29 January, 2012

January 30

Thấy tôi hơi bị trầm cảm vì nhớ con, Nghi rủ tôi đi ra ngoài chơi. Nàng dẫn tôi đến tiệm sách Tân Định. Ở nơi ấy, tôi mua được cây bút mực Hero, bình mực mầu xanh dương, và tập vở học trò. Nàng hỏi tại sao, tôi trả lời là muốn tập viết lại, muốn thay đổi chữ viết của mình. Hì hì!

Sau đó chúng tôi đến quán cà phê "The Fig". Nàng lựa cho tôi quyển truyện ngắn tựa đề Quà Của Bố của Trần Đình Dũng. Tạm trích một chương gửi đến các bạn cùng thưởng thức.


Bố yêu con vừa đủ


Bố yêu con vừa đủ để nhớ con khi bố vừa đi xa, để phone cho con khi bố đến miền đất lạ, để dành con là người cuối cùng bố chào, vì khi đó bố được ôm con lâu nhất.

Bố yêu con vừa đủ để làm mọi điều nhỏ nhặt, và cũng vừa đủ để leo mãi con dốc dài của cuộc đời.

Bố yêu con vừa đủ để sống tốt cho con và mong mình sống ít lại để con sống nhiều hơn, luôn tìm tòi điều hay nghĩa đẹp trong cuộc sống, để gom góp làm hành trang giá trị cho con vào đời.

Bố yêu con, vừa đủ để mỗi khi con đi toilet công cộng, bố luôn là người kín đáo đưa vào tay con tờ giấy, đi theo con đến cửa, đứng ngoài chờ con, thỉnh thoảng gọi vọng vào, để con yên tâm, con luôn có bố. Cuộc sống vốn dĩ quá nhiều những kẻ tà ma quỷ quái, không cần quốc tịch, không cần tuổi tác, không màng học vấn... bố sợ nhỡ có điều gì xảy ra – dù là bé nhất – sẽ làm tổn thương tâm lý suốt đời con.

Bố yêu con, vừa đủ để tạo thành thói quen đưa mắt nhìn qua con mỗi mười phút, để yên tâm rằng con vẫn còn đó, vui tươi, hạnh phúc, an toàn, mạnh khoẻ, hoà đồng, bình an.

Bố yêu con, vừa đủ để gọi “cục cưng” mà không cần lý do, không cần nhờ vả sai bảo, không cần khuyên nhủ can gián, không cần bất cứ điều kiện gì, chỉ thích gọi tên con, kèm theo hai chữ “cục cưng”.

Bố yêu con, vừa đủ để đặt con ngồi im trên yên xe, quấn áo mưa kín kẽ, bố đi bộ bì bõm trong mưa trong nước ngập, để chân con không lấm nước đen, để con cười khoe răng sún mỗi khi bố gọi con là công chúa.

Bố yêu con, vừa đủ để bối rối mỗi khi con ngân ngấn nước mắt, vừa đủ để bồn chồn mỗi khi con buồn buồn ít nói, vừa đủ để lo lắng mỗi khi con nóng sốt, vừa đủ để sợ hãi mỗi khi con đi chơi về muộn.

Bố yêu con, vừa đủ để đắp chăn cho con hàng đêm, ngồi chơi với con hàng giờ, những trò chơi bố không có chút kiến thức, bố nào có biết gì về Barbie, Teddy, đồ hàng, may vá thêu thùa...

Bố yêu con, vừa đủ để gởi cho con post card với dòng chữ ghi vội, mà không cần phải đi xa, không cần phải có lý do để gởi, chỉ là một buổi chiều lang thang nhà sách, bỗng nhiên nhớ con, gởi con một tấm thiệp, hai ngày sau thiệp đến, lại chính ta nhận, mang để dưới gối con.

Bố yêu con, vừa đủ để cố gắng sắp xếp những ngón tay thô kệch vụng về làm thủ công cắt dán, vì con muốn có hình ảnh Hannah Montana.

Bố yêu con, vừa đủ để cười mỉm một mình, vì đang rất nhớ con.

(Trần Đình Dũng)

2.

Đọc được 60 trang, tôi ngưng không đọc tiếp. Tôi mượn quyển của nàng đang đọc Mặt Hồ Tĩnh Lặng của Ajahn Chah. Sau đây tạm trích 1 đoạn chia xẻ cùng bạn.

Tại sao phải hành thiền?

Một nhóm người hành hương đến thăm Ngài Ajahn Chah, hỏi Ngài ba câu hỏi lớn:

1. Tại sao Ngài hành thiền?

2. Ngài hành thiền như thế nào?

3. Kết quả việc hành thiền của Ngài ra sao?

Nhóm người hành hương này là những vị đại diện cho một tổ chức tôn giáo Âu Châu đã đến gặp nhiều thiền sư ở Á Châu để hỏi những câu hỏi trên.

Nghe ba câu hỏi này, Ngài Ajahn Chah nhắm mắt, trầm ngâm một lát, rồi trả lời bằng cách hỏi lại ba câu hỏi khác:

1. Tại sao quí vị ăn?

2. Quí vị ăn như thế nào?

3. Sau khi ăn xong quí vị cảm thấy ra sao?

Nói xong Ngài cười.

Về sau Ngài giải thích rằng: Những lời dạy của Đức Phật nhằm mục đích hướng dẫn mọi người hãy trở về với Trí Tuệ nội tại của mình, trở về với Giáo Pháp tự nhiên của mình. Bởi thế nên Ngài muốn nhắc nhở những vị hành hương này không cần phải đi khắp Á Châu tìm kiếm lời giải đáp mà hãy trở về tìm hiểu phần bên trong của mình.

(Ajahn Chah)

3.

Buổi chiều lặng lẽ qua đi. Tôi và nàng về nhà.

28 January, 2012

January 29

On your 18th birthday.

How has your journey been? It has been good, right? Even though our normal life has been on and off, every time I think of you, I see those 2 big eyes staring at me full of curiosity and full of love for life. Those 18 years of mine has been full of your laughs and your energy. I am sure at a right moment, you'll find an answer for your existence somewhere in the maze of your consciousness. Just quietly sit down whenever you are in doubt, reflect upon a bond between us and all the memories attached.

There is still a lot of good things that you can experience and enjoy on your path. I have been your friend and you can count on it even long after my exit from the physical world. Your journey as an adult starts today. It's a beginning of standing on your own two feet and a declaration of a full independence from all excuses, blames, and ignorance. You are in charge of your own course of life from now on. I believe in your wisdom, your sense of direction, and your full load of energy. Let them be yours, and no one's else, truly companion. Let your journey be the journey of a life time.


At this moment, I am in your space, your inner feeling. I can feel your energy and it is full of serenity and good vibration. I can see your bright smile and love from your heart. I know you are at the center of your soul. I can feel your love for me and everyone around you.


