thể khu vườn họ cũng đang có những hạt mầm không tốt, nhưng cớ sao phải để điều đó ảnh hưởng đến mình!?

Chính bạn biết, khu vườn của bạn đã có những hạt mầm nào tốt. Thế thì cứ tập trung tưới tẩm cho hạt mầm ấy tốt hơn lên, tự thân điều tốt sẽ tự nhân thêm mầm tốt, đến lúc nào đó bạn sẽ hưởng được hoa trái của chính mình đã chọn gieo.

-          Trích lời giảng của Phật trong Chương 32, Ngón tay chỉ mặt trăng - Đường Xưa Mây Trắng - Thích Nhất Hạnh: Người khôn khéo phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả. Giáo pháp của tôi là để thực tập chứ không phải là để cất giữ mà thờ phụng và ca ngợi. Chiếc bè là để giúp ta qua sông chứ không phải để ta vác lên trên vai mà tự hào. 

-Diệp Phương Nghi
Nha Trang - 19 tháng 9, 2011

17 September, 2011

september 18

Bởi vậy kẻ nào mà tâm hồn đã hòa nhập với thiên nhiên vạn vật thì tâm hồn họ luôn tràn ngập niềm vui. Đối với họ mỗi mùa thậm chí là mỗi phút giây trôi qua trên cuộc đời họ cũng đều là những giờ phút thiêng liêng, những giờ phút tràn đầy thơ mộng. Tagore đã kể lại cho ta nghe niềm vui bất tuyệt đó như thế nào? “Và niềm vui thì ở khắp nơi: Ở trong tấm áo xanh tươi bao trùm khắp mặt đất, trong màu xanh bình thản của bầu trời, trong sự sum xuê nẩy nở của mùa xuân, hay trong sự suy tư khắc khổ ảm đạm của mùa đông”.

-Thích Phước An, Rabindranath Tagore - Thi nhân đi tìm vô hạn trong vòng tay của bà mẹ cát bụi 
 

16 September, 2011

Huyền Ký


 

 

Ông lão chậm rãi mở cửa am thờ. Một cái khám nhỏ nằm sâu trong tường, một bức tượng Phật kiểu Nhật Bản đang được an vị trong đó. Một vầng hào quang trắng đục bao quanh tượng Phật, không rõ ánh sáng đến từ một nơi nào trên trần nhà hay một bóng đèn được lắp kín đáo đâu đó. Trước khám thờ chỉ có một chiếc bàn gỗ mặt hẹp nhưng chân cao, thoáng nhìn giống hệt một con hạc đang hầu Phật. Như quên mất người khách đang đứng sau lưng mình, ông lão lặng lẽ chấp tay làm lễ một lúc, trong im lặng. Đoạn, kính cẩn đưa tay lên bàn thờ cầm lấy một chiếc hộp gỗ nhỏ chừng hơn gang tay, rồi nhẹ nhàng mở ra. Hắn như nín thở nhìn theo từng động tác của ông lão. Trong đó chỉ là một cuốn sách, một xấp giấy cũ thì đúng hơn. Ông trao cho hắn.

Nó đáng gọi cổ thư, giấy thô ráp ố vàng, chữ nghĩa bên trong là thứ văn tự gì đó nếu chẳng của Tây hạ hẳn cũng Thổ Phồn cổ tự, trông như đàn kiến bò trên những lóng trúc lục bình. Mặc, dăm trang cuối sách là những trang viết tay dày đặc, Anh ngữ hẳn hoi, văn pháp đương đại, thậm chí từng dòng chữ cơ hồ còn thơm mùi mực. Có điều bút khí cuồng lộng, ý tứ thần dị. Hắn chong mắt xăm xoi.

“Muốn hoá thân ra người Quán Tự Tại, đừng học cách Ở, hãy học phép Đi. Dúm cơm khô trong túi du hành còn đắc dụng hơn trang viên giữa phố. Hãy biến những thứ có được ra hành trang trên đường. Đừng nghĩ chuyện dài lâu, không buồn vui nào dài quá một nháy mắt. Ai cũng sợ mù lòa, nhưng thích sống vô minh. Và mặc ta vô minh, đời cứ thế vô thường. Hãy tận dụng sáu cửa nội tại để trăm năm không trôi mất. Thời gian chỉ tồn tại khi ta biết cách tồn tại.

“Người hoằng đạo chớ sợ đời mạt pháp. Mạt pháp chỉ là tên gọi một cách tồn tại khác của Chánh pháp. Chánh pháp luôn có cách tồn tại trong mỗi thời kỳ. Tùy căn cơ, chánh pháp được hiển hiện qua những chiều kích khác nhau. Hãy trao cho trẻ con những món đồ chơi, gương lược cho phụ nữ, hoa ruợu cho nhà thơ, cổ thư cho học giả, cùng với một lời nhắn nhủ cho mỗi người về mục đích của cuộc chơi. Rong chơi có mục đích được gọi là hành hương, dắt tay người cũng là cách độ chúng. Cùng nhau vào cuộc chơi với xâu chuỗi trên tay mỗi người, không niệm Phật cũng cứ là tu niệm. Đừng ngồi cô độc bên đường ôm hòm bối diệp mà tưởng tiếc ngàn xưa.

“Thái độ nào cũng chỉ là một sự bày tỏ, thể hiện, một tiếng nói. Việc đời hay chuyện đạo đều cần đến một lời rỉ tai là không nên bỏ xác ở một kết luận nào hết. Đời là một cuộc đi. Còn hơi thở là còn bước đi và giảo nghiệm. Sao cũng là tốt, miễn đừng bao giờ nghĩ đến hai chữ Tốt Nhất. Chữ Nhất thường đi chung chữ Lầm. Chỉ nên Tốt Hơn, đừng bao giờ là Tốt Nhất. Thế giới đã đổ máu, nhỏ lệ, chỉ vì những nhãn hiệu. Chớ tin kẻ tìm thấy chân lý, hãy lắng nghe người đang tìm chân lý. Đời vô thường nên con đường nào cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Đừng mong lấy cái ngắn hạn giải quyết chuyện đời thiên thu. Mùa đông có tuyết trắng và cành khô, thế chẳng đủ tuyệt vời lắm sao? Cứ gì phải vì luyến tiếc mùa xuân mà cưỡng cầu thứ hoa khô giả tạo. Mùa nào thức nấy. Người hành giả rong chơi với bốn mùa trong tim và ngay trước mắt.

“Một trong những thứ kinh thư đáng được thờ lạy nhất trên trái đất này chính là mấy cuốn sách danh ngôn. Thật lạ lùng khi người ta có thể cóp nhặt đủ thứ để lập giáo xưng danh một cách nghèo túng, kể cả những vá víu vay mượn đầy bệnh hoạn, mà chưa hề có người tuyên xưng thứ kinh điển ngàn vàng ấy. Chúng là tinh hoa ngàn đời của nhân loại, là máu huyết của vô số cổ nhân, và nằm ngoài tất cả mọi nhãn hiệu. Thần tượng vĩ đại nhất trên thế giới này phải nằm ngoài mọi nhãn hiệu để có thể đại diện cho tất cả những thứ cao đẹp. Hiếm một tín đồ của bất cứ tôn giáo nào trên đời chịu để ý rằng càng lên tiếng suy tôn giáo chủ một cách ồn ào thì càng thu hẹp không gian tồn tại của đối tượng mình tôn thờ. Chỉ nên nhắc đến cõi tinh thần của các thần tượng, đừng xây lên những bảo tòa cao ngất vốn xa lạ với nhân gian và làm chướng mắt những người chưa tìm thấy sự khả kính ở đó. Hãy để các vị ấy hiện hữu một cách thơ mộng và cao khoát như trăng khuya, biển chiều, núi cao, sông dài. Những thứ thiên nhiên đó không cần đến sự quảng cáo. Và tình yêu thiên nhiên sẽ không tạo ra những khoảng cách không nên có giữa những tim người.

“Đừng ham cái Dễ mà chối bỏ cái bị xem là Khó. Mọi thứ trước khi trở nên dễ dàng đều phải là khó khăn. Hãy yêu cái đơn giản, nhưng đừng ham chi chuyện dễ dàng. Ai đó đã bảo, hãy sống đơn giản theo mức đơn giản vốn có của đời sống, nhưng nhớ đừng tìm cách đơn giản hơn nữa. Học hành một cách đơn giản là thông tuệ, cố gắng đơn giản hơn mức cần thiết là lười biếng.

