22 December, 2012

Hạnh phúc nhờ buông xả


Chất chứa. sở hữu

Có người nọ nghe nói về một đạo sư nổi tiếng nên tìm đến hỏi đạo. Đến nơi, anh thấy trong nhà của vị đạo sư trống trơn, chỉ có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cuốn sách.

Anh ngạc nhiên hỏi: "Sao nhà đạo sư trống trơn, không có đồ đạc gì cả?"

Đạo sư hỏi lại: "Thế anh có hành lý gì không?"

Anh đáp: "Dạ có một va li".

Đạo sư hỏi: "Sao anh có ít đồ vậy?"

Anh đáp: "Vì đi du lịch nên đem ít đồ".

Đạo sư nói: "Tôi cũng là một người du lịch qua cuộc đời này nên không mang theo đồ đạc gì nhiều".

(Đọc tiếp ở đây)

20 December, 2012

December 20

Gia đình Cát Hy thân chúc thân quyến và bằng hữu mùa Giáng Sinh & năm mới đầy niềm vui.



15 December, 2012

December 15

Khi chưa thấy Đạo, tìm đâu cũng chẳng thấy. Khi thấy Đạo rồi, nhìn đâu cũng thấy! *:-O surprise

09 December, 2012

Hy được Bốn tháng tuổi






- Khoảng ba tháng rưỡi là Hy đã được ăn dặm, mỗi ngày ăn một lần vào buổi chiều, lúc đầu phun phèo phèo, nhưng bây giờ đã quen dần, mỗi lần ăn được 50ml.

- Hy được đổi qua sữa Physiolac

- Hy giỡn và nói chuyện rất nhiều: nói với gương, với mọi người, với bạn gấu, với giọng nói trong điện thoại. Bẵng đi vài ngày sau Hy lại ít nói, chuyển sang hét khi thích. 

- Hy thích nghe nhạc, có vẻ như phân biệt được nhạc sôi động và êm dịu. Hôm nọ ngồi xem rất chăm chú Highschool musical trên Disney.

- Có khi Bố lấy hộp nhưa đựng hạt dẻ, chai lọ đựng nước, gõ, lắc tạo âm thanh và nhịp điệu cho Hy nghe, sau đó Hy sẽ được cầm và “thực hành” theo. Hy rất thích trò mới này.


10 November, 2012

Hy 3 tháng tuổi











Hy ba tháng tuổi

Biết thêm một số thứ sau đây:
Biết phun nước miếng lèo phèo làm mưa.
Nút tay, hoặc chắp miệng liên tục,thỉnh thoảng cắn chặt môi dưới.
Biết ngồi xem ti vi, xem lại phim của mình và cười lít rít, lục khục.
Khi ngồi ghế bouncer, tự ngóc đầu lên và ngồi được một nửa lưng thì nghiêng người rồi tựa vào thành ghế.

28 September, 2012

Hạnh phúc do tâm tạo

Hạnh phúc do tâm tạo (A Way of Being) 

Trích từ cuốn Happiness: A Guide to Developing Life's Most Important Skill của Đại sư Matthieu Ricard được đăng trong tờ Tricycle, The Buddhist Review, Summer 2006. 

Đại sư Ricard là người Pháp, thực tập và làm luận án tiến sĩ khoa học tại viện Pasteur, Paris. Sau khi đậu tiến sĩ, ông sang Ấn độ năm 1967 và nghiên cứu đạo Phật với các vị cao tăng Tây Tạng. Năm 1972 ông xuống tóc với một vị thầy của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đại sư hiện đang tu hành tại Tu Viện Schechen ở Nepal. 

Đại sư Matthieu Ricard cho rằng hạnh phúc chỉ là một ý niệm. 

Ý niệm về hạnh phúc thay đổi theo đầu óc suy nghĩ của từng người. 

Tôi còn nhớ một buổi chiều mùa mưa ở Nepal, tôi ngồi trên bực thềm của một ngôi chùa trông chờ các Phật tử đến dự buổi pháp đàm. Sau một cơn mưa giông lớn, cái sân trước chùa biến thành một vũng nước bùn dơ dáy. Chúng tôi phải xếp từng cụm gạch từ cổng chùa vào bực thềm bước vào chánh điện. Một cô đến dừng ở cổng chùa. Cô nhìn cái sân đầy nước bùn, lắc đầu, dón dén bước lên mấy cục gạch, vừa bước vừa mở miệng chê bai từng viên một. Khi đã an toàn lên đến bực thềm chỗ tôi ngồi, cô ta nhìn vũng nước bùn lắc đầu lần nữa: “Ghê quá! nếu mà ngã xuống đây thì thật là ghê. Ở xứ này cái gì cũng dơ!” Biết tính cô ấy nên tôi chỉ im lặng gật gù. Vài phút sau một cô khác đến, cô Raphaèle. Vừa nhảy qua từng cụm gạch cô vừa hát: “hấp! hấp! hấp!”, và khi qua được bên này, ánh mắt cô ngời sáng, cô tươi cười nói: “vui quá” và tiếp: “cái hay của mùa này là sau cơn mưa, mọi cảnh vật thật sạch sẽ tươi mát, không dính một hạt bụi!” Đối cảnh sinh tình nhưng hai người, hai lối nhìn khác nhau. Sáu tỷ người, sáu tỷ thế giới khác nhau! 

Cô Raphaèle kể cho tôi nghe về chuyến viếng thăm Tây Tạng lần đầu của cô vào năm 1986. Cô kể về một vị Lạt Ma bị bắt khi quân Tàu chiếm Tây Tạng. Cô nói: “Ông mời tôi cùng ngồi xuống một cái băng ghế và mời tôi uống trà”. Ông lấy trà từ một bình thủy lớn. Đây là lần đầu ông tiếp chuyện với một người Âu. Ông nói cười vui vẻ trông thật dễ mến. Đám trẻ con tò mò đến gần nhìn chúng tôi. Ông bị người Trung Hoa cầm tù trong 12 năm. Ông bị đưa đi công trường đẽo đá để xây một cái đập ở thung lũng Dra Yerpa. Chuyện khôi hài là cái đập này thật vô dụng vì dòng sông này đã gần khô cạn! Ngày nào ở công trường cũng có người ngã lăn ra chết vì đói, hoặc vì đuối sức. Câu chuyện thật rùng rợn bi thương mà vị Lạt Ma kể với một giọng bình thường như kể một câu chuyện đời xưa, không hề có một chút gì hằn học, không hề có một lời thù hận. Cặp mắt của ông vẫn hiền lành không hề có một tia uất ức. Tối hôm ấy về nhà trọ, tôi không thể không nghĩ đến câu chuyện của vị Lạt Ma này. Tại sao một người bị nhiều cực hình như vậy mà có thể có được một cái tâm bình an như thế. 

Tôi chiêm nghiệm rằng người nào đã đạt được sự bình an trong tâm (inner peace) thì khi gặp thất bại không bị đau khổ quá cũng như khi được thành công không nở lỗ mũi quá. Người ấy có thể sống bình an trong mọi hoàn cảnh, vì đã ý thức được rằng chuyện gì rồi cũng sẽ qua, rằng không có chuyện gì đáng cho mình để tâm bám giữ. Một khi đã ý thức được như vậy thì khi trực diện với nghịch cảnh, khi bị đời đá lên đạp xuống, người ấy cũng không bị ngã quỵ, cũng không chán chường thái quá. Tôi biết một phụ nữ người Hòa Lan, cô Etty Hillesum, đã đạt được cái “tâm bình an” này. Một năm trước khi chết trong trại tập trung Auschwitz, cô ấy đã nói rằng: “Khi bạn có một đời sống nội tâm vững vàng thì ở bên trong hay bên ngoài trại giam cũng vậy thôi… Tôi đã chết cả ngàn lần trong cả ngàn trại giam khác nhau rồi. Tôi đã kinh qua tất cả và giờ đây không còn chuyện gì ở trên đời có thể làm tâm tôi xao động. Chuyện tốt, chuyện xấu, chuyện vớ vẫn tôi đều biết hết nhưng tôi vẫn thấy từng phút, từng giây của cuộc đời này vẫn đẹp và có ý nghĩa.” 