I am forever grateful for having a friend like you in my life. I love you.


-h

2.
Trời hôm nay Sài Gòn vẫn đang xám xịt như chiều qua. Nó cho tôi cảm giác gần giống như thời tiết ở Seattle. Buổi sáng sớm vẫn có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, tiếng chim ca, tiếng xe máy động cơ thi thoảng vang lên. Sau khi viết xong lá thư gửi đến Tâm, đứa con gái thứ 2 vừa tròn 18 tuổi, tôi rơi vào cảm xúc bâng khuâng. Đi ra đi vào cảm nhận hố sâu của tâm hồn đang muốn kéo tôi xuống đáy. Ô hô! A ha! I hi! 

Thay quần áo định ra làm một cơ bi da, nhưng khi sắp bước ra cửa, lại thay đổi ý định. Ở nhà lang thang cùng nỗi thinh lặng tưởng như lòng mình đang đầy ắp nhưng lại đang rất vơi. "Nó" như đang muốn bám víu đang muốn đong cho đầy cái gì đó trong hiện tại, như đang muốn cân bằng một cõi nào đó đang hụt hẫng. Điều hụt hẫng đó cũng có thể là một quy ước nào còn vương vất trong tâm thức mình. "Nó" như người kiếm sỹ đang muốn rút kiếm chém vào kẻ thù lớn nhất - đó là chính mình - hoặc có thể tạm định danh là "cái lười". Suy nghiệm thêm nữa, kẻ thù "vô hình" đó cũng chỉ là ảo tưởng, thế là thanh kiếm samurai biến mất, để chợt lại nhìn thấy "nó" như người đang đói bụng muốn ra quán ăn mà lại rỗng túi.

3.
Ờ nhỉ, tôi có thể đi bộ qua những ngõ hẻm. Đôi khi trong lúc một mình lang thang, tôi lại nghiệm ra được một cái gì đó đang được hình thành. 


26 January, 2012

Julian Baggini - Is There A Real You?




80. Người tưới nước lo dẫn nước, thợ làm cung tên lo uốn cung tên, thợ mộc lo nảy mực đo cây, còn người trí thì lo tự điều phục lấy mình (Kinh Pháp Cú)

24 January, 2012

January 25

Đường Hoa Nguyễn Huệ (Nghi, và Hân)
Hôm nay, mồng 3 tết. Mấy ngày qua đi chơi cùng Nghi hết ngày. Về nhà chỉ biết lăn ra ngủ. Lục lại ký ức tết năm ngoái, mình làm gì (?), ở đâu (?), chẳng thể nhớ ra, nên vào lục trang blog của mình, mới biết thời gian đó ở Florida. Còn năm trước nữa, không có hồ sơ lưu lại, nên vẫn chưa thể nhớ ra, chỉ nhớ mang máng là mình lúc đó ở California. Whoa! Ký ức của mình còn tránh xa mình nữa sao? Hohoho!

Mồng một tết, chúng tôi đi dạo phố. Khi nghỉ mệt ở quán cà phê ở Sun Wah Tower, tôi ngắm nghía đám người cũng đang đi dạo xuân, và cảm nhận tâm thức mình xa lánh hồng trần từ thủa nào. Dù ở Florida, California, hay Sài Gòn, và nhiều năm trước, tôi vẫn thường cảm thấy mình không hòa hợp được với không gian lễ hội. Hiếm khi nào mình hòa đồng được với năng lượng cộng của mọi người chung quanh. Nhưng năm nay, trong không khí mùa tết ấm áp, cảm giác lạc lõng đó có sự hiện diện của Nghi, cộng với phong cách làm người bác với mấy đứa cháu gái và người anh cả trong họ với Vinh và Thanh, phong cách người bạn với những ván bài thử thời vận cùng đám bạn của nàng, tôi nhẹ nhàng đi qua thưởng thức nỗi đầm ấm. Ngẫm nghĩ mãi, lại thấy rằng nhân duyên ở đâu cũng đầy, mà chỉ có điều là mình có nhìn ra được cái điều đặc biệt ấy xảy ra mỗi ngày hay không thôi.  

Năm Nhâm Thìn, chiếc thuyền đã thả xuống những cánh buồm nghỉ ngơi bên bến hẹn.


22 January, 2012

January 22

Sáng nay những con đường đã vắng hẳn người qua lại. Trên đường về nhà, Vinh chở tôi đi ngang qua chợ Gò Vấp. Tôi thấy còn sót lại một số người vẫn đi chợ để mua sắm cho 3 ngày tết sắp đến. Có những bịch ny lông lủng lẳng treo trên xe gắn máy nào rau, nào trái cây, nào kẹo mứt, nào thịt, vài chiếc xe còn đèo thêm chậu hoa, hoặc những bó hoa rực rỡ khoe mầu sắc khắp đường phố. Tô phở thường ngày 26 ngàn, hôm nay đã là 28 ngàn một tô. Đây đó, là những chậu hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa lan, hoa hướng dương, và trái cây bày bán trên vỉa hè. Không khí chộn rộn của mọi người so với vài ngày trước đã vơi đi rất nhiều. Xem tường trình thời sự, giá cả ngày hôm nay người mua ở chợ Tân Định đã phải trả thêm 200% cho đến 300% cho một số món hàng. Riêng tôi, mua được trái dưa hấu với giá bình thường là 8 ngàn một kí lô.

Tôi, Thanh, Vinh, 3 đứa con gái, Nga, Vi, và Vân ăn bữa cơm tất niên giản dị ngon miệng. Em chu đáo chuẩn bị cho tôi bình chè xanh và bát chè hạt sen tráng miệng. Cũng chẳng bao giờ nghĩ đến có ngày bên nhau ăn bữa trưa tất niên ở Sài Gòn. Cuộc đời lúc nào cũng nhiều chuyện chẳng bao giờ ngờ được mà lại xảy ra. 36 năm qua, hai anh em không hề bên nhau tuổi ấu thơ, bây giờ lại đang hưởng thời gian ấm cúng ở tuổi trưởng thành với liên hệ dòng máu họ hàng. Tôi hỏi cháu Nga, đang là nhân viên của ngân hàng ở Sài Gòn, ngày nào sẽ đi làm lại, thì cháu trả lời là mồng 8. Tôi hỏi cháu ở nhà không đi làm có chán không, cháu trả lời là mới chỉ có 2 ngày nên chưa biết có chán hay không! Lúc về, Thanh cho tôi một bịch lá chè xanh để tôi pha uống dần mấy ngày tết.