“Ở một tuổi nào đó trong đời hãy học cách yêu lấy đáy thẳm của sự yên lặng. Cách nói đó oách quá, ăn cắp của một tay ngông ngạo. Nghe ra không được thật thà và tới nơi tới chốn bằng hai chữ vô danh. Phải. Nhớ câu nói của ai đó, tuyệt diệu nhất vẫn là sự giàu có của một người vô danh. Hãy tự xem mình là kẻ đang bị truy sát, lộ diện là tự sát. Hãy bắt đầu yêu lấy nỗi vô danh để làm quen với sự lặng lẽ của mộ địa. Một trong những thú vị lớn nhất của nhân gian là trồng hoa trên đỉnh ngàn, đêm đêm nghe gió xuôi về đồng bằng, mang theo món quà vô danh của mình. Vô danh mà vô tình vô tâm, đó chỉ là kiếp đời của một tử tù trong hầm sâu ngục tối. Vô danh mà có tâm, có tình chính là tận hưởng sự hiện hữu phù vân.

“Một ngày mùa đông về chơi một góc nhỏ Thượng Hải, rong chơi mấy hôm bỗng nhận ra mình đã già, đã thay đổi nhiều quá. Ngày trước cứ một lòng khăng khăng đi tìm cái tinh khôi của đạo Phật, thường xuyên dị ứng với những thứ đơm đặt của đời sau. Bây giờ bụng cứ nghe vui râm ran kín đáo, khi tình cờ bắt gặp đâu đó một dấu vết của Phật lẩn khuất, vương vãi trong dân gian. Một chút thôi, cũng cứ thấy quý. Lòng đã tự tìm thấy một thỏa hiệp rồi chăng? Không hiểu nổi chính mình, ngày về bèn đem chuyện hỏi lại một người quen. Nhận được câu trả lời ngộ nghĩnh không biết nên vui hay buồn: Đã già rồi đó, vòng tay lớn hơn vì mắt đã chịu nhìn xa hơn. Người bỗng dễ thương là người sắp chết đấy biết không?

“Ba ngày xuân, nhằm dịp cuối tuần, chẳng đi đâu hết. Không chốn đi cũng chẳng có người để gặp. Chợt nhận được thư xa, từ nghìn trùng quê cũ. Một người quen vẫn chưa quên mình. Kể cũng là thương. Đôi câu hỏi han, dăm ba lời trách, pha chút vui buồn như kiểu mưa nắng bên đó. Chẳng biết phải nói gì, chợt nhớ lại một bài thơ vừa làm cách đó không lâu, sẵn sàng như một lời đáp cho câu hỏi đã biết trước. Em hỏi tôi ngày trở về cố quận. Tôi trả lời đâu cũng chốn quê hương. Em hỏi tôi bao giờ thôi lận đận. Tôi xin thưa: Cứ suốt kiếp trên đường. Em hỏi tôi gió phương này có lạnh? Tôi trả lời: Đời giá rét chung thân. Đợi mưa gió bên ngoài chừng ráo tạnh, đốt thơ mình nhóm lửa sưởi đôi chân. Em hỏi tôi sao một đời khinh bạc, phủi tay hoài những ấm lạnh tình thân. Tôi trả lời gã tiên khờ đi lạc, buổi kim tiền sao có nổi tri âm!”

Trong ánh sáng mờ nhạt của am thờ, hắn đứng đọc một mạch không sót một chữ, toàn bộ mấy trang giấy đó. Đọc trong im lặng và nghe mình như đang lên đồng. Đúng hay sai, một phần hay toàn bộ, nội dung kỳ quái trong cuốn sách kia. Hắn lễ phép trả lại cuốn sách cho ông lão và từng bước rời khỏi am.

Bên phiến đá trắng được kê làm mâm trà giữa khu vườn tĩnh mịch, trong cái không gian váng vất một mùi hương lạ của loài hoa nào đó mọc chen trong những kẽ đá, ông lão giữ am nhỏ giọng kể lại cho hắn câu chuyện cũ:

“Thầy trò lão gặp nhau lần đầu ở Nam Kinh. Trên một chuyến tàu đêm. Nhân duyên là cái gì đó không nói được nhưng có thật trên đời ông ạ. Khuya hôm đó, lão lóng ngóng thế nào mà lại làm đổ cả ly trà nóng trên chân sư phụ. Lúc đó thầy chỉ mới ngoài bốn mươi.

“Đang cúi xuống định lau lấy chiếc giày ướt đẫm kia như một cách xin lỗi, lão bỗng nghe một câu nói rành rọt, chữ nghĩa và âm sắc như của một người bản xứ:

- Ông cụ đừng làm vậy, tôi có thứ trà này ngon lắm, cụ có sẵn nước sôi ở đây sao, hay là ngồi uống với tôi một chén.

“Ông có tin không, người vừa nói với tôi câu đó là một thầy tu nước ngoài. Nếu không tận mắt nhìn, ai biết được đó là tiếng Tàu của một người ngoại quốc chỉ đến Trung Hoa chưa được chừng vài bận. Văn hoá của một xứ Tàu kín cửa suốt mấy chục năm đã không cho phép lão có được cái tư phong cần có trước hoàn cảnh đó. Thật lạ, chỉ sau vài ba tuần trà, lão bỗng thấy mình không thuộc về miền đất này nữa. Lão đã thuộc về người khách lạ vừa quen biết trong tình huống kỳ cục đó. Chỉ hỏi lão hai câu về gia đình và sức khỏe, sư phụ nhìn thẳng vào mắt lão rồi hỏi không ngập ngừng: Ông cụ có chịu về tu hành với tôi? Nói thiệt, con người đó có rủ lão đi ăn mày lão cũng gật đầu ông ạ. Chúng tôi đến Thượng Hải, sư phụ bảo lão viết một cái thư về cho hai thằng con trai.

“Cứ vậy là lão về sống với sư phụ. Thầy lạ lắm, chuyện gì cũng nói trên bàn trà. Lão học đạo cũng ở ngoài vườn. Không giấy mực gì hết. Bất cứ thứ gì nhìn thấy chung quanh đều có thể là cái cớ để thầy nói về Phật học. Từ các món gia dụng trong nhà đến những chậu kiểng, hồ nước ngoài vườn. Từ đó, làm gì và ở đâu lão cũng thấy Phật pháp và như nghe cả tiếng nói của sư phụ. Hai mươi năm trời trôi qua vùn vụt. Vậy rồi thầy đi. Thanh thản lắm, không bệnh hoạn gì hết, chỉ nói muốn nằm nghỉ. Đến lúc vào báo giờ cơm trưa, lão mới biết. Hơn một tháng trước đó, bỗng dưng sư phụ cứ dặn dò lão chuyện này chuyện khác. Lão không thể linh cảm ra điều gì. Rõ ràng sư phụ nhỏ hơn lão đến chục tuổi mà. Cuốn sách đó sư phụ để trong chiếc va-li hành lý mà ngày trước vẫn dùng trong những chuyến đi xa. Lão thờ ở đây như một kỷ niệm gắn bó với sư phụ nhiều nhất. Sư phụ đi nhiều, quen nhiều, sao lại chọn lão chứ. Đến giờ lão vẫn chưa hiểu và cũng chưa từng hỏi qua sư phụ chuyện đó. Chỉ biết rằng ngoài Phật pháp, chưa hề nghe thầy nói đến thứ gì khác. Nhớ lại một câu dặn dò bâng quơ của sư phụ ngày trước, lão đã rải tro di cốt của thầy xuống biển ngay sau lễ hóa thân. Gia tài sư phụ để lại cho lão chính là những gì lão đã nghe được ngay từ bàn trà này và vài thứ vặt vãnh trong hành lý gió bụi của thầy ngày xưa. Cái am này giờ cũng đã mục nát rồi, mai này tới phiên lão đi xa, chắc chỉ còn lại khu vườn hiu quạnh này.”