Có một lần lúc tôi đi hoằng pháp ở Hongkong, trong một buổi thuyết giảng một thanh niên đứng dậy hỏi: “Thưa thầy, xin thầy cho biết có lý do chính đáng gì buộc con phải kéo lê kiếp sống này?” Cuốn sách tôi viết đây (Happiness: A Guide to Developing Life’s Most Important Skill) có thể là một giải đáp bình thường cho câu hỏi đó bởi vì hạnh phúc bắt đầu với thái độ yêu đời. Một khi đã đánh mất niềm vui sống thì cuộc đời chỉ là một chuỗi dài đau khổ. Những vật chất ngoại tại tuy là cần thiết cho sự sống nhưng thật sự thì đau khổ cũng như hạnh phúc vẫn chỉ là một trạng thái nội tâm. Phải quán chiếu như vậy thì mới thấy cuộc đời đáng sống. Phải phân biệt được những tư tưởng yếm thế có thể bóp chết dần ý chí muốn sống của ta và những tư tưởng lạc quan bồi bổ cho tâm tư an lạc của ta để loại bỏ dần những suy nghĩ mang lại sầu bi khổ não. 

Thay đổi cái nhìn của ta đối với cuộc đời không phải là một thái độ lạc quan khờ khạo, cũng không phải là một thái độ phấn khởi giả tạo để đối phó với nghịch cảnh. Khi tâm tư còn bị rối ren vì vọng tưởng, vì những khái niệm sai lầm về chân hạnh phúc thì dù mỗi ngày mình lập đi lập lại câu: “Tôi đang hạnh phúc” thì cũng vô ích thôi, cũng chỉ như công trình sơn một bức tường đổ nát thôi. Không phải cứ nhìn đời qua một cặp kính màu, hay cứ nhắm mắt chối bỏ những sự thật bất hoàn hảo, những đau khổ của cuộc đời là mình có hạnh phúc. Cũng không thể cố gắng giữ chặt giây phút hạnh phúc của mình bằng mọi giá. Mà hạnh phúc là sự chuyển hóa tâm sân hận, tâm chấp thủ đang đầu độc tâm hồn ta, là biết nhìn sự vật một cách trung thực, không có sự phê phán của vọng thức. Cứ miệt mài luyện tập lối suy tư đúng đắn như vậy thì ta sẽ thấy rằng hạnh phúc hay đau khổ chỉ là do tâm mình phản ứng với hoàn cảnh bên ngoài mà thôi. 

Hồng Thị Quỳnh-Hoa lược dịch.

14 September, 2012

11 September, 2012

Marc Chagall (1887 - 1985)






Tôi ngụ trong đời tôi

Trong các bức hoạ của tôi
Tôi đã cất giấu tình yêu của mình
Tôi ngụ trong đời tôi
Như cây trong rừng

Rừng nghe tôi nói
Rừng thấy khuôn mặt tôi
Vùi giữa ánh trăng
Như một kẻ đã chết cả nghìn năm

Mẹ đã cho tôi một tặng phẩm
Tôi toả sáng khắp châu thân

Tôi không hé miệng
E tim mình bỏ trốn
Mà cũng chẳng buồn kêu than
Như con chim nhỏ trong đêm

Trong các bức tranh của tôi
Tôi đã hoạ tình yêu của mình
Các thiên thần nhìn thấy

Mùi hương của đoá hoa
Thắp bừng những ngọn nến
Xanh biếc đang nhú lên
Ngày tôi sinh ra đời

Tôi đã chôn giấu những giấc mơ của mình
Trên các cụm mây
Những tiếng thở dài của tôi
Theo đàn chim vỗ cánh...

Tôi thấy mình vừa đứng im
Vừa tiến bước
Tôi phơi bày tâm tư
Trước ngọn lửa của thế giới
Tình yêu của tôi tựa như nước bắn xa
Khắp bốn phương
Bước theo tôi là các hoạ phẩm của tôi

-Marc Chagall

07 September, 2012

22 tháng 7, Nhâm Thìn

Hôm nay bạn ta đã được tròn 1 tháng tuổi. Bạn vẫn thích ngủ đêm với bà ngoại bạn, và bà ngoại vẫn thường là người ru bạn ngủ và cho bạn bú đêm, tắm cho bạn mỗi buổi sáng, và bồng bế bạn khi bạn khó chịu. Mẹ bạn vẫn thường cho bạn bú và hát cho bạn nghe những âm điệu nhẹ nhàng. Dì Hân dù bận rộn việc học, vẫn thỉnh thoảng chiêm ngưỡng cái ngộ nghĩnh trẻ thơ trên khuôn mặt bạn. Ông ngoại ở xa chỉ mong ngày lễ để về nhà nâng niu bạn. Cô Hà vẫn giúp lau chùi nhà cửa và quần áo sạch sẽ cho bạn hàng ngày. Bà trẻ Tý và cậu Gavin cho dù đã về Mỹ cả tuần nay, nhưng vẫn đem theo hình bóng bạn ở bên kia bờ đại dương. Còn ta? Ta chỉ có 2 việc là chơi với bạn và pha sữa rửa bình cho bạn thôi. Ông ngoại bảo là bạn có hiếu. Có lẽ đúng là như thế, vì bạn là đứa trẻ rất ngoan, ban đêm chỉ thức giấc một lần đòi bú. Bạn ị rất đúng giờ, và nhiều lắm chỉ có 3 lần trong ngày. 

Mỗi ngày cứ trôi qua như thế. Mỗi ngày bạn đều đem đến cho chúng ta ít nhiều ngạc nhiên với sự phát triển của bạn từ cách bạn ăn bạn uống, đến cách bạn hóng chuyện, bạn ngủ. Mọi người cũng hiểu hơn về cá tánh của bạn qua cách bạn vòi vĩnh, bạn kể lể, bạn đói, bạn muốn được thay tã, hoặc những lúc bạn gắt gỏng muốn thay đổi không gian từ phòng này qua phòng kia. Chúng ta vẫn hay đùa giỡn ghẹo bạn để cùng chung vui sự hiện diện của bạn trong cuộc đời. Lúc ấy bạn chỉ ngơ ngác nhìn chẳng hiểu gì đâu. Đúng không? Bạn đã trở thành đề tài chính cho câu chuyện hàng ngày của chúng ta. 

 Vậy đi nha! Ta chỉ muốn ghi lại nơi đây vài dòng vào ngày bạn đầy tháng. Chúc bạn bình an.

28 August, 2012

Khánh Anh

Khánh Anh (Christine) Phạm


Today is my last day at work. I cried last night thinking about how much this place has grown up with me. I just have to thank a lot of ppl. First, my customers for teaching me so much about life and helping me explore who I am. Then, my dad- he gave me the rudimentary skills that made me so successful here.& Last but not least, my mom- because of her, I discovered my true potential. She always pushes me to limit but that only made me stronger. I can't believe 8 years has gone by that fast. Honestly, working at Pho Viet Anh Restaurant will be the #1 thing I miss in Seattle. 


-Christine Pham


2.

Thứ Bảy này, đứa con đầu lòng, Khánh Anh sẽ rời bỏ tổ ấm dọn qua thành phố Boston theo đuổi những ước mơ. Năm nay tuổi vừa đúng 20. Đọc những dòng chữ tạm biệt của bạn ấy, tôi rất cảm động vì 2 bố con ít khi trò chuyện nhưng cũng đã truyền đạt cho nhau ít nhiều những điều cần chia xẻ.