Thời tiết cho những ngày tết âm lịch ở Hoa Kỳ thường rất lạnh. Ngay cả cái lễ để hội họp gia đình là Thanksgiving mọi người cũng chỉ được nghỉ có 4 ngày, và hoàn toàn không có liên quan gì đến người thân quá cố, như mời hương hồn ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Ngày bà ngoại tôi còn sinh thời, ít khi tôi để ý đến ý nghĩa rõ rệt của ngày tết âm lịch. Tôi thấy 3 anh làm bảo vệ cho khu apartment của tôi buồn lắm, phải chia nhau công việc và không được về quê dịp tết này. Như các bạn cũng đã biết, Sài Gòn hiện thời rất nhiều người nhập cư, nên vào mùa tết thành phố vắng hẳn người sinh hoạt. Hàng quán quanh đây, có tiệm sẽ mở lại vào ngày mồng 2 tết, có nơi mồng 9 tết. Nghe nói mồng 2 là ngày của Thần Tài, và ngày rằm là ngày tốt để khai trương lại doanh thương. Ngoài ra cũng có người chọn mồng 8 (phát) và mồng 9 (trường hằng) để trở lại công việc.

Well... đón giao thừa năm nay tôi cũng sẽ đi ngủ sớm như thường lệ. Hì!

20 January, 2012

January 21

Từ tháng 9, khi tôi về Sài Gòn, tôi ngủ sớm và thức giấc sớm rất tự nhiên, mà không cần dùng đến đồng hồ báo thức. Đó là điều tôi thấy lạ lẫm trong tôi. Trước đây, thức giấc vì phải đi làm vì công việc, và trằn trọc đến nửa khuya mới ngủ, bây giờ 9 giờ tối là giờ tôi vào chuồng, và thường bật dậy vào khoảng từ 4 giờ sáng. Sau khi vệ sinh cá nhân, pha cà phê, ra ngắm sao trời, nghe tiếng gà gáy, đón những ngọn gió trong lành vào buổi sáng, lướt mạng, ngẫm nghĩ, viết lách, gọi điện thoại thăm hỏi người này người kia ở Mỹ.

Ở Sài Gòn rất ồn ào, rất náo nhiệt, nhưng đó chỉ là tiếng động ở bên ngoài. Ở bên Mỹ, dù không gian rất im ắng, nhưng lại rất khó cho tôi cảm nhận được sự tĩnh lặng ở bên trong. Cũng nhờ vậy, mà tôi tìm thấy được những câu trả lời then chốt suốt quãng ngày qua mình đã vướng mắc. Dần dà, tôi thấy những sự chủ động vô hình của tạo hóa, của nhân sinh, của tâm thức tôi, của cỏ cây. Có một hôm, tâm thức lạc hẳn vào một cõi vô hình, để rồi khi trở lại nhịp sống ngày ngày, tôi thấy tôi đã khác, rất khác, so với ngày trước đây. Nghiệm được vướng mắc của chính mình, để rồi nhìn thấy được vướng mắc của người. Con đường tiến hóa của tâm linh vô hình nhưng thật sự không vô hình. Như trong đạo Phật vẫn thường hay nhắc nhở đến cái ngã, đó là nguồn gốc của mọi sự, hoặc là vạn pháp duy tâm. Hiện giờ tôi nghiệm được, cái tâm vô hình như từ trường nam châm, nhưng nếu ta rải quanh đó chút vụn sắt thì sẽ mau chóng thấy được hình dạng của nó. Nhìn vào sự việc, xem xét cho kỹ cực nhận vào và cực thoát ra ở đâu, ta sẽ biết từ trường này sẽ được khai triển thế nào theo tự tánh của nó.


Mỗi ngày tôi ngắm tâm thức tôi bày trò huyễn hóa như đứa bé được ngắm muôn mầu muôn dạng trong kính vạn hoa.



19 January, 2012

Khi đến nơi vô cầu, sẽ không còn phiền não.

Hằng Thật và Hằng Triều Tam bộ Nhất bái
San Francisco! 
21 tháng Hai, 1979

Sư phụ từ giám,

Hôm qua thầy Hằng Triều và con đã lên được đỉnh đồi – phóng tầm mắt về phía Nam, chúng con thấy Dốc Ác Quỷ (Devil’s Slide) và thành phố Pacifica . Hướng về phía Bắc, thật không tưởng tượng nổi, chúng con thấy những cột tháp màu cam của Cầu Cựu Kim Sơn (Golden Gate), ngọn núi Tamalpais, tháp TV trên ngọn núi Sutro - San Fransisco! Dường như chỉ mới hôm qua chúng con còn ở Santa Monica suy nghĩ về Xa Lộ số 1 và cuộc hành trình dị thường còn ở phía trước. Vậy mà giờ đây, chưa đầy một cái búng ngón tay, chúng con đã lạy vào tận vùng Vịnh (Bay Area) và rời Xa Lộ số 1 để đi qua thành phố này. Cuộc đời quả thật như một giấc mộng. Như trong Kinh có nói:

Quá khứ, hiện tại, vị lai đều bất khả thuyết.

Hôm qua có thể là ngày hành hương thứ nhất của người đệ tử này. Con đã được một bài học từ tận đáy lòng mà phải mất 21 tháng học tập và kiên nhẫn để thực hành cho tới khi hoàn toàn nắm được. Bây giờ có thực là con đã nắm được không? Con hy vọng là không, bởi vì mỗi lần con chấp trước vào một cảnh giới là lúc con lại vấp ngã. Bài học như thế nào? Nó có tên là "không mong cầu".

Sư phụ đã chỉ dạy hàng chục lần theo bằng những phương tiện thiện xảo những điều này : "Đừng mong cầu bất cứ điều gì. Đừng cầu chứng quả Phật, đừng cầu đại trí huệ, đừng cầu giác ngộ. Mong cầu là đặt một cái đầu lên trên đầu của quý vị. Đó chỉ là lòng tham. Chỉ nhất tâm tu hành. Thế là đủ. Tu hành mà không nghĩ tới tự lợi. Tu hành như mình ăn, mặc, và ngủ. Chỉ cần như vậy là đủ rồi. Và đừng nên có cái niệm thứ hai. Hãy nhất tâm!".

Kinh Hoa Nghiêm đặc biệt chỉ dạy Bồ tát không tham cầu.

Bồ tát chỉ bền giữ tịnh giới. Bồ tát chẳng cầu oai-thế, chẳng cầu chủng-tộc địa vị cao sang, chẳng cầu giàu có, chẳng cầu sắc-tướng, chẳng cầu ngôi vua, tất cả đều không nhiễm trước.
"Phẩm Thập Hạnh"

Bồ tát này làm đại-thí-chủ, phàm có vật gì đều bố-thí được cả, lòng bình-đẳng không hề hối tiếc, chẳng trông quả báo, chẳng cầu tiếng tăm, chẳng tham lợi lộc.
"Phẩm Thập Hạnh"

Thông điệp trên thật quá rõ ràng, không hiểu sao lại không kết nối được với phần sâu thẳm nhất trong trái tim con. Con đã tưởng mình kiểm soát được lòng tham. Thực ra, con lại bị lòng tham khống chế.