Đang nói đến đó, lão liếc mắt vào chiếc đồng hồ tường treo trên vách gỗ sau lưng, rồi xin phép khách đến gióng nhẹ ba hồi chuông để bắt đầu buổi kinh chiều. Hắn cứ như ngẩn ngơ khi nhìn theo lão, nhìn đến từng món vật dụng chung quanh. Đúng là cái gì ở đây cũng phảng phất bóng dáng người sư phụ kỳ lạ của lão. Cái đồng hồ tường khó tìm thấy ở bất cứ đâu: hai chiếc kim trên đó chỉ là hai que trúc mong manh gắn vào một mảnh đá tròn dát mỏng. Cái gọi là chuông kia cũng lạ lùng, trông như một cái bát khất thực của nhà sư đem treo ngược, những dư hưởng sau cùng của chuông nghe như tiếng muỗi bay.

Không muốn quấy rầy ông lão đang tụng kinh bên trong, hắn khẽ khàng bước nhẹ ra phía cổng tìm cái gì bỏ bụng buổi chiều. Ông lão khi nãy vừa bảo đêm nay sẽ đãi hắn một buổi uống trà giữa đêm để ngắm hoa quỳnh nở. Hắn đã ra khỏi khu vườn mà bên tai vẫn như nghe rõ ràng một giọng nói xa lạ: Mặc ta vô minh, đời lặng lẽ vô thường!

 

Toại Khanh

september 16 (3)

Vầng Trăng Vô Ngã



Biển lặng dập dìu những cơn sóng nhỏ vào bờ. Trăng 18 trên mặt nước lồng lộng. Cô gái nhìn sâu vào trong ấy như đang tìm một câu chân ngôn nào đó đang muốn nói với cô. Cô nhìn, nhìn, và nhìn như chưa từng nhìn nó.

Ô!...

Trăng. Tự trăng không có ánh sáng. Nó mượn ánh sáng của một thực thể khác chiếu xuống trần gian cho hoa lá và muôn loài tuần hoàn luật vũ trụ. Trong đêm 30, thủy triều vẫn đều đặn với sự chi phối của một vùng ánh sáng không có mặt.

Trăng. Từ bi.
 

Vô ngã.


(Viết lại theo ý Diệp Phương Nghi - dòng sông đang chảy trong tôi...)

september 16 (2)

11 am

Thanh đến như đã hẹn. Hai anh em cả 40 năm, bây giờ mới gặp lại nhau. Thanh cô con gái độc nhất của em trai thứ bẩy của mẹ tôi, mất trong thời chiến tranh vào năm 1973 - lúc ấy mới 24 tuổi. Dáng người em vuông vức, vầng trán cao, mắt buồn nhưng nụ cười tươi. Tôi mời Thanh qua quán cà phê ăn trưa. Order xong, Vinh, chồng Thanh 22 năm qua gọi điện. Thanh chuyển máy cho tôi, và tôi mời Vinh đến dùng bữa trưa cùng chúng tôi.

Hai anh em nói chuyện huyên thuyên, từ ngày cậu tôi mất, mợ đem Thanh về quê. Có một điều lạ, là bà cán bộ trung cấp tôi bắt chuyện trong lúc chờ máy bay hôm qua, đến những người trong gia tộc, đều quan niệm rằng sống là để trả nghiệp, một quan niệm rất ư là Phật Giáo. Không chỉ có nói trên đầu môi chót lưỡi, mà thật sự cái nhìn ấy phát ra từ khóe mắt, từ âm thanh xúc động, từ ánh sáng trên trên khuôn mặt. Tôi thầm hỏi, từ thủa nào, phương tiện nào, mà tư tưởng này đã thấm nhuần vào cõi lòng của họ. Có lẽ đời sống của họ bao nhiêu năm qua đã cho họ cảm nhận sâu xa về nghiệp thức. Câu chuyện của hai anh em tôi xoay quanh giáo lý Phật Giáo trong đời sống hằng ngày. Dù cuộc sống của Thanh còn nhiều khó khăn, em rất mừng khi thấy tôi được thong dong.

Vừa ăn xong bữa, Vinh đến. Chàng thanh niên tuổi Giáp Thìn chỉ gọi ly cà phê đá ít đường. Vì nghề nghiệp chạy dịch vụ, nên Vinh rất hoạt bát và linh động trong câu chuyện ngày đầu gặp gỡ. Chúng tôi nhanh chóng đổi đề tài qua làm ăn. Vinh kể cho tôi nghe giấc mơ nho nhỏ của vợ chồng Vinh trong vài năm qua, và rủ rê tôi đi Kiên Giang vài ngày, cho tôi được cơ hội nhận xét thương trường tinh tế hơn. Vì biết đâu, tôi sẽ là người giúp hai em hiện thành được niềm vui nhỏ bé ấy, vừa vui vừa tạo được công ăn việc làm cho nhiều người. Vinh giỏi về giao tiếp và quản trị nhân viên mà không biết tí gì trong bếp. Dù chỉ mới gặp nhau lần đầu, tôi đã thoải mái đùa chọc bằng những câu châm biếm hài hước. 

Thế là sau 2 ngày về lại Sài Gòn, cùng một bối cảnh, hai người hai đường hướng thương trường khác nhau. Mợ Thụ tính toán chuyện làm ăn như nữ kiếm sĩ liên hoàn kiếm ở ngay trong thành phố; còn Vinh, tựa như kiếm khách Tiểu Lý Phi Đao chỉ có một tuyệt chiêu muốn trổ tài ở ngoại thành. Hihi... Những giấc mơ ... ôi ... những giấc mơ! Hôm nay một mình chiêm nghiệm thân tâm, tôi chợt nhớ đến thầy ngày hôm qua trên đồi Trại Thủy Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập... lời nguyện của tôn giả A Nan. Từ ngôn hoặc ý nghĩa câu này, không đã bằng tiếng cười của thầy sau khi dứt câu.

Tiếng cười sang sảng đầy an vui.

15 September, 2011

september 16

Ngày 15, tôi nhờ nàng đưa tôi đến Phật Học Viện để tìm một vị thầy mà hơn 36 năm qua tôi không còn được liên lạc. Lò mò theo những con đường hẻm loanh quanh, cuối cùng chúng tôi cũng đến được ngôi chùa thầy đang cư trú. Tôi và nàng ngồi ngoài sân dưới gốc bồ đề, chờ thầy xong thời kinh buổi sáng.

Thầy đón chúng tôi vào sân sau, nơi đó có thể nhìn xuống theo triền dốc thoai thoải ngắm những con kinh nước hàng dừa, những mái nhà tôn sét rỉ xen lẫn giữa những biển thương hiệu, những cái đầm nước vuông vức dưới bóng những ngọn đồi xanh um. Thầy pha trà cho 2 đứa chúng tôi. Câu chuyện đời có, pháp có, không đời không pháp cũng có! Hihi...

Tôi trở vào Sài Gòn vào buổi chiều hôm qua, từ lòng phi cơ nhìn xuống thấy vịnh Cam Ranh thật hữu tình. Nàng ở lại Nha Trang cùng gia đình cho hết cuối tuần.

Cậu Thụ, em trai kế mẹ tôi, và mợ đón tôi ở sân bay. Thấy cậu năm nay đã 74 mà vẫn khỏe vẫn tươi, tôi nhìn qua mợ thầm cảm ơn cô ấy. Cậu chở vali của tôi, còn tôi ngồi sau lưng mợ. Trên đường về nhà cậu, từ phi trường về quận Tân Bình, đường xe đông ơi là đông. Về đến nhà, mợ vào bếp chuẩn bị hủ tíu Nam Vang; tôi và cậu ngồi ngoài phòng khách lan man. Cậu tôi về đây lấy vợ và định cư cũng được hơn 3 năm. Trong bữa ăn, tôi nói chuyện với mợ nhiều hơn, và cũng mừng cho cậu mình được người vợ khôn ngoan lo lắng cho cậu. Buổi tối về khách sạn, sau khi nói chuyện với nàng vài câu, tôi lăn ra ngủ đến 4 giờ sáng. Căn phòng này ở tầng 2, nằm sâu trong khuôn viên khách sạn, nên yên tĩnh hơn căn phòng cách đây mấy ngày, nhưng tôi sẽ đổi lại căn phòng cũ có ban công để ngắm phố xá cho dù hơi ồn ào một tị.