21 August, 2012

August 21


Cát Hy (August 19)
Hơn 11 ngày đã trôi qua từ ngày bạn chào cuộc đời, chào nguời thân, chào nắng gắt và trăng mềm. Có lẽ bạn cũng đã quen tiếng rao mua ve chai, mua đồ cũ, lời gọi mua bánh chưng bánh giò, tiếng đàn dương cầm văng vẳng, tiếng chó sủa gà gáy, tiếng mưa rơi hắt vào cửa kiếng, tiếng gọi của bà ngoại của dì, của bố của mẹ, tiếng kinh tụng, tiếng hát ê a. Có lẽ bạn đã quen mùi gió thổi qua làn da, mùi nắng thơm buổi sáng bình minh. Ta cũng đã từng đuợc lớn lên như thế!
  
Sự hiện diện của bạn nhắc nhở ta mỗi đứa bé sinh ra là bông sen thắm tuơi. Ta nghiệm thấy nhân sinh là những cụm mây bay, hình tướng đã ẩn tàng nhân duyên vĩnh hằng. Ta cũng sẽ thành mưa tan vào dòng nước, trôi... trôi mãi qua rừng sâu núi cao, đồng bằng và biển rộng.  Bạn cũng thế, là dòng nước nuôi nấng những bông sen, những cánh đồng cỏ xanh lúa vàng, hoa thơm quả hiền.  

Ta đã quen với tiếng khóc của bạn khi bạn đói ăn, khi gắt gỏng tã ướt, khi kể lể, khi năn nỉ. Sự hiện diện của bạn đã nhắc nhở ta mỗi ngày là một ngày mới - chẳng thể tiên liệu trước được điều gì, mà hãy đón nhận sự việc xảy ra như thế với tâm thức không chấp trước. Ta chẳng vội đi đâu làm gì cả. Ta ở đây cùng bạn. Khi bạn ngủ đã tròn giấc, rồi thức dậy - khi bạn chán ngắm mây bay và muốn vòi vĩnh, khi bạn sẵn sàng chạy vào cuộc đời như cơn sóng nhỏ như ta đã từng.

18 August, 2012

August 19



Khoảng 3 giờ sáng, Cát Hy rụng rốn. Mỗi lần bú đuợc 80ml. Vẫn ngủ ngoan, vẫn háu ăn.


12 August, 2012

August 12, 2012

5pm - Sài Gòn
Thế là bạn đã được 3 ngày tuổi. Ta có ghi lại nét mặt bạn khi đói, khi đòi ăn, khi gắt gỏng, khi ngủ, và khi no đẫy. Thấy bạn ăn được ngủ được, chúng ta an tâm rất nhiều.

Buổi sáng hôm qua có chú Dũng và vợ ghé thăm. Buổi chiều khi chúng ta đang ngồi tiếp chuyện với cậu Jera (bạn mẹ bạn), bà trẻ Tí cùng 2 người bạn là bà Thanh và bà Bé với 2 đứa con ghé thăm bạn. Thấy đông người, ta bèn xuống công viên uống nước dừa và ngó ra hồ nước. Ở đó, có sen, bồ đề, cây đa, và nhiều loại hoa ta không biết tên gọi. Theo ta biết, dòng nước đang luân lưu ở Việt Nam có dòng nguồn từ Thanh Tạng được chảy qua Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan, Lào, và Cam Bốt trước khi vào Việt Nam chảy ra biển Thái Bình Dương. Nó đã đi qua nhiều miền đất can dự vào rất nhiều hương hoa cỏ lạ hai bên bờ sông mà ta đã được xem qua tập Ký Sự Mê Kông.

Ngày mai, chúng ta về nhà ông bà, nơi mẹ bạn đã lớn lên suốt 12 năm qua. Bạn sẽ ghi vào ký ức cái hơi hám đặc thù của căn phòng, của căn nhà, của không gian ngõ hẻm, của thành phố bạn đã sanh ra. Cuối năm nay, mẹ bạn sẽ đưa bạn về thăm quê nội và quê ngoại của mẹ, và ta sẽ đưa bạn về gặp gỡ những họ hàng quê nội của bạn khi có giấy tờ. Bạn cũng sẽ như ta, sinh ra ở đây và sẽtrưởng thành ở một nơi có văn hóa khác. Ta không biết sau này bạn sẽ về đâu, nhưng ta tin rằng bạn sẽ cảm nhận được nơi đây có cái gì đó rất thân quen khi bạn trở lại.

11 August, 2012

August 11, 2012


1:20 pm - Sài Gòn 

Hôm nay bạn đã được gần 2 ngày tuổi. Lúc chích ngừa lao và viêm gan, sau khi cô y tá rút mũi kim ra bạn khóc thêm tí xíu rồi ngưng. Hôm nay bạn ăn nhiều hơn, ngủ say giấc hơn. Ngoài trời vẫn oi ả những cơn gió hâm hấp miền nhiệt đới. Nghe kể là đêm qua bạn được nằm ngủ bên cạnh bà ngoại. Có lẽ bạn cũng đã an tâm hơn nhiều so với 2 ngày trước đây. Mỗi lần bú được 60ml (2 ounces) sữa, mẹ bạn vẫn còn đang đau vết mổ, nên hơi biếng ăn, nên sữa chưa được đầy cho bạn. Nhìn bạn ngủ xinh xắn quá, rất ngại ôm bạn nhiều để bạn đỡ nhõng nhẽo một tị. Hì!

Sáng qua, dì Hằng và chồng đã ghé thăm bạn, nâng niu bạn trong vòng tay. Sau đó có dì Bơ, dì Hân, cậu Gavin, bà trẻ Tí đến chơi với bạn từ trưa đến chiều, rồi sau đó là cô Thanh và bà Nga. Sáng nay, dì Huyền, chồng và con trai (Min) đến thăm bạn, sau đó có dì Thu, dì Hương, dì Trang, dì Rùa đến thăm bạn và mẹ bạn. Nhìn thấy bạn mẹ bạn tíu tít giỡn đùa và đón sự hiện diện của bạn đầy ấm cúng, bạn có cảm nhận được nhịp sống tình cảm chứa chan của cuộc đời dễ thương không?

Mẹ bạn và ta đã làm chiếc cầu để bạn ghé thăm nơi đây, để bạn thực hiện điều gì đó với kiếp làm người. Chúng ta mong bạn chăm chỉ học hỏi, vui tươi, và sống thánh thiện như lời chúc của ông ngoại bạn đã chúc bạn “Chúc cho cháu có cuộc đời thánh thiện như ngày cháu ra đời....." Bạn đã nhận được rất nhiều lời chúc chân thành từ nhiều người chung quanh. Chúng ta ghi vào đây để hôm nào đó, bạn đọc để biết một vài kỷ niệm trong đời bạn.

Đây là hình ta ghi lại trong khi bạn đang say ngủ.




09 August, 2012

Phạm Cát Hy




Giới thiệu với cả nhà, bé Phạm Cát Hy, được 3.5 ký, sinh ra lúc 4 giờ 27 chiều, ngày 9 tháng 8, 2012.

15 July, 2012

July 16

...
Nói theo hệ thống Duy Thức, sự chuyển hóa ấy là: A-lại-da thức chuyển thành (hay chuyển trở về, chuyển lại) Đại viên cảnh trí, Mạt-na-thức chấp ngã chuyển thành Bình đẳng tánh trí, ý thức phân biệt chuyển thành Diệu quan sát trí, và năm thức giác quan chuyển thành Thành sở tác trí. Đây là sự chuyển giả về chân, chuyển vọng về thật… của Đại thừa. Nền tảng và kết quả của sự chuyển hóa này y cứ trên sự thật là thể và dụng chỉ là một, như sóng và nước đại dương là một, như bóng trong gương và gương là một.
...
Thể và Dụng của Tâm
Nguyễn Thế Đăng





2.