Tuần trước chúng con có nói chuyện với Chùa Kim Sơn qua điện thoại. Thầy Hằng Triều cho văn phòng Chùa biết về lộ trình mới của chúng và con dịch lại câu chuyện đã xảy ra với chúng con vào sáng hôm đó. Thật quá vui mừng khi gần về đến nhà. Nhưng trở lại con đường để lễ lạy, đột nhiên con thấy bồn chồn và lo lắng. Tại sao? Con nghĩ "Chà, mình đã làm việc này gần hai năm và mình đã có cái gì để biểu lộ sự thành tựu thật sự ? Mình có thay đổi chút nào không?"

Tóm lại, con đã tìm cầu trong Phật pháp. Nhưng vì đối tượng mà con tìm kiếm là trí huệ giác ngộ và từ bi nên con đã cho phép ý nghĩ của mình trụ vào, cảm thấy đó là "mong muốn thanh tịnh". Con tự quán chiếu càng lâu thì phiền não tăng trưởng càng sâu.

Sau đó con hiểu được bài học của con. Có ba cậu bé đi ngang qua con trên đường Monterey khi chúng con lạy lên đồi dưới mưa. Lúc đi ngang qua, mấy cậu bé rạng rỡ và tươi cười. Nhưng vừa trông thấy khuôn mặt con, cả ba lập tức mất đi sự rạng rỡ. Những nụ cười biến thành những vẻ buồn bã và đầy lo lắng. Con nhìn thấy sự cố gắng gượng gạo của mình, sự tham cầu của mình được phản chiếu qua đôi mắt của chúng. Con hoàn toàn khiến chúng thất vọng. Khuôn mặt của chúng lặng lẽ nói lên rằng "Này, người này chẳng có gì đặc biệt. Cho dầu ông ta là một tu sĩ, nhưng ông ta cũng không hạnh phúc như những người khác. Ông ta đang tìm điều gì đó và chưa thấy. Thật đáng thất vọng! Ông ta là ai chứ? Một Phật tử? Xì!

Con thật hổ thẹn. Sự mong cầu kết quả tu hành của con đã làm tổn thương ba đứa nhỏ và có lẽ đã khiến chúng quay mặt đi với Phật Pháp. 

Không mong cầu sẽ không lo nghĩ.

Thực hiện một việc thánh thiện để đạt điều gì đó sẽ làm ô nhiễm sự thanh tịnh tột cùng của các Pháp. Nếu cầu giác ngộ vì đó là điều lợi tốt nhất thì chuyện đó sẽ không xảy đến. Việc muốn có kết quả lại ngăn cản chúng. Con nhận ra rằng chướng ngại khổng lồ mà con mang trên đỉnh đầu chỉ là bản ngã, cái tôi, sự cầu lợi. Con buông xả chúng ra và đột nhiên cảm thấy như một đám mây đen khổng lồ được nhấc ra khỏi đôi vai con. Con làm điều này không vì bản thân mình, con sẽ thả lỏng và sẽ đón nhận khi nó đến. Trong Kinh nói:

Khi công phu đầy đủ,
Thành tựu đến tự nhiên.
Chẳng vì thân mình cầu lợi ích
Muốn khiến tất cả đều an vui.
Chưa từng tạm khởi tâm hí luận,
Chỉ quán các pháp không vô ngã.
"Kinh Hoa Nghiêm - Phẩm Thập Hồi Hướng"

Thay vì khởi vọng tưởng về tự lợi, sẽ tốt hơn biết bao nếu đem nguồn năng lượng này tin tưởng dùng vào phương pháp thực hành. Thật là một chân lý dễ hiểu và thật lâu biết bao để con có thể thấy được điều đó.


16 January, 2012

January 17

Buổi sáng hôm nay bỗng dưng có cơn mưa nhỏ lặng lẽ đi qua Sài Gòn. Đem 2 cái cây nhỏ ra lan can cho tắm mưa, tôi pha bình trà Ô Long thế vào ly cà phê đã cạn. Cho bữa ăn sáng, tôi chiên nửa cái bánh chưng còn lại từ hôm qua.

Bên Mỹ, bây giờ đã qua mùa lễ hội. Trong khi ấy, mọi người ở đây đang chuẩn bị đón tết Nhâm Thìn, sau khi cúng tiễn đưa ông Táo về trời đêm hôm qua. Nghe nhiều người nói đón tết năm nay không tưng bừng như những năm trước. Tôi nghe vậy biết vậy! Ở ngoại quốc, đón tết cũng nhàn nhạt làm sao ấy. Hôm kia, Nghi và tôi đi chơi với nhau cả buổi ở quận 1, lang thang xem những "ông đồ" trưng bầy tác phẩm thư pháp. Phân nửa số những ông đồ này là những sinh viên trường mỹ thuật thành phố. Chúng tôi đi bên nhau từ rạp ciné ở thương xá Parkson, đến hàng quán bên lề đường, và ăn tối ở nhà hàng Đại Hàn cùng em Nghi và cô bạn gái của cô ấy. Nàng kể chuyện cho tôi nghe về huyền thoại Lý Thường Kiệt (Ngàn năm tình sử - tác giả Nguyễn Quang Lập, đạo diễn Thành Lộc)
, về những tư tưởng Thành Lộc trả lời bài phỏng vấn của nhà báo, về những cơn mưa mùa nắng trong đời nàng. Và qua ngày hôm sau, tức là ngày hôm qua, nàng chia xẻ tiếp quãng đời của nàng từ năm 2004. Qua nhiều sự kiện của biến cố trong đời chúng tôi, chỉ có một kết luận. Đó là: Chúng tôi gặp nhau để hoàn thiện phần đời còn lại của nhau.

Ngẫm nghĩ thấy mình quá may mắn vì có nhiều thời gian để chăm chút đời sống. Thời tiết hôm nay thật lý tưởng để trùm chăn đọc sách và nhâm nhi cà phê.

14 January, 2012

Anh Thy, Sài Gòn, và tôi

Chiều ngày 12, tôi lấy taxi đi đón Anh Thy, con gái của dì Vân và dượng Thủy, từ Thái Lan ghé vào Sài Gòn thăm tôi. Đường quá đông vào giờ tan sở, tôi đến phi trường trễ 15 phút. Mua ly cà phê sữa đá nhâm nhi trong lúc chờ đợi, tôi được ngắm những nụ cười và những đôi mắt ngấn lệ của nhân sinh.