14 September, 2011

september 14 (2)

Từ nhà trên đường Bạch Đằng, nàng đưa tôi ra đường Trần Phú đi về hướng nam dọc theo bờ biển Nha Trang. Qua công viên Bạch Đằng, nàng quay xe ngược hướng bắc, ghé vào Nhà Hàng 4 Mùa mua cà phê uống. Từ quán này, nhìn qua bên kia là Vinpearl Resort, chúng tôi ngồi sát bờ biển dưới hàng cây bòng xen với hàng cây dừa cao vút. Ở đây, lâu lâu chúng tôi có những người bán dạo đậu phụng rang, dép nhựa, và dây chuyền ngọc trai giả mời mọc khách hàng.

Bóc bao thuốc mới mua George Karelias and Sons của Hy Lạp, uống ly cà phê sữa đá, gió biển, nàng và cát vàng, sao mà vị cà phê ngon thế không biết! (À! Không biết nhạc sỹ Phạm Duy đã đến đâu ở Nha Trang mà có cát trắng? Cát ở Nha Trang tôi thấy chỉ là cát vàng.) 

Trên đường chính dọc theo bãi biển Nha Trang tên Trần Phú có những hàng thông được chăm tỉa cẩn thận hình thù vuông có, tròn có, dẫn chúng tôi đi qua công viên nước Phù Đổng, Trung Tâm Văn Hóa, quảng trường 2 tháng 4, tháp Trầm Hương, rẽ trái vào đường Lý Tự Trọng đến bùng binh Ngã 6, đi qua Nhà Thờ Núi, bọc qua đường 2 tháng 4 dẫn qua cầu Hà Ra, qua cầu Xóm Bóng nhìn thấy Tháp Bà bên tay trái, bắt vào đường Hòn Chồng qua đường Phạm Văn Đồng, ngắm Hòn Rùa, Núi Cô Tiên. Sau đó, đi ngược lại đường Phạm Văn Đồng qua Hòn Đỏ, chúng tôi qua cầu Trần Phú, có Hòn Cậu và Hòn Đá Chữ, quẹo vào đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nàng đưa tôi đi qua chợ Đầm, đường Lý Quốc Sư, đường Quang Trung, và trở lại đường Lý Thánh Tôn. Trên đường này có trường tiểu học Phương Sài, nơi nàng đã có thời làm học trò. Sau giờ tan học, bạn sẽ thấy một sạp bán bún bò Huế không tên được dựng lên ngay sát bờ tường trường. Nơi này cũng là nơi nàng thường đến để ăn bún bò, nên chúng tôi ghé vào gọi 2 tô. Tôi ăn ngon lành, chỉ có điều là họ nêm hơi nhiều bột ngọt.

Về lại nhà nàng, quán sinh tố Quý, tôi gọi thêm ly sinh tố đặc biệt.

13 September, 2011

september 14

Nha Trang

Chuyến xe đò Phương Trang đưa chúng tôi đến Nha Trang lúc 5:30 sáng, vừa kịp đón ánh bình minh mầu vàng cam cuối chân trời. Xe đò có khoảng chừng 30 ghế nằm. Khách đi xe phải bỏ giầy dép vào cái bao nylon đen trước khi bước vào lòng xe. Mỗi cái ghế đánh số sẵn, có sẵn một cái mền mỏng. Khi xe lăn bánh, một anh đi từng ghế phát cho mỗi người 1 chai nước lọc. Trời khuya 8 giờ tối chẳng nhìn được gì, nên tôi kéo màn nằm xem DVD Thúy Nga đang phát trên màn ảnh xe đò.

Trong lúc chờ nàng tắm, tôi bước qua quán cà phê cóc vỉa hè gọi ly cà phê đen giá 5000, ngồi nghe chuyện thiên hạ. Đường phố Nha Trang ít xe hơn Sài Gòn, đây đó vẫn còn những chiếc xe xích lô đưa người đi chợ. Tôi và nàng đi ăn phở ở một quán bình dân diện tích cỡ 16 mét vuông, có 3 cái bàn, khoảng chừng 15 cái ghế. Giá cả mỗi tô lớn là 25000 như trong Sài Gòn. Bếp chỉ có thùng nước lèo, và nửa thùng nước sôi để trụng bánh. Thịt cắt sẵn để trong những cái tô con con trên mặt bàn có chồng bát đặt lên nhau. Trên kệ là hành lá và giá. Ông chủ quán thích bắt chuyện với khách, kể chuyện con cái với người này, nhưng đôi mắt lại nhìn người khác mời mọc vào câu chuyện. Trời đang nóng dần, nên chưa ra biển dạo được. Nàng hẹn đêm nay sẽ đưa tôi ra biển xem trăng 18 trên mặt sóng.

Thót tim cảnh hàng chục học sinh bơi sông tìm chữ

Vừa đọc tin này xong, thấy băn khoăn quá! Nghĩ thầm trong bụng, tại sao chùa chiền cứ mọc lên như nấm, cái nào cũng mún bự hơn cái kia, trong khi đó ... có những chuyện thiết thực hơn, sinh tử hơn, mà sao chẳng ai ngó ngàng!?!


12 September, 2011

september 13

Chiều hôm qua, ngày rằm, chúng tôi đến Hương Sen. Nhà hàng này đặc biệt đóng cửa ngày rằm và mồng 1, chỉ mở cửa cho dịch vụ buffet, 100000 một người. Lúc chúng tôi đến, nửa quán đã đông người. Trên bàn bày biện cỡ chừng 30 món chay, đầy đủ gỏi cuốn - đến bún riêu, bún mắm, bún bò - đến cà ri, bánh hỏi thịt quay, miến xào gà, cơm chiên, thức ăn tráng miệng và trái cây. Không hiểu sao, ngồi ăn được một chốc, tôi cảm tưởng như tôi đang ở Mỹ chứ không phải ở Sài Gòn. Nàng bảo tôi quay lưng lại nhìn ra ngoài cửa thì sẽ nhớ ra là đang ở Sài Gòn. Hì! Tính tôi khó ngủ nếu có cái đồng hồ treo tường kêu tích tắc, thế mà chẳng bao giờ có vấn đề này, vì tiếng xe chạy ngoài đường đã át mất. Tối tối nghe xe chạy mà ngỡ như dòng sông nào đó đang cuồn cuộn chảy rù rì rù rì.

Ăn xong, nàng chở tôi về. Sau khi vệ sinh cá nhân, tôi lăn ra ngủ đến 3 giờ sáng. Thức giấc, thấy trong phone có dòng chữ nhắn là hôm nay sẽ đến nhà nàng ra mắt gia đình, trước khi về Nha Trang. Tôi thấy lòng vui vui. Tính nàng kỹ lưỡng, yêu mến gia đình và bạn bè thân; mở ra từng chút từng chút một cõi riêng của nàng. Nàng đã sắp xếp nơi ăn chốn ở cho tôi nhẹ nhàng hòa vào nhịp sống thành phố mà không phải cảm thấy khó chịu. Nàng hành xử như người vợ hơn là người tình từ hành động chắt chiu đồng tiền, cân nhắc mọi tình huống bất ngờ, đến những dự tính sâu xa hơn trong tương lai. Cha mẹ nàng người Việt gốc Hoa, đến thế hệ nàng thì coi như là thuần Việt, thích ăn các món mắm, bánh bèo, bánh xèo, tất cả loại ốc, vân vân... Nàng yêu Sài Gòn như hơi thở. 2 tháng trước đây nàng phát nguyện ăn chay, nhưng đi chơi cùng tôi, nàng cũng cảm thấy chẳng phải gò bó trong chuyện chay mặn.

Cả nước Việt Nam, kỷ niệm tôi có hầu như chỉ ở Sài Gòn - cho dù không bao nhiêu, và phần nhiều thì đã phai nhạt. Trong tôi Sài Gòn gần như là một thành phố du lịch như Vancouver, Tijuana, chỉ có cái là được nói tiếng Việt. Chiều mai, hoặc chiều mốt, tôi đến Nha Trang - quê ngoại của nàng - nơi nàng đã lớn lên trước khi vào Sài Gòn để học đại học.

11 September, 2011

Còn Gặp Nhau

Còn gặp nhau
(Tôn Nữ Hỷ Khương tặng GSTS Trần Văn Khê)


Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương,
Chắt chiu một chút tình thương ấy
Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời,
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng tất cả mọi người.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
Giữa miền đất rộng với trời cao,
Vui câu nhân nghĩa, tròn sau trước
Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau.

Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình, say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ, say nhạc, say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày.

Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý - lẽ huyền vi
An nhiên tự tại - lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kỳ.

Đọc thơ Tôn Nữ Hỷ Khương

Từ xưa đến nay có muôn ngàn câu thơ lưu luyến qua bao thế hệ. Nhưng có những câu thơ mà cứ đọc lên ai cũng cảm thấy lòng mình rung động, xao xuyến, êm ái, nhẹ nhàng, nghe rồi nhớ mãi không quên, vì thơ đã đi thẳng, đi sâu vào lòng người. Đó là trường hợp của thơ Tôn Nữ Hỷ Khương.

Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã nói lên được bằng vần điệu những tâm tư thầm kín của mọi người, cũng đã cho thấy rõ con người của tác giả, là luôn coi trọng chữ Tâm:

“Sống trên đời gắng giữ trọn chữ Tâm
và nhất niệm báo ân – đừng báo oán.”

Và cả đời đã sống vì tình, một thứ Tình Người rộng rãi bao la:

“Trước sau chỉ một chút tình,
Thiết tha, trân trọng để dành cho nhau.”

Khi vui luôn có nhau trong tình tri kỷ. Lúc buồn cũng có nhau trong tình tương ái tương thân, nói với nhau những lời yêu thương dịu ngọt, cho nhau những nụ cười, những niềm vui, những ngọt bùi, để khi theo quy luật tự nhiên, luật vô thường, mọi vật đều có thể mất đi, thì “chỉ có Tình Thương để lại đời!”.

Trong thi phẩm của Tôn Nữ Hỷ Khương tôi tin rằng những bài thơ này sẽ lưu lại trong lòng mọi người nay và cả mai sau.



GSTS Trần Văn Khê

september 12

Buổi chiều hôm qua, chúng tôi đến tiệm The Sushi Bar, trên đường Tôn Đức Thắng. Cả chuyến đi trong cơn mưa lất phất trên chiếc xe gắn máy thật tình tứ. Quán này trang trí đẹp. Chúng tôi ngồi ngoài sân dưới mái hiên thông thoáng, thưởng thức sashimi và kèm thêm chai sake nóng. Vừa ăn vừa nói chuyện về đời sống. Vì hôm qua là ngày quốc tang, nên những nơi giải trí đều đóng cửa, nên đành về nhà. Thay quần áo xong, tôi lăn ra ngủ đến 3 giờ sáng.

Ở Sài Gòn mới được có mấy ngày, nhìn lại quãng thời gian ở Mỹ, nhìn lại bạn bè thân quyến, bỗng dưng thấy cả tấm lòng mở từ bi. Ước gì mình được chia xẻ niềm hạnh phúc đang có đến từng người. Gọi điện thoại về người trong gia đình mà chẳng được gặp ai, chỉ nói chuyện được với dì Vân. Dì vẫn theo dõi từng bước chân, từng hơi thở của cháu mình. Hai dì cháu đều đồng ý với nhau, là ở bất cứ nơi nào, khi lòng đã gửi trong Đạo thì tất cả đều thênh thang.

Chắc chắn một điều, là đang cưỡi ngựa xem hoa, cái gì cũng đẹp! Nếu có phải tìm đồng tiền để sống còn ở thành phố, chắc cũng châm khi phải đối phó với cái mặt trái của xã hội! Oh well... tôi cảm tạ đời sống cho tôi được cơ hội để nhận lãnh những may mắn, những ngọt ngào, những niềm an vui, những con người đã và đang hiện diện trong kiếp sống. 

september 11

Buổi sáng nay, nàng đem cho tôi một hộp mít, và 1 cái bánh trung thu. Bánh trung thu rất lạ, là họ dùng rau câu để làm vỏ thay vì dùng bột. Tôi thức giấc từ 6 giờ sáng, mà bỗng dưng nổi cơn làm biếng. Làm biếng đến nỗi cà phê cũng chẳng thèm gọi cho nhân viên đem lên phòng mà uống. Nằm đọc sách, để tâm trí bay bổng đi đâu thì bay. Hôm nay chỉ muốn take it easy, chiêm nghiệm đời sống. Tôi đang đón nhận nhịp sống ở Sài Gòn với từng áng sáng và âm thanh chung quanh, như miếng sponge đang từ từ đẫm nước. Có một nỗi niềm gì đó lâng lâng mỗi khi đứng ở ban công nhìn xuống đường phố đông người qua lại. Đời sống nơi này còn một cái gì đó mà tôi chưa chạm vào được. Nàng đem đến cho tôi rất nhiều tinh hoa của nhịp sống nơi này, nhưng vẫn còn cái gì đó sâu thẳm hơn đang len lỏi đâu đó.

Bạn nàng muốn gặp tôi, muốn biết tôi là ai, nên nàng gọi điện báo tin. Tắm xong, tôi thấy text nàng nhắn lấy taxi lên quán Cafe At Home, trên đường Trần Huy Liệu. Mọi người đang tổ chức sinh nhật cho nàng ngày hôm nay, cho dù ngày đúng là 19, vì ngày 13 tôi và nàng sẽ về Nha Trang quê ngoại của nàng. Trong đám bạn của nàng có anh tên Vũ, bảo nếu tôi muốn ra Phú Quốc chơi thì anh ấy sẽ tháp tùng làm tour guide, vì quê vợ anh ấy ở đấy. Tôi cười trả lời để nàng sắp xếp cùng Vũ. Nghe các bạn của nàng trao đổi những thông tin về những nơi đi chơi, chọc ghẹo nhau dí dỏm, tôi vẫn chưa cảm nhận được cho chính mình điều gì đó để la lên "À! Ra thế!"

Chia tay tạm biệt nhau xong, tôi lấy xe taxi về lại khách sạn. Mấy cô bán hàng ăn ở cổng khách sạn thấy tôi bước xuống xe, hỏi và mời tôi ăn cơm trưa. Tôi nhìn vào chọn ngay món cá rán, xong kéo ghế, ngồi uống trà. Một đĩa cơm với vài lát rau xào và vài lát cà rốt đồ chua, một đĩa cá rán dầm nước mắm, một bát canh rau cải thịt heo bằm, gía chỉ có 20000. Mèn ơi! Ăn cũng ngon ra phết! Khỏe quá!

Trước khi trở lại phòng, tôi đi bộ ra đầu đường. Thấy xe bán thuốc lá lẻ, tôi hỏi mua bao thuốc 555. Ông bán hàng năm nay chắc hơn 60 một tị, hỏi tôi muốn mua loại nào, Thái, Việt, hay Ăng Lê. Tôi mua của Ăng Lê, giá 38000 một bao. Tôi đưa tờ giấy 100000, ông ấy tính nhẩm không ra, tôi nói thôi 40000 cho chẵn. Ông ta đưa lại cho tôi tiền dư, và hỏi thăm tôi từ đâu đến. Ông ấy cũng có người bạn ở California. Tôi nói tiểu bang đó nó to lắm, cho dù cả 500000 người dân Việt ở cũng chẳng thấm thía vào đâu. Tôi hỏi ông cho tôi hộp quẹt, ông đưa cho tôi hộp quẹt gas. Tôi hỏi cái này là cho, hay tính tiền. Ổng bảo tính tiền, giá 3000. Tôi đưa cho ông ấy tờ giấy 10000, ông ta đưa lại cho tôi tờ giấy 2000. Hì! Ông ấy còn dặn chịu khó đến ủng hộ lần sau.

10 September, 2011

september 10 (2)



1 giờ chiều, tôi lại được ngồi sau nàng trên chiếc xe gắn máy dạo phố. Điểm đầu tiên là quán Bún Bò Đông Ba trên đường Nguyễn Du, Quận 1. Tôi ăn tô lớn, nàng tô nhỏ. Tôi thử luôn rau muống chẻ, bắp chuối và rau thơm. Ngon! Ăn xong, nhìn lên bảng tôi nhờ nàng gọi thêm đĩa bánh bèo cho hai đứa ăn chung. Hihi!