Được có người cùng tâm cảm một bài nhạc, bài thơ, bức tranh, hoặc món ăn, món nước là điều hạnh phúc trong đời. Được có người cùng tâm cảm bài kinh, vài ý nghĩ, lại thêm phần thanh tao ý nhị hơn một chút. Đôi khi bất chợt dạo trên mạng, bắt gặp ai đó chẳng quen, lại cùng một dòng tâm tưởng - như ngày hôm nay - bất chợt tìm thấy trong bài viết Thể và Dụng của Tâm, nhiều ý tưởng rất đồng là cái khoái lắm rồi. Sau đó, đọc lên vài đoạn cho người bạn đường đang nằm bên cạnh chú ý lắng nghe, cảm giác hân hoan nhân đôi. Thời đại này thật là khoái với cái gọi là Internet. Độ đồng vọng được rút ngắn lại hơn xưa cho những tâm hồn vốn đã đồng thanh!


08 July, 2012

Tạng Thư Sanh Tử

Tạng ngữ chỉ thân xác là , có nghĩa "một cái gì ta để lại sau lưng" như hành lý. Mỗi khi nói , ta nhớ rằng ta chỉ là những lữ khách tạm thời cư trú trong đời này và thân xác này. Bởi thế ở Tây Tạng người ta không xao lãng thì giờ vào việc làm cho hoàn cảnh sống thêm tiện nghi. Người Tây Tạng cảm thấy hài lòng nếu có đủ ăn, mặc và một mái nhà trên đầu. Nếu cứ tiếp tục như chúng ta – nghĩa là cố cải thiện hoàn cảnh sống, thì dần dần công việc ấy tự nó trở thành mục đích chính, và đó là một xao lãng vô lối. Có người nào tâm trí tỉnh táo mà lại cẩn thận trang hoàng cái phòng khách sạn của mình mỗi khi thuê mướn không? 


- Sogyal Rinpoche (Tạng Thư Sanh Tử)

19 June, 2012

June 19

Hôm nọ trong khi chờ vợ ở Nhà Thương Phụ Sản Quốc Tế, nghịch ngợm leo lên cái cân! Whoa! Từ ngày về VN đến giờ, mình đã lên được 5 kg, nghĩa là bây giờ đã được 100 lbs!!! Một trọng lượng mà mình chẳng bao giờ nghĩ đến từ bấy lâu nay.


Có những lúc 2 vợ chồng cùng nhìn lại quãng đời đã qua, và lạ lẫm với những diễn tiến xảy ra khá nhanh. Chỉ còn non 2 tháng nữa, sẽ có đứa con oe oe sinh ra đời, với cái tên Cát Hy mà bố mẹ vẫn muốn gọi tên. Mỗi ngày cảm nhận sự sống của thai nhi trong bụng cảm thấy cuộc sống thật thiêng liêng, thật bao la, làm mình nhớ lại chuyện nắm lá trong tay của đức Phật.


Cứ mỗi ngày lại nhìn ra được thêm một chút cái sâu xa trong tâm thức con người qua mẩu tin thời sự, clip hài kịch, bi kịch chung quanh, mà mình vẫn hài lòng với cách sống vô ngại đã được học từ đức Phật. Mỗi ngày thấy tâm thức được mở rộng hơn để chào đón những cụm mây trắng như bông trên nền xanh rất xanh, hoặc cánh bướm vàng trên nền lá cây xanh cũng rất xanh. Mỗi ngày gần nhau hơn.

06 June, 2012

June 6

Trong đời sống, đâu đâu cũng rất nhiều nét đẹp. Chia xẻ với cả nhà mầu sắc nơi Hòa đang ở rể nhé!!! Ngõ hẻm nhỏ thôi, nhưng rất nhiều mầu sắc tương phản của từng căn nhà, từng mái nhà, từng khung cửa sổ được ghi lại từ sân thượng trước và sau :)



29 May, 2012

May 30

Hôm nay nữa là 3 ngày tôi "ở rể". Căn nhà thoáng và mát, rộng 4 mét, sâu 16 mét, gồm có tầng trệt dùng làm nhà bếp, phòng tiếp khách, phòng vệ sinh, tầng 2 và tầng 3 có 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm, và tầng sân thượng để máy giặt và nơi phơi quần áo. Mặt tiền và mặt sau căn nhà là ngõ hẻm rộng vừa đủ cho 1 chiếc xe hơi ra vào. Mẹ Nghi, em gái Nghi, mỗi người một phòng, nhường cho chúng tôi ở phòng master bedroom trên tầng 2.

Từ cửa sổ phòng ngủ, chúng tôi có thể nhìn thấy nhà hàng xóm qua tàng cây sơ ri. Từ sân thượng nhìn xuống, tôi có thể thấy phòng ngủ, phòng để ban thờ gia tiên nhà hàng xóm trước sau. Đâu đó, tiếng phát từ kênh TV của nhà này, tiếng nhạc đủ mọi thể loại từ nhà kia, tiếng nói chuyện từ nhà nọ. Lâu lâu một con chó sủa, là chó cả hàng xóm đều sủa chung. Ngày còn bé khi còn ở Sài Gòn, nhà tôi ở mặt đường; khi qua Mỹ, nhà này cách nhà kia cả khu vườn, nên đến bây giờ tôi mới được sống trong không gian "đặc thù" Sài Gòn.

Bây giờ ngoài Nghi, có thêm mẹ Nghi, và cô em gái ngoài giờ đi học lúc nào cũng sẵn sàng chạy đi mua món này món kia đem về nhà ăn chung. Mọi người chăm chút cho nhau mà chẳng cần phải nói ra. Cả ngày, tôi chẳng làm gì cả mà không hiểu sao thời gian vẫn trôi qua rất mau. Đời sống ấm áp và ổn định.

26 May, 2012

May 26

Đêm nay thức hơi khuya hơi thường lệ vì nhà hàng xóm cách 2 căn có thầy đến làm lễ cầu siêu cho mẹ của chú Ba là người xưa là ông tài xế xe ôm cho tôi trên đường Trần Kế Xương. Lang thang trên net, tìm được vài mẩu chuyện câu ca vui vui đem lên đây chia xẻ cùng với cả nhà :)


2.


Ngày xưa có một vị thầy tu hành ngồi mãi mà không nằm. Thầy trụ trì một ngôi chùa lớn. Nhiều đệ tử theo học rất đông, nhưng không ai học được cái khổ hạnh của thầy là chỉ giữ ba oai nghi: Ði, đứng, ngồi – không nằm. Mặc dù vậy, khổ hạnh của thầy cũng ảnh hưởng sâu rộng trong hàng tứ chúng khiến cho không một ai còn lòng dạ nào buông lung, biếng nhác.


Một hôm có một Sa di tới xin nhập chúng. Thầy bằng lòng. Chú xin hầu cận bên thầy để học cái hạnh tinh tấn. Thầy chấp nhận, nhưng hằng đêm, khi thầy ngồi suốt tới sáng thì chú cũng nằm suốt tới sáng. Thầy để ý nhiều lần như vậy, nhưng xét ra vị Sa di này không phải hạng tầm thường: chú ngủ rất tỉnh, một cái động nhẹ của thầy cũng làm cho chú thức dậy để đáp ứng những sai bảo. Cho nên thầy không có lý do gì rầy chú. Chỉ có một điều thầy lấy làm tiếc, là một chú đệ tử thông minh tận tụy như thế, mà cứ nằm dài suốt đêm một cách... “tinh tấn”. Cuối cùng, thầy phải nói cho chú biết không nên tu cái hạnh “nằm” như vậy.


- Này Sa di, chú nằm mãi coi chừng thành rắn đó.


Chú thưa:


- Bạch Thầy, Thầy ngồi mãi con cũng sợ Thầy thành cóc thôi!


Vị thầy nhân đó mà ngộ đạo.


3.