Chuyến bay bị trễ, và thủ tục giấy tờ, nên mãi đến gần 7 giờ tối mới gặp được em, cho dù lịch trình máy bay đã dự tính đáp xuống phi trường lúc 5 giờ 30 chiều. Chúng tôi lên taxi đến nhà Thanh (con gái của cậu Thuyết) và Vinh để cùng nhau ăn bữa cơm thân mật không khí gia đình. Bữa cơm có gà ta luộc chấm nước mắm gừng, đậu phụ chiên chấm mắm tôm chanh, bánh chưng dưa chua và dưa món, canh rau đay mồng tơi cà pháo, và sau đó là đĩa mít để tráng miệng. Đưa em về nhà nghỉ ngơi khoảng 10 giờ 30 tối. Em mệt, vệ sinh xong là chào "goodnight"!

2.
January 13

Hai anh em lấy taxi đến hẻm 18A, Nguyễn thị Minh Khai, để ăn phở. Quán phở mà tôi đã từng ngồi mỗi buổi sáng tháng 10. Thấy em ăn ngon miệng, và khen phở ngon, tôi vui mừng vì có người cùng khẩu vị. Chúng tôi tản bộ qua đường Mạc Đĩnh Chi, Lê Duẫn và sau đó ghé quán cà phê Hàn Thuyên đối diện với công viên Thống Nhất. Ở đó, em có thể thưởng thức nét tương phản ở Sài Gòn, vì bên kia đường ly cà phê vỉa hè chỉ có 8 ngàn, trong khi đó bên này đường có ghế có bàn, là 45 ngàn. Trong câu chuyện đời sống, chúng tôi dần dà tiết lộ thêm nhiều chi tiết riêng tư để chia xẻ nhân sinh quan cá nhân. Sau đó, chúng tôi tản bộ đường Đồng Khởi, đi qua Nhà Hát Thành Phố, vào đường Nguyễn Huệ, ghé vào Sun Wah Tower để em rút tiền xài vặt, và cũng để em được thấy không gian của những người làm việc văn phòng, và vài nét chấm phá của khách ngoại quốc. Em đãi tôi ly sinh tố bơ, còn em thưởng thức kem dừa, sau đó chúng tôi bước qua bên kia đường vào tiệm sách Nguyễn Huệ. Tôi mua được quyển sách mà Vị, bạn tôi, đã từng ao ước được đọc.

Bọc lại đường Lê Lợi, chúng tôi tản bộ đến tiệm trà Tâm Châu, trên đường Trần Hưng Đạo. Mua trà và cà phê xong, chúng tôi đi bộ qua Chợ Bến Thành ăn chè. Em ăn cho 2 ly, và sau đó, chúng tôi lấy taxi trở lại hẻm 18A, ăn trưa với bát canh bánh đa cua đồng. Về đến nhà, pha trà nghỉ ngơi được nửa tiếng, tôi và em đi đánh bi da ở nơi mỗi buổi sáng tôi thường ghé vào "exercise"! Hì!

Buổi tối Nghi ghé đến quán Cục Gạch ăn tối cùng tôi và em. Em được thưởng thức món cá bống kho tộ, hoa thiên lý xào thịt bò, và canh nghêu nấu thì là. Nghi và em trao đổi những nụ cười và tâm cảm vì tuổi tác cũng khá gần nhau. Sau bữa cơm, Nghi về nhà để giúp mẹ nàng chuẩn bị chuyến đi về Nha Trang, tôi đưa em đến Cà phê Sonate, uống cà phê và nghe nhạc hòa tấu đến gần 10 giờ đêm.


3.
January 14

Thanh và 2 cháu gái sinh đôi - Vân và Vi, cùng chúng tôi đi ăn sáng ở bánh cuốn Tây Hồ trên đường Phan Xích Long. Sau đó, chúng tôi chia tay, Thanh và em đến chùa Vĩnh Nghiêm để em biết nơi để những hũ cốt của người thân quá cố. Tôi dẫn hai đứa cháu bé nhí nha nhí nhảnh đi ăn kem ở Bud's Ice Cream, và trà sữa. 2 cô bé sinh đôi cá tính chẳng giống nhau lắm, bị tôi ghẹo như tôi đã từng làm với 3 đứa con gái của mình. Gần trưa, nắng gắt dần, chúng tôi đi bộ về nhà, và hình như tôi bị say nắng, nên hơi buồn ngủ.

Em đã mua được bộ quần áo mầu lam làm quà cho dượng tôi là bố của em. Vân và Vi vào phòng ngủ xem phim Doreamon, loạt phim hoạt họa cho con nít của Nhật. Thanh, tôi và em ngồi nói chuyện vu vơ chờ Nga, con gái lớn của Thanh tan sở về nhà. Chúng tôi lấy taxi đi ăn trưa ở quán 54a đặc sản cua bể. Chúng tôi thưởng thức miến cua xào, bánh canh cua, chả giò cua, cơm chiên cua thật ngon miệng. Sau đó về nhà, tôi đưa tiền cho Nga nhờ cháu đưa em đi gội đầu, là một dịch vụ khá phổ thông ở Sài Gòn. Ở đấy, khách hàng được gội đầu, mát xa mặt và đầu trong thời gian khoảng một tiếng đến một tiếng rưỡi. Thanh nghỉ ngơi cùng hai cháu gái, tôi lăn ra ngủ được một tiếng đồng hồ.

Chúng tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất để đưa em ra máy bay trở về Thái Lan để ngày hôm sau em lấy chuyến bay trở lại Hoa Kỳ. Sau khi check in, em còn được nửa tiếng ngồi uống nước cùng tôi, Thanh và Vinh. Vinh và tôi pha trò giỡn cùng nhau để tiễn em lên máy bay. Đến giờ boarding, tôi hug em và dặn dò nhắn tin cho tôi hay khi đã trở lại Mỹ. Thấy mắt em đỏ hoe, và em bước đi không ngoái lại để dằn xuống niềm súc động trong em, tôi thương em quá. Ngày em còn đỏ hỏn được đón về nhà, tôi đã được chứng kiến, đến bây giờ sau gần 34 năm, biết bao là thăng trầm trong đời em lẫn trong đời tôi, ngày hôm nay chúng tôi mới đón nhận được tâm cảm gần gũi đầy cảm thông của nhau.


4.
January 15

Sáng hôm nay thức giấc, ra ngoài lan can uống cà phê, tôi vẫn nhớ đến em và kỷ niệm còn tươi.



12 January, 2012

Hành Trình Tự Tại của Tình Yêu và Tự Do

Nếu mọi người chung quanh bạn không hạnh phúc, bạn sẽ không cảm thấy hạnh phúc đâu, bởi vì con người không phải là một hải đảo hoang vu.  Con người là một phần thể của đại dương mênh mông kia.  Nếu bạn muốn sung sướng hạnh phúc, bạn sẽ và cần phải giúp người khác chung quanh bạn được hạnh phúc.  Và rồi - chỉ khi đó, bạn mới có hạnh phúc. (Osho - Trang 3 - Hành Trình Tự Tại của Tình Yêu và Tự Do)


11 January, 2012

tình yêu

Lạc Long Quân và Âu Cơ, theo truyền thuyết họ cùng nhau có 100 đứa con, thật sự họ có yêu nhau không? 