Trên đường đến Cafe Tibetan ở trên đường Tôn Thất Tùng, nàng chở tôi đi vòng chơi Chợ Bến Thành, Bến Bạch Đằng, Bờ Ke (con đường này - một bên là những quán nhậu, nhìn qua đống rác bên kia đường là con sông Sài Gòn). Quán cà phê được trang trí bằng mầu sắc và vật dụng của người Tây Tạng. Chúng tôi lên tầng thứ 3, nơi đó là sàn mây, với những miếng thảm bằng mây dầy cao khoảng 3 inch với nệm gối mềm. Nàng gọi ly trà Tây Tạng pha bằng sữa con bò Yak, tôi vẫn quen thuộc ly cà phê đen. Nghe nhạc kinh Tây Tạng, có lúc tôi nhắm mắt trôi bềnh bồng trong tâm cảm trắng như mây. Khoảng chừng 1 tiếng sau, những người khách ở tầng 2 đã đi, chúng tôi lại dọn xuống đó vì nơi đó họ đốt trầm hương trên ban thờ Phật. Nàng mơ màng nhìn khói tỏa nhẹ vào không gian, tôi hít hà hương thơm thoang thoảng và nằm dài trên ghế sofa, múa 2 tay với thế con Hạc trong Càn Khôn Thập Linh.

Trên đường ghé vào Dzambala Corp. System trên đường Hoa Lan, nàng ghé vào tiệm bánh mì Ngọc Mai trên đường Phan Xích Long, mua 2 ổ bánh mì, 1 ổ bánh mì không, và 1 cái bánh giò cho tôi. Sau đó, chúng tôi đến tiệm Dzambala Corp. System, nơi trưng bày bán kinh sách, pháp cụ cổ truyền văn hóa Tây Tạng. Tôi mua tặng nàng quyển kinh Mi Tiên Vấn Đáp, nàng mua cho bạn nàng quyển Tạng Thư Sống Chết (Sogyal Rinpoche, Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch), một gói hương trầm bột, và khay để đốt. Nàng đưa tôi đi qua chợ Nguyễn Đình Chiều cho tôi được thấy cảnh chợ chiều.

Về đến khách sạn, tôi đớp ngay ổ bánh mì thịt! Sau đó thấy bụng êm ả không có chuyện gì, tôi có thể 90% yên tâm là mình sẽ không bị đau bụng vì thức ăn. Quá đã!

09 September, 2011

september 10

1:30 sáng: Thức giấc. Viết entry. Đọc thư.
4:30 sáng: Ngủ lại.
7:30 sáng: Thức giấc.

Dạo quanh đường phố. Ghé vào quán cà phê Romanzo, gọi ly cà phê đen, bao thuốc lá con mèo, tổng cộng 45000. Ngồi nghe nhạc Trịnh Công Sơn, ngắm đường xá, mọi người chung quanh, ngẫm nghĩ tâm cảm của mình và Sài Gòn. Nhớ nàng.

Bước qua đường vào siêu thị. Trong khi chờ đợi hàng quán chuẩn bị bếp núc, tôi bước qua tiệm sách bên cạnh, mua quyển tự truyện của giáo sư Trần Văn Khê - Những Câu Chuyện Từ Trái Tim - giá 50000. Ngồi đọc được 3 chương. Thích quá! Tôi tìm thấy chủ quan của giáo sư và tôi rất giống nhau: "Quan trọng nhất là làm chủ con tim, biết thương nồng nàn mà không si lụy, biết bỏ cái "ngã" ích kỷ, để nghĩ tới việc cho, thương, giúp đỡ người khác biết chế ngự hỷ, nộ, ái, ố để tìm được thanh thản trong tâm hồn."

Ăn chén súp chay rong biển (15000), tôi về cõi riêng lúc 9:30 sáng. Kể ra thì cũng lạ, cả 2 tiếng đồng hồ trôi qua mà sao lại chẳng cảm thấy lê thê. Ngoài trời âm ẩm với đám mây xám buông phủ, mà chưa cảm thấy lòng mình có gì chán chán như thời gian ở San Francisco và Seattle. Độ ẩm ở Sài Gòn chẳng thấm thía gì với Florida, nên tôi vẫn phơi phới dạo phố vui chơi.





08 September, 2011

buổi sáng ....

Sáng nay tôi đã dậy từ 4 giờ rưỡi. Mở cửa ban công ra ngắm thành phố vào bình minh. Đây đó lác đác vài chiếc xe gắn máy ngược xuôi, thi thoảng thấy vài người đi bộ. Hàng quán im lặng, có vài cái đã có bóng người đang sửa soạn một ngày mới.

Gọi điện thoại bằng Google voice về Mỹ nói chuyện cùng cậu và mẹ tôi để báo tin tôi đã đến đây bình an và đang rất vui. Hàn huyên được 15 phút, tôi gọi đến Vị, bạn tôi ở New Jersey báo tin và nói chuyện cũng khoảng chừng 15 phút. Mọi người mừng cho tôi đang được an vui.

6 sáng. Góc phố trở nên náo động thật nhanh chóng. Có xe hàng quảng cáo mở loa ồn ào, mấy quán cà phê lề đường đã lác đác có khách và chủ đang tán dóc. Nhìn qua bên kia con đường, tôi thấy xe mì, bèn xuống đường qua ăn thử một vắt. Trước năm 75, thường được ăn vắt mì khi trời đã vào khuya. Dạo một chốc, nhìn lòng vòng mấy chậu cây kiểng đang bày bán, xe thuốc lá đang được lau chùi, tôi định kéo ghế ngồi vào bàn, thì cô chủ xe mì nói là chưa có. Sau đó, cô nói thêm là "hết gas mà không biết, chờ mãi chẳng thấy thùng nước lèo sôi, xui quá!" Tôi cười cười, bước qua xe bán bánh bao bên cạnh. Tôi mua cái bánh có trứng cút với giá 10000. Bả thấy tôi còn đứng lớ ngớ, nói là đưa tiền đã đủ, rồi xòe tay ra cho tôi xem tờ giấy có hình cụ Hồ, tôi cười tôi nói tôi cũng chẳng biết là mình đưa cho bả tờ nào nữa. Bả hỏi bộ không ở đây sao? Tôi nói là mới đến đây ngày hôm qua.

Trở lại khách sạn, tôi còn ngại lắm khi thấy sạp bán cà phê vỉa hè, mà chưa dám mua để uống. Để từ từ đi, cho quen nước quen cái đã! Nghe kể chuyện bị đau bụng vì nước đá, cũng ớn ớn.

Lên ban công, lấy cái ghế ra ngồi ngắm người ta đưa con đi học, người đi làm, người đi học, người dạo chơi, với lượng xe càng lúc càng đông dần. Lúc chưa về, nghe nói đi bộ băng qua đường ghê quá; vậy mà tôi vẫn thoải mái băng qua băng lại chẳng thấy ngán ngẩm gì. Hì! Ngồi ăn bánh bao, và chếc bánh ngọt nàng mua cho tôi từ chiều hôm qua, tôi thấy ở Sài Gòn rất hỗn độn nhưng trong cái hỗn độn đó lại có một trật tự lưu thông bất thành văn của mọi người, như lời một nhà văn Úc khi nhận xét nó xáo trộn như điệu vũ ballet dưới một phong cách rất trật tự. Well... I feel so at home!

ngày đầu tiên ... ở Sài Gòn

Mượn tạm trên Net
Đang xớn xác theo luồng người từ hải quan ở phi trường Tân Sơn Nhất bước ra ngoài, chợt tôi có linh cảm, quay lại thì thấy nàng đang tủm tỉm cười bước ngay sau lưng tôi. 2 đứa hug nhau xong, chúng tôi lấy taxi vào thành phố.

Tìm được khách sạn Mỹ Ý, ở trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, nàng vào lấy phòng cho tôi ở tầng lầu thứ nhất. Sau khi tôi tắm xong, nàng gọi taxi đưa chúng tôi đến quán Phở 24. Nơi đó, tôi gọi tô phở chín nạm và ly sữa đậu nành nóng. Hương vị phở cũng ngon, và tôi cũng đã ăn rau thơm thoải mái như mọi người. Sau đó, chúng tôi lại lấy taxi đến quán cà phê NYDC, bên cạnh quán The Coffee Bean & Tea Leaf. Xéo bên kia đường là Nhà Thờ Đức Bà, và Bưu Điện. Nàng gọi cho tôi ly cà phê nóng không đường, nàng ly cà phê sữa, và miếng bánh kem cheese cake và dâu. Chúng tôi ngồi ăn bánh chung và uống cà phê dưới cái dù vừa đủ che cơn mưa tầm tã đang trút xuống thành phố. Thơ mộng. Ngọt ngào. Nụ hôn.