Tôi yêu chú tiểu ngây thơ
biết vì sao chú lại ở chùa
lâu lâu thấy tiểu ngây ngô
cầm chổi chà quét quét lá đa

Tôi yêu chú đã xa cha
xa mẹ hiền ngày đêm thương nhớ
đôi khi thấy tiểu đăm chiêu
mắt lệ nhòa vì không thuộc bài.

Đêm đêm chú tiểu ngân vang
với lời kinh trầm bổng du dương
chú mang hết cả tâm tư
trái tâm từ cầu an cho đời

ai xui chú tiểu ngây thơ
biết tu hành giữa chốn không môn
câu kinh tiếng mõ thâu đêm
nghiêng nghiêng đầu êm êm mái chùa

Đời còn có biết bao sắc màu lam ấy
người người vui bên mái ấm gia đình
còn chú tiểu, đâu là chiếc lá vô sanh
mà vượt qua gian khổ kiếp tu hành

Tôi yêu dáng tiểu ngây thơ
áo màu lam chú mặc ở chùa
chén cơm với muối tương rau
nhưng tấm lòng các chú thanh cao

Mong sao chú tiểu an vui
bên mái chùa ngày đêm tinh tấn
để đem tiếng mỏ câu kinh
trái tâm từ cầu an cho đời


23 May, 2012

May 23



Đi Nha Trang về rồi, gửi đến cả nhà hình chụp ở biển Nha Trang & Tháp Bà nhé!

09 May, 2012

thư gửi dì (4)

Sài Gòn dạo này hình như đã vào mùa mưa. Những buổi sáng sớm, cháu vẫn thường tập thể dục bằng cách đi bộ ra chợ thăm mấy sạp bán rau bán thịt quen thuộc. Hôm qua mua được bó rau lang ăn với chả bò thì là, hôm nay mua bó rau bí ăn với cá thu chiên muối. Hai vợ chồng cháu săn sóc nhau như hai người bạn, thay phiên nhau bếp núc và dọn dẹp. Rau chỉ có 3 nghìn đến 7 nghìn một bó, ăn 2 bữa mới hết. Mặc dù lớn lên ở Việt Nam, hôm qua Nghi lần đầu tiên ăn rau lang luộc, và hôm nay lần đầu tiên ăn rau bí xào tỏi. Nhà không có sẵn mắm tôm nên chỉ xào với muối vào tỏi. Vừa nhặt rau, vừa kể cho Nghi nghe mọi người trong gia đình mình vẫn rất thích ăn 2 loại rau nhà quê này.


Lâu nay cháu vẫn bình an ở thành phố nổi tiếng là ồn ào và bụi bặm. Cái bình an của một người trở về nhà sau chuyến đi xa. Bên Nghi cháu là đứa bé trai tuổi 50; và bên cháu, Nghi là bà cụ tuổi 30. Hihi... Cái bình an đến nỗi có lẽ chẳng còn sự bình an nào hơn. Trong tâm hồn chẳng có một gợn sóng suy tư - mọi chuyện đến và đi như những cơn gió thoáng qua. Chẳng có tiền đề nào cho ngày mai vì nó vẫn chỉ là ngày mai. Chẳng có tiền lệ gì cho vợ cho chồng vì nó cũng chỉ là quy ước. Sự chấp trước dường như đã được giảm thiểu đến mức tối đa. Họa hoằn nếu có, chỉ để đùa ghẹo nhau cho vui cửa vui nhà. Gặp việc xảy ra, mỗi người một cách ứng xử hoặc đối phó cùng nhau. Sau đó, đôi khi cười hì hì, có lúc khì khì, rồi lại im lặng trong tình bạn.


Từ ngày nghiệm thấy không gian vốn im lặng, cháu lặng lẽ tôn trọng và hòa mình vào sự im lặng của nó. Đời sống là chuỗi trải nghiệm và thường ít khi thực nghiệm ở tuổi trẻ. Bây giờ không còn bận bịu chuyện cơm áo, cháu có nhiều thời gian để thực nghiệm và chứng nghiệm cái gọi là vũ điệu của vạn pháp. Có lúc chỉ còn là sự chiêm ngưỡng mà không còn ngạc nhiên khi phát hiện sự hiện diện của một điều gì đó trong cuộc đời. Chỉ mỉm cười và rồi lại trôi đi.


Hôm nọ, sau khi được xem 1 đoạn của Mê Kông Ký Sự thật là giá trị, Nghi có hứa tìm mua tặng cháu một bộ. Tháng 8, có bạn cháu về lại Mỹ, cháu sẽ gửi tặng dì một bản. Tạm thời, cả nhà coi tạm tập 1 nhé!



May 9


Dòng nước có quãng sâu và quãng nông, có sóng lớn và khúc lặng lờ. Chiếc lá trôi chẳng biết trôi về đâu, vì trôi về đâu chỉ có dòng nước biết. Chiếc lá không thể nào biết tự tánh của nước, nó cứ trôi cho đến khi nào mục rữa tan vào dòng nước đang trôi. Khi các phân tử của lá cùng dòng nước là một, lúc ấy tánh nước hiện tiền.


Trong tôi có nhiều cái "tôi" đang hợp nhau trôi lăn trên dòng sinh tử. Quán cái tổ hợp "tôi" trong tôi để kiến tánh cũng như quán cái tổ hợp "tôi" đang ngoài tôi. Quán cái ngoài tôi để thấy cái trong tôi, và quán cái trong tôi cũng để thấy cái ngoài tôi. Cái ngoài tôi cũng là cái trong tôi. Vũ điệu của vạn pháp.







28 April, 2012

April 29

Ngày còn ở chùa, cái thinh lặng của gian nhà trống vẫn đầy tiếng động nội tâm.


Suốt thời gian sau khi trở về và ở lại Mỹ hồi tháng trước và cả tuần nay đang ở Sài Gòn, tôi bồng bềnh trong nỗi thinh lặng của chiếc lá trôi.


Xưa có người nói đời là giấc mộng, tôi ngày đó chỉ hiểu lờ mờ trên mặt chữ. Cho đến một ngày chợt phát hiện ra mình không còn gì để nói năng... để phân trần cùng ai, vì chính mình đang... chờ trăng ca hát ngông nghênh, hát rồi chẳng nhớ là mình hát chi *.


hohoho!


---


* Bản dịch của Huyền Chi bài thơ Xuân Nhật Túy Khởi Ngôn Chí của Lý Bạch) 







10 April, 2012

April 10

  ..."Tâm chúng ta sẵn sàng mâu thuẫn, thân chúng ta cũng sẵn sàng mâu thuẫn. Tự mình đã mâu thuẫn thì sống với mọi người có mâu thuẫn không? Đó là điều không ai muốn, nhưng làm sao tránh khỏi được! Thân tâm mình mâu thuẫn thì người khác cũng vậy. Cho nên có hòa hợp là có chống đối, điều đó là chuyện hẳn nhiên thôi."... (Tìm Tĩnh Lặng Trong Mâu Thuẫn Cuộc Đời - HT Thích Thanh Từ)

31 March, 2012

4 Quy Tắc Tâm Linh [của người Ấn Độ]


1. Quy tắc đầu tiên: "Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp cả." 

Điều này có nghĩa rằng không ai xuất hiện trong cuộc đời chúng ta một cách tình cờ cả. Mỗi người xung quanh chúng ta, bất cứ ai chúng ta giao lưu, đều đại diện cho một điều gì đó, có thể là để dạy chúng ta điều gì đó hoặc giúp chúng ta cải thiện tình hình hiện tại.

2. Quy tắc thứ hai: "Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra." 

Không có điều gì tuyệt đối, không có điều gì chúng ta trải nghiệm lại nên khác đi cả. Thậm chí cả với những điều nhỏ nhặt ít quan trọng nhất. "Không có; Nếu như tôi đã làm điều đó khác đi..., thì nó hẳn đã khác đi. "

Những gì đã xảy ra chính là những gì nên xảy ra và phải xảy ra giúp chúng ta học ra bài học để tiến về phía trước. Bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời mà chúng ta đối mặt đều tuyệt đối hoàn hảo, thậm chí cả khi nó thách thức sự hiểu biết và bản ngã của chúng ta.