Chắc chắn là không!

Vì sao?

Vì họ chưa hề cùng nhau trải qua hoạn nạn lo lắng cho nhau. Tình cảm của họ chưa được thử thách bằng giông tố. Đời sống họ quá đầy đủ tiện nghi. Dưới tay họ bao nhiêu là lính là quan, cần gì họ chỉ ho lên một tiếng, chau đôi mày là mọi chuyện sẽ được giải quyết rất ổn theo ý họ. Họ là thần nên tử thần cũng không có cơ hội để thử thách.

Hohoho ...

Vì thế...

Vì thế... 50 con ra biển và 50 con ở lại bên triền núi chênh vênh.

Thời đại này, nếu bạn và người yêu có cơ hội trải qua hoạn nạn khốn khổ cùng nhau (không phải khổ nhau) bạn hãy vui nhé! 

Kinh qua điểm mù này của cuộc đời cũng chưa đảm bảo bạn sẽ nghiệm được tình yêu, nhưng đó là cơ hội rất tốt để bạn nhìn rõ con đường của bạn hơn.
   
Voilà!



06 January, 2012

07.01.2012

Kiểm nghiệm ATVSTP các tỉnh phía nam của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, cho kết quả:

Hơn 58,6% các mẫu thịt và sản phẩm từ thịt được kiểm nghiệm không đạt chỉ tiêu ATVSTP.

Trong đó, tại TP.HCM, gần 89% mẫu thịt heo được kiểm nghiệm có chứa vi khuẩn E.coli (loại vi khuẩn gây bệnh cơ hội và là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy - PV) và tụ cầu vàng S.aureus (gây nhiễm khuẩn); 83,3% mẫu chà bông có chứa vi khuẩn E.coli, đường hóa học cyclamate.

Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre: 100% các mẫu thịt heo được kiểm nghiệm đều phát hiện vi khuẩn E.coli và tụ cầu vàng S.aureus.

Một số thực phẩm chế biến phục vụ cho Tết tại TP.HCM: 80% mẫu lạp xưởng sử dụng phẩm màu vượt mức cho phép, nhiễm độc chì và các chỉ tiêu vi sinh khác; 76,67% mẫu xúc xích thanh trùng, jambon có vi khuẩn E.coli, S.aureus, chì; 20/21 (95,24%) mẫu chả lụa chứa hàn the, chì và một số phụ gia vượt chỉ tiêu cho phép của Bộ Y tế…

Gần 61% sản phẩm bia, rượu được kiểm nghiệm có hàm lượng aldehyde, mentanol, ethanol, độ a-xít vượt quá quy định.

Hơn 91% mẫu rau được kiểm nghiệm bị phát hiện có chất tẩy trắng, vi khuẩn E.coli, natri benzoate…




2.

Các loại hương liệu, nguyên liệu cam, dâu, ổi, xoài… thứ gì cũng có. Loại dạng bột giá từ 40.000 - 60.000đ, còn dạng nước thì khoảng trên dưới 100.000 đ/lít. Mà với chừng đó tiền người kinh doanh cũng có thể “hô biến” thành hàng trăm ly NETC để bán cho khách hàng với giá “cắt cổ”, trong khi khách hàng đâu có hay mình đang bị lừa. Ngay cả Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng âu lo rằng: “Người tiêu dùng rất khó có thể phát hiện các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm có hại trong các sản phẩm mình dùng”.


3.





4.

Cộng thêm những rủi ro tai nạn lưu thông, bạn có thấy mạng sống con người ở Sài Gòn quá mong manh?

Ở đây, bạn có thể thấy đủ màu sắc của nhân sinh trên từng góc hẻm góc phố. Những nồng nàn vội vàng trao nhau, đến những cạm bẫy tân toan cuộc sinh tồn. 

Đó là lý do tại sao tôi vẫn yêu Sài Gòn? Hohoho...

04 January, 2012

Alison Gopnik: Trẻ con nghĩ gì?



Điều gì đang diễn ra trong suy nghĩ của đứa trẻ này? Nếu bạn hỏi mọi người điều này ba mươi năm trước, đa số họ, bao gồm cả những nhà tâm lý học, sẽ nói rằng đứa trẻ này khác thường, thiếu lô-gic, tự kỉ -- rằng bé không nhận thức được người khác hay hiểu về nguyên nhân và ảnh hưởng. Trong hai mươi năm gần đây, khoa học tiến bộ đã hoàn toàn bác bỏ tình cảnh đó. Theo cách nào đó, chúng ta cho rằng suy nghĩ của đứa trẻ này giống như những nhà khoa học thông minh nhất.

Hãy để tôi cho các bạn thấy một ví dụ cụ thể. Có một điều em bé này có thể đang nghĩ về, trong tâm trí của đứa trẻ ấy, đó là cố gắng hình dung ra điều gì đang ở trong suy nghĩ của một đứa trẻ khác. Cuối cùng, một trong những điều khó nhất mà chúng ta phải làm là tìm ra điều mà người khác đang nghĩ hay cảm nhận. Và có lẽ điều buồn nhất đó là tìm ra điều mà người khác nghĩ và cảm nhận thực sự không chính xác như những gì chúng ta nghĩ và cảm nhận. Bất cứ ai theo đuổi chính trị có thể làm chứng việc đó khó thực hiện như thế nào đối với vài người. Chúng ta muốn biết liệu em bé và trẻ nhỏ có thể hiểu được thực sự được những điều sâu sắc về người khác không. Và giờ câu hỏi là: Làm sao chúng ta có thể hỏi chúng? Tất cả những em bé đều không thể nói chuyện, và nếu bạn bảo một bé ba tuổi kể cho bạn nghe bé nghĩ gì, bạn sẽ nhận được một màn độc thoại của ý thức về những con ngựa non, sinh nhật, và những thứ tương tự như thế. Vậy làm thế nào chúng ta đặt ra câu hỏi cho chúng?