Trong lúc ngồi ngắm những đoàn người qua lại, những đoàn xe len lỏi xen vào nhau từ bốn phía, tôi cảm nhận trong tôi cái gì đó rất thân thương cho dù 36 năm đã trôi qua. Người Sài Gòn thật giỏi nhường nhau trên đường phố. Tôi thầm nghĩ, cho tôi 2 tuần, có lẽ tôi cũng có thể lái xe hơi ở nơi đây. Khoảng chừng hơn tiếng đồng hồ sau, trời chỉ còn những hạt mưa lất phất, chúng tôi cầm tay nhau lang thang qua những con đường Đồng Khởi (đường Tự Do hồi xưa), Lê Lợi, Nguyễn Thiệp, Phạm Ngọc Thạch, và Nguyễn Du, ngắm phố phường và hàng quán hai bên đường.

Đi bộ cả tiếng đồng hồ sau, chúng tôi ghé siêu thị để tôi mua vài vật dụng cá nhân. Bây giờ chắc phải đi ngủ vì đôi chân rã rời và đôi mắt nặng chịch vì ngủ trên máy bay chưa đủ giấc. Bây giờ đã 9 giờ tối, ngoài đường vẫn inh ỏi tiếng còi xe gọi nhau.

07 September, 2011

Incheon, Korea



Sau 25 tiếng đồng hồ từ Tampa, tôi đã đến Incheon, Đại Hàn, lúc 4 giờ sáng giờ địa phương. Đang ngồi trong smoking room, phì phà nhả khói! Từ trên cao nhìn xuống phi trường và thành phố ban đêm, thấy ở đâu cũng giống nhau!

Trên chuyến bay này cũng khá nhiều người Việt Nam về thăm quê. Nghe họ nói chuyện thấy cũng vui tai.

Hàng quán phải đến 6 giờ sáng mới mở. 8 giờ 30, lên chuyến bay vào Việt Nam. Thèm ly cà phê! Hì!

04 September, 2011

september 4

Con bướm ngồi ngắm con muỗi cái, sau khi thụ thai phải đi tìm nguồn máu nóng, sau đó tìm hồ nước mát để gửi những cái trứng nhỏ. Những cái trứng ấy hóa thành loài lăng quăng, rồi ấu trùng, rồi thoát bỏ thân xác để thành con muỗi bay.

Ở một góc vườn khác, con muỗi cũng quan sát con bướm từ kiếp sâu ăn những chiếc lá, tự dệt kén, và sau đó cắn cái kén hóa thân thành con bướm bay lang thang vườn cỏ hoa rực rỡ.

Tôi ngồi uống cà phê cùng nàng ở một buổi chiều trên sân vườn bé nhỏ.

Hôm nay nàng thật lộng lẫy, với búi tóc cao để lộ cần cổ trắng mịn, và áo đầm dài từ cổ xuống chân, mầu tím hoa cà xen lẫn mầu trắng nhờ nhờ.

- "Khi nào anh quay về?" Nàng chờ đợi tôi trả lời bằng ánh mắt chiếu thẳng vào đôi mắt tôi.

- "Anh không biết!"

- "Em sẽ nhớ anh!" Ánh mắt ấy vẫn chưa chịu rời đôi mắt tôi.

Tôi cầm lấy tay nàng, ôm vào lòng, nói khẽ "I'll be back!"

Nàng mượn tôi, bước lên chuyến xe tình yêu, tìm được sự thanh thản, và đang ghi danh để theo đuổi chương trình học phụ tá y khoa (certified nurse assistant).

Tôi mượn nàng, bước lên chuyến xe tình yêu, nghiệm được điều người ta có khả năng truyền tín hiệu bằng tư tưởng.

Khi nào nàng bước xuống chuyến xe ấy, tôi không biết. Nàng sẽ bước qua một chuyến xe khác sau khi trở lại trường huấn nghệ.

Khi nào tôi chuyển qua chuyến xe khác, nàng cũng không chắc, nhưng cảm nhận được nó ở thời điểm nào đó trong tương lai.

Chúng tôi bên nhau trên cùng chuyến xe này. Bây giờ. Ở đây. Khung trời xanh. Một giấc ngủ.

Một người đã đến từ đáy nước, và một người đã đến từ cái kén nhỏ mong manh.



Saint Petersburg, Florida
september 4, 2011

03 September, 2011

Bảng giá một người say (Lữ)

Để em nói về đêm hôm đó. Cái đêm đã đưa em vào một thế giới thật xa lạ, ồn ào và cô đơn. Từ đó, em ít nói về mình. Có phải vì em có nhiều mặc cảm? Có thể. Hôm ấy, nửa đêm, em tỉnh giấc và thấy mình nằm bên cạnh một người đàn ông xa lạ. Một người em chưa từng quen biết, chưa gặp một lần nào. Tại sao vậy? Em không hiểu. Một niềm sợ hãi xâm chiếm cõi lòng em. Em nghe mình run lên từng chập. Em run từ đầu đến chân. Đến lúc đó, em mới biết, dưới tấm mền đang đắp, thân thể em không mang một mảnh áo nào. Chị đừng ngắt lời em... để em nói tiếp câu chuyện. Không, em không quên đi một chi tiết nhỏ nhặt nào. Em không thể nào quên được. Em không quên được. Nếu quên được thì khỏe quá. Hồi ấy, em vừa mới vào nghề. Cái nghề mang một cái tên thật lạ: nhậu thuê. Vâng, em chỉ cần uống rượu thật giỏi, nói chuyện và cười đùa vui vẻ, thì khách hàng trả cho em 100 ngàn đồng một giờ. Năm đó, em là sinh viên năm thứ nhất trường luật. Cảm ơn chị nhắc em... Em thức dậy bên cạnh người đàn ông xa lạ và run bên từng chập. Chưa bao giờ em thấy sợ hãi như vậy. Em đang ở đâu? Tự nhiên, thế giới quen thuộc như biến mất, và thay vào đó một nơi chốn hoàn toàn xa lạ. Em có cảm giác như mình là một người đi đường, không biết nhà mình ở đâu. Sau cơn sợ, là một nỗi đau bắt đầu xâm chiếm thân thể em. Em cựa mình, muốn nhổm dậy, nhưng không dám, sợ đánh thức người đàn ông bên cạnh. Em còn nhớ, lần đầu tiên đi nhậu, em ói ngay trên bàn tiệc. Hôm đó em không nhận được một đồng thù lao nào, mà toàn là những lời trách móc. Chị đừng khen em. Uống rượu chì thì có gì hay đâu. Những gì em đã phải đi qua, thật không có lời nào diễn tả nỗi. Em không thể tưởng tượng cuộc đời mình lại đi vào hướng như vầy. Sau cơn say túy lúy đó, em thề là sẽ không say một lần nào nữa. Bây giờ, em mới hiểu, người ta say từ ngay ly rượu đầu tiên. Mỗi giọt rượu là một cơn say nho nhỏ. Mỗi người trong bàn rượu đều say và không còn nhìn ra nhau nữa. Những khách hàng, bỏ tiền ra thuê mình nhậu, sau vài tiếng đồng hồ, bắt đầu nhìn mình như một món hàng có giá. Có người hỏi thẳng: ‘Em đi đêm bao nhiêu?’ Em lắc đầu, thì người hỏi cười nhạt, nói: ‘Em nói giá đi. Đừng làm bộ nữa.’ Vậy đó. Chị hỏi em thấy nhục không à? Nhục chứ. Nhục nhưng vẫn phải cười. Muốn khóc thì phải đợi về nhà, úp mặt trong gối mà khóc. Khóc xong rồi, ngày mai, đi nhậu, mình lại phải cười thật tươi. Mỗi tháng, em kiếm được hơn 10 triệu đồng. Đó là một số tiền lớn, mà em cần để tiếp tục đi học. Em đã không tiếp tục học được. Sau một thời gian ngắn, em nghiện rượu, bỏ học, lăn xả vào trong cuộc sống mới. Bây giờ, trong mỗi bữa cơm em đều có một cốc rượu mạnh. Đâu là nỗi đau lớn nhất của em? Cho đến bây giờ em mới biết, khi người ta không còn coi mình như một con người nữa, mà là một món hàng có giá, thì không có gì nhục nhã cho bằng. Đó chính là nỗi khổ đau lớn nhất của em, mà cũng là nỗi nhục lớn nhất của mỗi con người đang sống. Thời gian còn lại trong cuộc đời là để em làm có bấy nhiêu đó: phải gỡ bảng giá người ta gắn ở trên con người mình xuống. Bằng mọi cách. À, em kề đến đâu rồi chị? Vâng, thức dậy bên cạnh người đàn ông xa lạ. Ông hỏi: ‘Bao nhiêu vậy em?’ Em bật khóc.