3. Quy tắc thứ ba: "Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm." 

Mọi thứ bắt đầu vào đúng thời điểm, không sớm hơn hay muộn hơn. Khi chúng ta sẵn sàng cho nó, cho điều gì đó mới mẻ trong cuộc đời mình, thì nó sẽ có đó, sẵn sàng để bắt đầu.

4. Quy tắc thứ tư: "Những gì đã qua, cho qua." 

Quy tắc này rất đơn giản. Khi điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã giúp ích xong cho sự tiến hoá của chúng ta. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, tốt hơn hết là chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình.

Tôi nghĩ là không phải là tình cờ mà bạn đang đọc những dòng này. Nếu bài viết này đánh động tâm hồn bạn, đó là bởi vì bạn đáp ứng được những yêu cầu và hiểu rằng không một bông tuyết nào lại tình cờ rơi xuống sai chỗ cả..


-By: Golden Act @ Facebook

27 March, 2012

Our wedding ...

Untitled from Henry Pham on Vimeo.

Kudos and many hugs to Thu & Trang for your creative talent in putting together this beautiful video clip!

Thank you everyone for being there on our special day!

Hòa & Nghi


23 March, 2012

March 23

10 giờ 30 sáng, chuyến bay Korean Air KE 023 đáp xuống phi trường San Francisco. Gọi cho cậu Thuyên xong, tôi sắp hàng làm thủ tục Immigration. Sau khi trả lời câu hỏi của người nhân viên chỉ hỏi qua loa cho có lệ, tôi lấy thùng hành lý và ra ngoài cửa. Trời nắng đẹp nhưng còn hơi rét, cái rét rất thường của San Francisco, và của cuối tháng 3. Mồi điếu thuốc Bastos xanh mà thiếu ly cà phê sữa đá của Sài Gòn, thấy cũng bớt ngon. :)

Sáng sớm hôm qua dưới cơn mưa, máy bay quá cảnh ở phi trường Incheon 8 tiếng đồng hồ. Mua ly cà phê cappuccino, ngắm trời mưa, định tìm băng ghế để ngủ, thì thấy khoảng 4 người nhân viên hãng hàng không Korea Air xi nhô xi nhà. Tôi tò mò bước lại gần, thì anh tài xế thộp lấy tôi hỏi muốn ở khách sạn không. Chưa kịp quyết định, anh ấy đã bảo tôi nên ở trong khách sạn. Thế là ... anh ấy dắt tôi lên lầu hai ở gần cửa 12, làm giấy tờ lấy phòng. Ôi, ăn mày gặp chiếu manh! Căn phòng thật sạch, đẹp, và đầy đủ tiện nghi. Tôi đem theo một phiếu đồ ăn trị giá 10000 won đến Food Court, mua tô súp cay đậu hũ ăn với cơm. Ở cuối dãy hàng ăn là một khung cửa khá to. Nơi đó, các thực khách tự đem khay đặt vào đường rây đang chuyển động theo hình bầu dục. Ở góc đường rây cuối phòng là người phụ trách rửa sạch tất cả vật dụng muỗng nĩa đũa đĩa vân vân ...

Bước xéo qua bên kia hành lang là căn phòng dành cho người nghiện thuốc như tôi. Căn phòng có nhiều loại cây được trồng trên tường và vài chậu cây thật to thiết kế trong căn phòng. Ở đó, bạn có thể nhìn ra sân bay ngắm vài chiếc máy bay khổng lồ cùng những chiếc xe tải của hãng hàng không dùng để vận hàng.

Phê xong, tôi về phòng, đắp chăn ngủ say sưa. Rồi 2 giờ 30, thức dậy tắm cho đã dưới vòi gương sen thật nóng phủ từ đầu xuống chân. Còn lại 1 phiếu đồ ăn, tôi ra tiệm cà phê, mua thêm ly cappuccino, và miếng bánh mì thịt nguội phô mai kẹp trong bánh sừng trâu.

Đúng 3 giờ 20, nhân viên lễ tân khách sạn gọi điện thoại bảo có nhân viên hàng không đang chờ tôi ở đó. Tôi vui vẻ trả phòng và bước ra, và giật mình khi nhìn thấy người đón mình lại là một cô tiếp viên hàng không thật đẹp, thay vì là 2 người đàn ông đã đưa tôi đến đây. Tôi bảo cô ấy để tự tôi bước đến check-in counter, thay vì ngồi vào chiếc xe lăn đang chờ đợi tôi. Cô ấy chắp tay khẩn khoản "please... please...". Tôi ngại quá, nhưng nghĩ có lẽ cô ấy cần hoàn thành trách nhiệm đưa tôi đến nơi cần đến, nên thôi đành để người đẹp đẩy xe qua những hành lang dài và khổng lồ từ khách sạn đến cổng ra máy bay. Không phải tôi làm biếng không chịu đi bộ, vì ở Sài Gòn tôi vẫn thường lang thang mỗi ngày; chỉ vì muốn ưu tiên chuyện thủ tục giấy tờ, nên lúc nào tôi mua vé cũng đòi wheelchair service.

Vì thời gian ở lại phi trường Incheon kỳ này khá lâu, nên tôi được thấy rất nhiều vẻ đẹp của văn hóa Hàn Quốc mà họ đang muốn phô trương cùng khách quốc tế. Nghĩ mà thương thương cho đất nước Việt Nam.


14 March, 2012

March 10



March 10

Sau giấc ngủ thật ngon, tôi thức giấc nhìn ra bếp thấy cậu Tuấn đang đun nước sôi. Cậu đưa cho tôi một ấm phích để pha thêm cùng nước lạnh để tắm. Tắm xong, lên lầu đóng bộ “chú rể” xong, xuống nhà thấy trên bàn có sẵn ly cà phê đen đá và ly trà đá. Đến 7g30, mọi người lên xe đi Bà Láp. Đặc biệt trong số người này, có thêm Thu và Trang (bạn thân của Nghi từ Sài Gòn đến Phan Rang lúc 5 giờ sáng để chung vui cùng chúng tôi).

Đến từ đường họ Diệp, tất cả bàn ghế, ly chén, cổng hoa đã được bày biện thật chu đáo. Chúng tôi nhân cơ hội còn vắng người chụp hình và quay phim khuôn viên căn nhà cổ kính này và ban thờ gia tiên. Rồi sau đó, từng cặp, từng nhóm họ hàng Nghi đến từ đường, và lần lượt chụp hình kỷ niệm cùng cô dâu và chú rể. Theo lời cậu Tuấn kể, dòng họ Hàng và dòng họ Diệp từ Hải Nam coi như là hai họ lớn người Hoa đến lập nghiệp ở Phan Rang. Ở chợ Phan Rang có tổ đình họ Diệp thật là lớn là nơi đón tất cả người chung họ gặp nhau mỗi năm một lần. Sơ sơ chi tộc họ Diệp của Nghi gồm cả 3 thế hệ đã khoảng 50 người (nếu hội họp đông đủ thêm những người từ ngoại quốc cả hai bên nội ngoại, có lẽ đến con số trăm) đến dự buổi lễ đặc biệt này. Đặc biệt vì ông nội Nghi trước khi qua đời, đã có ước nguyện được nhìn cô cháu gái của ông lập gia đình. Đặc biệt, vì Nghi như chiếc lá rơi về cội khi nhờ bác Tùng và bác Hồng đang chăm sóc từ đường họ Diệp làm chủ hôn.

9g30, đến giờ làm lễ.

Bác Tùng đốt nến và nhang mời tổ tiên về chứng giám, đến mẹ và kế phụ của Nghi, và sau đó... đến phiên chúng tôi đứng trước ban thờ gia tiên. Mẹ nàng đeo cặp bông tai, dây chuyền, và chúng tôi đeo nhẫn cưới cho nhau.