Bí mật té ra lại là bông cải xanh. Những điều chúng tôi làm -- Betty Rapacholi, một trong những học trò của tôi, và cả tôi -- thực ra là đưa cho trẻ con hai bát thức ăn: một bát là bông cải xanh tươi và bát kia là bánh quy cá vàng đầy hấp dẫn. Tất cả trẻ con, ngay cả ở Berkley, đều mê bánh quy, và không thích bông cải xanh tươi. (Tiếng cười) Điều mà Betty làm là trộn một ít vị thức ăn từ mỗi bát Và cô ấy sẽ tỏ ra như mình thích nó hoặc ghét nó. Một nửa khoảng thời gian, cô tỏ ra là mình thích bánh quy và không thích bông cải tươi -- giống như trẻ con hay bất kì một người bình thường. Một nửa thời gian khác, cô nếm một ít bông cải tươi và nói, "Mmmmm, bông cải xanh. Cô vừa nếm thử nó xong. Mmmmm" Và rồi, cô nhấm nháp một ít bánh quy, và nói, "Eo ôi, bánh quy kinh quá. Cô vừa nếm thử bánh quy. Thật kinh khủng." Lần này, cô tỏ ra như việc cô ấy muốn là đối lập lại với những gì trẻ con muốn. Chúng tôi làm thí nghiệm này với những trẻ 15 và 18 tháng tuổi. Rồi cô ấy xoè tay ra và nói, "Cháu có thể cho cô xin thêm một ít thức ăn nữa không?"

Câu hỏi ở đây là: đứa trẻ sẽ đưa cho cô thứ gì, thứ mà chúng thích hay thứ cô thích? Và điều kì diệu là, những trẻ 18 tháng tuổi, chỉ đi dạo và nói chuyện, đưa cho cô bánh quy nếu cô thích chúng, và đưa bông cải xanh nếu cô thích nó. Ngược lại, những đứa trẻ 15 tháng tuổi nhìn cô chằm chằm khá lâu để xem liệu cô có giả vờ thích bông cải xanh hay không, như thể chúng không thể phân biệt rành rọt được. Sau khi quan sát một hồi lâu, chúng đưa cho cô bánh quy, thứ chúng nghĩ ai ai cũng thích ăn. Vậy là, có hai điều thực sự đáng chú ý trong chuyện này. Điều đầu tiên là, những đứa trẻ 18 tháng tuổi đã nhận ra rằng sự thực sâu xa về bản chất con người đó là chúng ta không có cùng một mong muốn. Chúng thấy rằng chúng thực sự phải giúp những người khác có được thứ họ muốn.

Và điều đáng nói hơn đó là trên thực tế, những đứa trẻ 15 tháng tuổi không làm điều này giả định rằng những đứa trẻ 18 tháng tuổi đã nhận ra sự thực sâu sắc về bản chất loài người này trong vòng ba tháng từ khi chúng còn 15 tháng tuổi. Trẻ con biết nhiều hơn và học nhiều hơn những gì chúng ta từng nghĩ. Và đây chỉ là một trong số hàng trăm nghiên cứu trong vòng 20 năm gần đây thực sự chỉ ra điều đó.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao trẻ con lại học được nhiều như thế? Và tại sao chúng có thể tiếp thu được nhiều thứ trong một khoảng thời gian quá ngắn như vậy? Ý tôi là, sau cùng, nếu bạn nhìn nhận trẻ con một cách hời hợt, thì chúng chỉ là những người vô dụng. Trên thực tế, theo nhiều cách, chúng còn tệ hơn là vô dụng, bởi chúng ta phải tốn quá nhiều thời gian và công sức giúp chúng sống sót. Nhưng nếu chúng ta mở rộng câu trả lời cho vấn đề này rằng tại sao chúng ta lại dành quá nhiều thời gian chăm sóc những đứa trẻ vô dụng này, thì hoá ra đó lại là một câu trả lời thực sự. Nếu chúng ta quan sát nhiều, rất nhiều loại động vật khác nhau, không chỉ động vật linh trưởng, mà còn bao gồm cả động vật có vú, chim, cả thú có túi như căng-gu-ru và gấu túi, té ra, có một mối quan hệ giữa độ dài quãng thời thơ ấu của một loài và não của chúng to đến mức nào so với cơ thể chúng và chúng thông minh, khéo léo đến mức nào.

Một loài posterbird cho ý tưởng này là những con chim trên kia. Một mặt là đám New Caledonia. Đám quạ, quạ, vvv..., những loài rất thông minh. Về vài mặt, chúng thông minh như những con tinh tinh. Và đây, một con chim đại diện cho khoa học học được cách dùng công cụ để tìm thức ăn. Mặt khác, chúng ta có người bạn là loài gà công nghiệp. Gà, vịt, ngỗng, và gà tây về căn bản đều dốt. Chúng thực sự rất rất giỏi tìm thóc, ngoài việc đó ra thì chúng chẳng làm được gì nữa cả. Té ra, những con chim New Caledonia non còn đang lớn. Chúng dựa dẫm vào mẹ mớm sâu vào những cái miệng bé nhỏ đang mở trong vòng gần hai năm, một khoảng thời gian khá dài trong cuộc đời của một con chim. Trong khi loài gà thì lại khá cứng cáp trong vòng một vài tháng. Khoảng thời gian thơ ấu là lý do giải thích tại sao loài quạ lại được ở trang bìa của Khoa học và loài gà lại kết thúc đời mình trong nồi súp.

Có một điều về thời thơ ấu dài đó nghe có vẻ có liên quan tới kiến thức và việc học. Chúng ta nên giải thích điều này bằng cách nào? Một số loài động vật, như gà, có vẻ như hoàn toàn hợp với việc chỉ làm một thứ khá tốt. Chúng tỏ ra khá thành thạo ở việc bới thóc trong một môi trường. Những loài khác, như quạ, thì lại không làm được điều gì tử tế cụ thể, nhưng lại học luật của các môi trường khác nhau khá giỏi.

Và dĩ nhiên, chúng ta, loài người, ở vị trí còn xa hơn quạ. Chúng ta sở hữu bộ não tương quan với cơ thể mình lớn hơn bất kì loài vật nào. Chúng ta thông minh hơn, khéo léo hơn, học được nhiều hơn, sống sót trong nhiều môi trường khác nhau hơn, chúng ta di cư bao phủ toàn bộ thế giới và thậm chí ra cả ngoài vũ trụ. Những đứa trẻ, con cháu phụ thuộc vào chúng ta lâu hơn những sinh vật non của các loài khác. Con trai tôi 23 tuổi. (Tiếng cười) Ít nhất là cho tới khi chúng 23 tuổi, chúng tôi vẫn phải mớm mồi cho những cái mỏ há mồm đó.

Tai sao chúng ta nhận ra tương quan này? Có một lí do, đó là chiến lược học đó, thực sự là một cách hiệu quả, tuyệt vời để sống trên thế giới, nhưng nó có một nhược điểm lớn. Nhược điểm đó là, cho tới khi bạn thực sự áp dụng tất cả những điều được học đó, bạn sẽ vẫn chỉ là kẻ bất lực. Bạn không muốn loài voi răng mấu đuổi theo mình và nói với bản thân, "Súng cao su hay một ngọn giáo chắc sẽ có tác dụng. Nhưng cái nào thực sự tốt hơn?" Bạn muốn biết tất cả những điều đó trước khi loài voi răng mấu thực sự xuất hiện. Cách những tiến hoá xem ra đã giải quyết được vấn đề đó là đi kèm với việc phân công lao động. Ý tưởng đó là, chúng ta đều có giai đoạn tuổi thơ được bảo vệ tuyệt đối. Chúng ta không phải làm gì cả. Tất cả những gì phải làm chỉ là học. Và khi trưởng thành, chúng ta vận dụng những thứ đã học được khi còn bé biến chúng thành hiện thực, đưa chúng ra thế giới.