Hà Lan, 27-1-2010

02 September, 2011

Sức Mạnh Của Ước Mơ

Dạo này có vài người bạn tôi hỏi sao làm biếng viết thế?

Oa oa oa ... 

Vòng vòng trên Net có quá nhiều người đã viết dùm cho mình rồi.

Hôm nay nhận được điện thư từ một người bạn. Có đoạn văn không rõ ai là tác giả, đọc hơi văn thì có lẽ là một bài viết của ngoại quốc. Mà thôi, ý hợp là được!


Sức Mạnh Của Ước Mơ


Có quá nhiều người chưa xác định được ước mơ của mình, họ sống như những cái bóng bên lề xã hội, mờ nhạt và vô danh! Bạn có muốn sống một cuộc đời như vậy? Đừng nhé, bởi vì chúng ta chỉ sống một lần duy nhất! Chỉ cần ước mơ đủ lớn bạn sẽ làm được tất cả những gì bạn muốn!

Ước mơ là động lực để chúng ta hướng đến tương lai, hướng tới những gì tốt đẹp! Cuộc sống sẽ đánh gục những ai không biết ước mơ và không dám sống vì ước mơ của mình! Bạn có đang sống cuộc đời của bạn hay sống cuộc đời người khác chọn cho bạn! Nếu vì một lý do nào đó mà bạn không thể sống được với ước mơ của mình, bạn đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của bạn. nếu từ bỏ nó bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc và hứng khởi trong cuộc sống!

Người ta nói rằng, hạnh phúc nhất là khi chúng ta được sống với niềm mơ ước, thực hiện được những gì mình mong muốn và sống mỗi ngày trọn vẹn với những niềm vui, nỗi buồn! Vì thế, nếu như bạn không có ước mơ bạn sẽ không có động lực để sống, để làm việc và trải nghiệm với những niềm vui của chính bạn!

Chúng ta, ai cũng cần có một ước mơ cho ngày mai thật đẹp, dù bình dị hay phi thường – đó có thể là ước mơ rất đỗi giản dị của một cậu bé tật nguyền được bước đi bình thường như bao đứa trẻ khác, hay đó là ước mơ tìm được việc làm mình thích của cô gái thất nghiệp, ước mơ trở thành nhạc sĩ nổi tiếng của một cậu bé không còn nhìn thấy ánh sáng, hay đó là ước mơ chinh phục, vượt qua những thử thách, vươn lên để khẳng định và đạt được những gì mình ước ao của chính bạn.

Ước mơ dù nhỏ bé nhưng nó có đủ sức mạnh để biến những điều không thể thành có thể, biến những điều bạn thật sự yêu thích trở thành của chính bạn. Chỉ cần bạn có đủ niềm tin, đủ quyết tâm và ý chí để theo đuổi ước mơ của mình.

Nhiều người khi gặp phải khó khăn đã buông tay từ bỏ và đánh mất ước mơ của mình, nhưng chưa có thành công nào lại không phải đánh đổi mồ hôi và công sức cả, thậm chí là nước mắt và xương máu của mình! Bất kỳ ai muốn đạt được những gì mình ước ao đều cần đến sự nhẫn nại, lòng quyết tâm và ý chí kiên cường để vượt qua thử thách của cuộc sống!

Nếu mọi ước mơ đều được thắp sáng thì ước mơ chẳng phải là thứ quá đỗi dễ kiếm tìm, nhưng nó như những vì sao lấp lánh, chỉ ban tặng cho thực sự biết ngắm nhìn! Bạn đã bao giờ nghĩ đến những ngày bạn sống không ước mơ, không hoài bão chưa? Đó là chuỗi ngày đau khổ, có thể gọi như vậy bởi vì bạn chẳng phải không biết mình sẽ làm gì, đi về đâu và mong ước điều gì? Hãy tập sống với ước mơ và dùng hết sức mạnh của mình để thực hiện nó bạn nhé!

Chúng ta, có không nhiều thời gian đến nỗi có thể chờ đến lúc thuận lợi mới bắt tay thực hiện ước mơ của mình! Nếu bạn có một ước mơ hãy làm những việc nhỏ nhất để xây dựng một nền tảng vững chắc cho ước mơ bay cao và bay xa. Bạn biết đấy, nếu chúng ta không có những suy nghĩ thực tế mà chỉ biết mơ ước viễn vông thì chẳng những không thực hiện được điều mình muốn mà còn khiến cho mình lãnh nhận tiếng cười của thế nhân!

Thế nên, dù ước mơ có phi thường đến bao nhiêu, có đẹp đẽ đến thế nào thì bạn nhớ hãy ước mơ trong tầm với của mình, trong khả năng mà bạn có thể thực hiện được! Ước mơ đúng đắn, đẹp đẽ sẽ khiến cho mình có thêm động lực để phấn đấu! Ước mơ quá cao, quá lớn sẽ chỉ làm hại mà thôi!

Nếu chỉ biết ngồi vẽ ra ước mơ mà không làm gì để thực hiện nó thành hiện thực bạn nghĩ ước mơ của bạn có thể thực hiện được không? Không thể nào phải không bạn! Vì vậy, đi cùng với ước mơ là hành động ! Hãy làm tất cả những việc gì bạn cho rằng sẽ giúp bạn thực hiện được ước mơ của mình! Và dù gặp khó khăn thử thách hãy cứ kiên cường vượt qua! Đừng bao giờ từ bỏ điều mình mong muốn!

Ước mơ sẽ chỉ đường cho bạn biết phải làm gì để biến nó thành hiện thực, điều quan trọng đó là bạn có dám chấp nhận mạo hiểm để thành công hay không! Những câu chuyện về những ước mơ không thành có làm bạn ngậm ngùi! Đừng bao giờ để mình phải ngậm ngùi tiếc nuối cho những gì đã qua! Hãy sống và thực hiện tất cả mơ ước của bạn, nếu không bạn sẽ chẳng còn cơ hội thứ hai để thực hiện nó!

Hãy dám bước những bước đầu tiên vượt qua khỏi giới hạn an toàn của mình để đến với những điều bạn muốn! Chúng ta thường rất thích việc gì đó nhưng lại sợ không thực hiện được và đành nhìn nó trôi theo thời gian! Nhưng chỉ cần bạn nỗ lực hơn, mạnh mẽ hơn biết đâu bạn đã nắm giữ điều đó trong tay bạn! Hãy làm một cây đời cổ thụ ,sum suê, đừng là hạt cát vô danh giữa đời!

Khi biết ước mơ, biết hành động để biến nó thành hiện thực bạn sẽ thấy : hạnh phúc không hẳn chỉ ở những gì mình có, mà còn ở cách nhìn, cảm nhận của bản thân về cuộc sống. Bạn sẽ không còn phải nuối tiếc nhìn những gì mình ước ao mà không đạt được thuộc về người khác! Bạn đã cố gắng nhưng không thành công, hãy vui mừng cho họ và cố gắng hơn để lần sau bạn đạt được nó!

Khi biết ước mơ bạn sẽ : ngừng than vãn, thôi ân hận hay dằn vặt bản thân để bắt đầu chinh phục từng bước khó khăn, thử thách bằng chính nghị lực và cố gắng từng ngày. Bạn sẽ nhận ra, cuộc sống công bằng với tất cả! Nó đem thành công đến với những ai biết ước mơ, biết chinh phục thử thách và đem lại thất bại cho những ai ngồi chờ thành công gõ cửa!

Khi biết ước mơ : chúng ta sẽ nhận ra giới hạn khả năng của mình là điều có thể thay đổi nếu có sự cố gắng và quyết tâm. Chúng ta sẽ thay đổi cuộc sống của mình bằng việc cố gắng thay đổi chính bản thân! Đời sẽ đổi thay khi ta thay đổi!