Tiếp đến là lễ trầu cau. Chúng tôi cùng nhau bước đến song thân, và vợ chồng bác Tùng, dâng rượu mừng. Sau đó từng người trong họ lần lượt từ lớn đến bé, chúc phúc và uống rượu mừng đến chúng tôi kèm theo phong bao "lì xì". Cảm động nhất là lúc mẹ Nghi đem ra hộp nữ trang với cái lắc vàng của ông nội trước khi qua đời dặn để lại cho cô cháu gái để làm của hồi môn. Buổi lễ thật giản dị và đầy cảm xúc được kết thúc sau khoảng nửa giờ đồng hồ.

Khi mọi người đã an tọa ở bàn tiệc, chúng tôi đến từng bàn để cám ơn sự hiện diện của mọi người. Bữa tiệc chay 8 món, dưới sự chăm lo của bác Hồng theo kiểu người Hoa thật ngon, được mọi người tận tình chiếu cố.

Khoảng giữa trưa, mọi người lục tục chia tay ra về. Chúng tôi theo ba Nghi ra Nha Trang. Mẹ Nghi, bé Hân, cùng bạn Nghi ở lại Phan Rang chơi biển Ninh Chữ đến tối để đón xe đò về lại Sài Gòn.

Từ ngày đến Phan Rang đến bây giờ, lòng tôi vẫn ăm ắp tình cảm của từng thành viên trong dòng họ của Nghi dành cho chúng tôi. Cảm giác thân mật ấm cúng rất “nhà” từ mọi người đang mềm mại trôi chảy loang vào nhau.

10 March, 2012

March 8 & 9

March 8

Trên đường từ Sài Gòn ra Phan Rang, tôi được thấy nhiều cảnh đẹp ở hai ven đường trên quốc lộ 1. Gồm những hàng quán rải rác có những chiếc võng dưới mái tôn, những cánh đồng cỏ, những vườn trái thăng long, những đàn bò lông vàng, những em bé cháy nắng, những rặng núi xanh, những rặng núi đá, những khúc biển xanh ngun ngút, những chiếc xe đạp chiếc xe gắn máy của người dân ngược xuôi 2 bên đường. Có lần tôi tự hỏi, với nhịp sống nơi quê nghèo, sẽ có bao nhiêu em bé được biết đời sống thành thị như Sài Gòn?

Buổi chiều đến nhà cậu Tuấn và cô Muối (tương đương với Muội, vì cô ấy còn có cô chị song sinh được gọi là cô Ché, tương đương với Tỉ hoặc chị, đang định cư ở Canada). Cô Muối là em gái út trong gia đình ba Nghi. Cậu Tuấn đã từng là bạn rất thân với ba ruột quá cố của Nghi (đã qua đời năm 1986 trong một tai nạn sông nước), niềm nở chào đón mọi người. Vừa trông tiệm dịch vụ cho mướn Internet gồm có 26 cái máy PC, vừa uống cà phê cùng nhau, cậu Tuấn dành cho tôi rất nhiều thời gian kể chuyện cho tôi nghe về ba Nghi thủa thiếu thời. Chiều đến, mọi người đi dùng bữa tối ở quán cơm gà gần nhà. Buổi tối, sau khi dọn dẹp, cậu ấy dẫn tôi qua chợ Phan Rang ăn hột vịt lộn uống bia dưới bầu trời đêm quang đãng.

March 9

Ngày sinh nhật thứ 51 ở Phan Rang.

5 giờ 30 sáng, loa phát thanh trên đường phố ầm ĩ chương trình 1 tiếng đồng hồ được phát sóng hằng ngày 2 lần 5g30 sáng và 5g30 chiều. Hầu như tất cả người dân từ ngõ hẻm đến đầu phố đều đặn đón nhận chuyện này đã hơn 36 năm qua. Trong chương trình thời sự có chen lẫn phần quảng cáo tư nhân nước ngoài, và vài ca khúc tình tự quê hương.

Sau khi ăn sáng, chúng tôi, Huyền, Vũ, Hương, Hằng (những người bạn thân của Nghi từ Sài Gòn đến Phan Rang từ chuyến xe đò chạy xuyên đêm), và bé Hân (em gái Nghi), lên xe mướn đi chơi vịnh Vĩnh Hy. Chúng tôi đã mua vé tàu đến thăm một bãi biển đẹp để ăn trưa với những đặc sản còn tươi nguyên vừa được vớt lên từ lòng đại dương.

Với tất cả những không gian ăm ắp cảnh quê hương từ chiều qua tôi được đón nhận vào tâm hồn, cộng với ngày hôm nay, tôi thấy Việt Nam còn nhiều nơi đẹp lắm. Nếu tôi lờ đi những miếng rác, những mái tôn, tôi sẽ không biết là mình đang ở Mỹ hoặc ở Việt Nam.

11g trưa, chúng tôi lên thuyền trở lại bến tầu. 

Chúng tôi ghé thăm mộ của ba Nghi ở Bà Râu thắp hương, và sau đó lội bộ qua 2 cánh đồng nhỏ để trở lại xe đang chờ bên ven đường quốc lộ 1. Chúng tôi về Bà Láp, nơi có từ đường mà chúng tôi sẽ làm lễ cưới vào ngày mai. Bác Tùng (anh trai cả trong gia đình ba Nghi), cùng vợ là bác Hồng, bày cơm trưa đón chúng tôi. Căn nhà cổ được xây đã hơn 64 năm qua bằng gỗ quý, được trang trí quanh vườn bằng những loại hoa kiểng hiếm có với cái hồ bán nguyệt có nước chảy róc rách. Không gian hữu tình làm cho mọi người quên đi cái bức ở Phan Rang. Bạn Nghi mỗi người một tay đóng góp vào vài chi tiết nhỏ để chuẩn bị cho ngày mai.

Mọi người về lại nhà cậu Tuấn lúc 6 giờ chiều để nghỉ ngơi và tắm rửa. Chúng tôi ra chợ Phan Rang, cách nhà cậu khoảng 5 phút đi bộ để ăn tối với những hàng quán bánh canh, bánh căn, hột vịt lộn, sữa đậu phọng, cơm gà, phở gà, miến gà, vân vân ... Ai thích ăn món gì thì gọi món ấy.

Buổi tối khuya, cậu Tuấn rủ tôi ra quán ốc uống bia với đĩa sò điệp và đĩa cá đối khô chấm tương gừng. 


(Whoa, nhiều chuyện quá! Kể vào chi tiết thì không biết chừng nào hết! Có chụp hình, có quay phim, nhưng các bạn Nghi đang giữ, nên chưa upload khoe cả nhà được. Để vài ngày nữa, trở lại Sài Gòn kể chuyện ngày đám cưới của hai đứa nhe.)


  

07 March, 2012

March 7



Sáng sớm mai, tôi, Nghi, và mẹ nàng sẽ đi xe đò ra Phan Rang để chuẩn bị cho ngày thành hôn vào ngày thứ Bẩy. Buổi sáng nay soạn quần áo và vật dụng cần phải có, tôi cũng có chút xúc động cho sự đổi thay sắp đến trong đời sống của mình. Qua thời gian bên nhau, chúng tôi cũng đã hiểu khá nhiều về cá tính của nhau. Lễ cưới chỉ là hình thức để hợp thức hóa hai tâm hồn đã chín chắn muốn cùng nhau trải nghiệm biến cố cuộc đời.

Chúng tôi đã phân tích và chia xẻ nhiều quan niệm và quan điểm về hôn nhân, về con cái, về hướng đi của lứa đôi. Hôn nhân là một nhân duyên tốt để chúng tôi hoàn thiện cho nhau, vì chúng tôi hợp với phương thức này. Có người có khả năng tự hoàn thiện chính mình chẳng phải cần đến ai khác ngoài bản thân, nhưng chúng tôi không thuộc vào nhóm người ấy. Chúng tôi cần chạm vào nhau, cần nghe tiếng cười tiếng nói của nhau, cần nhìn thấy sự hiện hữu hằng ngày, cần học hỏi cách sống tương quan tốt đẹp hơn.

Một sự việc đánh dấu từ đây
cùng người đồng hành... mình vừa là hành trình, vừa là người lữ hành trên hành trình ấy.


(Vài ngày nữa upload hình lên cho cả nhà xem nhé!) Hì!

03 March, 2012

March 4

Ngày hôm qua, 3 tháng 3, Khánh Anh, con gái đầu lòng của tôi báo tin cho tôi biết bạn ấy đã được nhận vào Suffolk University ở Boston. Đại học này nằm trong Top 400 của Hoa Kỳ. Bạn ấy sẽ học tiếp chương trình 2 năm còn lại về quản trị kinh doanh, và hy vọng rằng bạn ấy sẽ học luôn chương trình MBA ở đó. Hai bố con text qua text lại cho nhau thay vì nói chuyện trực tiếp. Bạn ấy đã ao ước ở miền Đông từ lâu rồi. Hè năm nay bạn ấy sẽ rời cái nôi bé bỏng ở Seattle đến Boston định cư cho cuộc hành trình mới.

Sáng sớm hôm nay đang uống cà phê ngắm trời, Minh Tâm, đứa con giữa, gọi báo tin đã được nhận vào Seattle University với học bổng $10,000 mỗi năm cho đến khi nào bạn ấy học xong chương trình cử nhân. (U.S. News and World Report's "Best Colleges 2012" ranks Seattle University among the top ten universities in the West.) Nghe giọng bạn ấy qua phone, tôi mừng không biết nói gì.  Nhìn lại quãng đời từ lúc bạn ấy học mẫu giáo, là đứa bé lúc nào cũng quyết tâm hăng say theo đuổi mục đích tự đặt cho chính mình, tôi có thể cảm nhận được niềm tự hào đang phát quang trong bạn ấy.

Thế là niềm ước mơ của 2 bạn ấy đang dần hiện thực. 




29 February, 2012

Just for fun

Hôm nay ngày 29 tháng 2, năm nhuận, nghịch nghịch chút chút cho vui nà :) Ở SG sắp được 6 tháng, đen hơn Bao Công roài nè!!! 



28 February, 2012

February 29

Sau khi chiêm nghiệm tánh lười cũng rất ư là hữu ích cho tôi... cũng nhờ tánh lười của mình, mà...

a. Tôi thích ăn chay, vì đỡ phải rửa dầu mỡ sau khi nấu nướng.

b. Tôi ăn rất giản dị, tôn thờ chủ nghĩa "ăn để mà sống".

c. Tôi trở nên khá sáng tạo biến chế thức ăn cũ thành món cháo.

d. Thích ăn cháo, ăn phở, ăn món nước, cũng bởi cái tính lười nhai.

e. Rất ít khi ghi nhớ chuyện riêng tư người khác, vì làm biếng xen vào chuyện không phải của mình.

f. Ăn mặc xuề xòa, vì làm biếng đi shopping.

g. Không thích cà kê dê ngỗng, vì thế nên hay cười.

h. Không thích lăng nhăng vì rất hao tổn năng lượng che đậy nó.

Đại khái nghĩ được có bấy nhiêu thôi. Hì!


2.

Năm 1992 lấy vợ, năm nhuận. Năm nay 2012, cũng nhuận. Nhìn lại đời mình...

1976: từ Maryland qua California định cư 
1980: từ San Francisco dọn về San Jose định cư
1984: làm business, mối tình đầu
1988: phá sản, bạn gái chia tay
1992: lập gia đình với người tuổi Nhâm, có con
1996: mua nhà
2000: không nhớ rõ (chắc không có gì đặc biệt)
2004: nhận giải thưởng American Society of Business Publication Editors Western Region Award Winners, Gold Medal
2008: nhà hàng vững vàng có lợi nhuận
2012: lấy vợ, cũng người tuổi Nhâm, có con

Chung chung, năm nhuận của đời mình có nhiều biến động.

27 February, 2012

February 28


"Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu".

"Một số điều có thể đến với những người chỉ chờ đợi. Nhưng một số điều quý giá khác chỉ dành cho những người hối hả và quyết đoán".

"Hãy nhìn vào những người đạt được thành công lớn. Đó là bằng chứng cho thấy tất cả mọi người đều có thể làm được như thế".

"Cuộc sống không nằm trong số năm bạn đã sống mà đó là những gì bạn đã làm suốt thời gian tồn tại".

"Đừng cảm thấy tiếc vì bụi hoa hồng có gai mà hãy vui vì trong bụi gai có hoa hồng".


2.

Cô bé lên 3 ôm búp bê vẽ vào trí óc một giấc mơ gì tôi không biết, nhưng ngày còn bé tôi mơ làm bác sĩ, lính cứu hỏa, cảnh sát, người lính trận... vân vân... nói chung là mẫu người hùng cứu mỹ nhân. Haizzz! Thời đất nước còn chiến tranh đó mà! Đến bây giờ những ước mơ nho nhỏ đó vẫn đem đến cho tôi những nụ cười rất nhẹ mỗi khi hồi tưởng.

Đã đi qua nhiều con đường và thấy nhiều hoang tưởng ngay trong chính mình, nên dạo này tôi chẳng còn hứng thú đi tìm cái gì ở ngoài mình. Đôi khi Nghi rủ tôi đi ăn, hay đi công viên, hay đi uống cà phê ở quán này quán nọ, tôi cũng ừ ừ đi chung cho vui chứ chẳng còn háo hức gì. Ngay cả nói chuyện với Hỷ, những đề tài về kinh Dịch, về Phật pháp, mà tôi đã từng say mê, bây giờ cũng chỉ là những câu ậm ừ, và ghi nhận để đó. Thi thoảng nghe pháp thoại của nhiều vị thầy đi trước, cũng chỉ ở mức khoảng 10 phút một ngày.

Hình như cảnh giới trong tâm hồn đã quá đầy. Đầy như phin cà phê đang chờ nước sôi? Cũng có thể tôi đang là một trái trên cành đang chín?



26 February, 2012

Guy Laramée

RAIN

May it rain
May it rain on this troubled world
May this rain erase borders
May it mix colors, forms, and times.
May it rain upon me
May the sound of this rain
Wash myself from myself
May this rain dissolve me
Until I recognize myself in trees, mountains, and people.
May I keep hearing this rain
Through the clamour of ambitions.
May it rain
May it rain upon our confused minds
And (that) through this rain
May we return home.

-Guy Laramée, March 2010


2.

Đây là những tác phẩm "hùng vĩ" của nghệ sĩ điêu khắc Guy Laramée. Hầu hết các tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ này đều sử dụng từ điển, bách khoa thư cũ kĩ, sau đó tỉ mẩn với các trang sách để tạo nên những kì quan thiên nhiên vô cùng sống động. (Sưu tầm)


23 February, 2012

February 24



Mỗi Sudoku có một giải pháp duy nhất có thể đạt đến một cách logic mà không cần đoán. Nhập một số chữ số 1-9 vào các không gian trống. Mỗi hàng phải có một trong mỗi chữ số. Và như vậy cho mỗi cột, như đối với mỗi hình vuông 3x3.


2.

Sau khi Nghi giới thiệu cho tôi cuộc chơi Sudoku, tôi thấy nó cũng đầy thú vị tương tự như con đường tâm linh của tôi. Lý do là nếu tôi đặt con số sai, tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu để cuối cùng tìm cho được đáp án đúng cho tất cả 81 ô.

Vâng! Vui lắm và cũng mệt não lắm!

Có giải pháp bật ra thật tình cờ vào lúc chẳng nghĩ đến. 

Vừa học vừa chơi, vừa chơi vừa học.