Có một cách nghĩ về vấn đề này đó là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giống như sự phân chia nghiên cứu và phát triển của loài người. Chúng là những đứa trẻ trời cho, được bảo vệ, chỉ việc ra ngoài học và có những ý tưởng tốt, còn chúng ta là nhà sản xuất và tiếp thị. Chúng ta phải đưa tất cả những ý tưởng ấy những điều đã được học khi còn nhỏ vận dụng chúng vào thực tế. Một hướng tư duy khác về vấn đề này đó là thay vì việc nghĩ về trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thể những cá thể lớn khiếm khuyết, chúng ta nên nghĩ về chúng như một giai đoạn phát triển khác trong cùng một giống loài -- đại loại như sâu bướm và bướm -- ngoại trừ việc chúng thực sự là những con bướm sặc sỡ lượn quanh khu vườn và tìm thức ăn, chúng là sâu bướm những sinh vật nhỏ đang dần đi tới ngưỡng cửa của sự trưởng thành.

Nếu điều này đúng, nếu những đứa trẻ đó được sinh ra để học -- câu chuyện về tiến hoá này sẽ nói lên rằng trẻ con sinh ra để học, đó là điều chúng phải làm -- chúng ta mường tượng rằng chúng sẽ là những cơ cấu học tập hiệu quả. Trên thực tế, não bộ của trẻ em là chiếc máy tính học tuyệt vời nhất trên thế giới. Nhưng những cỗ máy thực sự thì tốt hơn rất nhiều. Và gần đây, có một cuộc cách mạng trong suy nghĩ về việc học một cách máy móc. Tất cả là nhờ vào suy nghĩ của người đàn ông này, Reverend Thomas Bayes, một nhà thống kê và toán học của thế kỷ 18. Và điều Bayes thực sự làm đó là tạo ra cách máy móc, sử dụng lí thuyết xác suất để phác hoạ, miêu tả, cách các nhà khoa học nghiên cứu về thế giới. Điều các nhà khoa học làm đó là họ có một giả thuyết mà họ nghĩ có khả năng bắt tay vào thực hiện. Họ thử nghiệm đi ngược lại bằng chứng. Bằng chứng khiến họ thay đổi giả thuyết. Rồi họ thử nghiệm giả thuyết mới đó và cứ thế lặp đi lặp lại. Điều mà Bayes chỉ ra đó là một cách máy móc, chúng ta có thể thực hiện được. Và toán học là cốt lõi của những chương trình học trên máy mà chúng ta có hiện nay. Và 10 năm trước, tôi giả định rằng trẻ con cũng có thể làm được điều tương tự như vậy.

Nếu bạn muốn biết điều gì đang diễn ra đằng sau những đôi mắt nâu đẹp đẽ kia, tôi nghĩ nó thực ra trông giống như thế này. Đây là sổ của Reverend Bayes. Tôi nghĩ những đứa trẻ đó thực sự đang làm những phép tính phức tạp với những xác suất điều kiện mà chúng đang xem xét lại để tìm ra cách thế giới vận hành. Bây giờ điều đó có vẻ như ở tầm với quá cao để thực sự chứng minh. Bởi sau cùng, nếu bạn hỏi những người trưởng thành về thống kê, họ trông thực sự rất ngu ngốc. Vậy tại sao trẻ con lại có thể làm những phép thống kê được chứ?

Để kiểm tra điều này, chúng tôi dùng một cỗ máy được gọi là Blicket Detector. Đây là một cái hộp phát ra ánh sáng và nhạc khi bạn đặt một số thứ trên cái hộp ấy mà không phải những thứ khác. Cách sử dụng cỗ máy này rất đơn giản, phòng thí nghiệm của tôi và các nơi khác đã thực hiện hàng tá những cuộc nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ học về thế giới tốt như thế nào. Hãy để tôi đưa ra một trường hợp chúng tôi thử nghiệm với Tumar Kushner, một học sinh của tôi. Nếu tôi đưa cho bạn chiếc máy dò này, có lẽ bạn sẽ bắt đầu nghĩ về cách khiến nó chạy sẽ là đặt một khối trên chiếc máy dò. Thực tế, chiếc máy dò này hoạt động theo cách hoàn toàn khác. Bởi nếu bạn để một khối trên chiếc máy dò đó, bạn không thể nghĩ có thể bắt đầu, nó sẽ thực sự kích hoạt nhanh hai trong số ba lần. Trong khi đó, nếu bạn thực hiện điều tương tự, đặt khối đó trên chiếc máy, nó sẽ chỉ kích hoạt hai trên sáu lần, Vậy giả thuyết ít khả quan thực sự có bằng chứng thuyết phục hơn. Nó giống như thể sóng là một phương pháp hữu hiệu hơn những phương pháp khác. Chúng ta thực hiện nó; chỉ cho những đứa trẻ bốn tuổi bằng chứng này, và yêu cầu chúng khiến chiếc máy hoạt động. Và như chắc chắn, những đứa trẻ đó vận dụng bằng chứng ấy để đặt vật lên trên chiếc máy dò.

Có hai điều thực sự thú vị ở đây. Điều đầu tiên đó là, tôi nhắc lại, hãy nhớ rằng, đây là những đứa trẻ bốn tuổi. Chúng mới chỉ học đếm. Nhưng theo một cách vô thức, chúng đang làm các phép tính quá phức tạp khiến chúng phải đo đếm xác suất điều kiện. Và điều thú vị còn lại đó là chúng vận dụng bằng chứng đó để đưa ra một ý tưởng, một giả thuyết về thế giới, điều nghe chừng không thể bắt đầu. Và trong các nghiên cứu chúng tôi thực hiện ở phòng thí nghiệm, những nghiên cứu tương tự, chúng tôi chỉ ra rằng những đứa trẻ bốn tuổi thực sự rất giỏi trong việc chỉ ra một giả thuyết khó xảy ra hơn người lớn khi chúng ta đưa cho họ cùng một nhiệm vụ. Vậy trong những trường hợp này, trẻ con sử dụng thống kê để tìm hiểu về thế giới, nhưng sau cùng, các nhà khoa học cũng tiến hành các thí nghiệm, và chúng ta muốn biết liệu trẻ con có thực sự làm thí nghiệm hay không. Khi trẻ con làm thí nghiệm, chúng ta gọi đó là "chĩa mũi vào mọi chuyện" hay "nghịch ngợm."

Gần đây, có một loạt những nghiên cứu thú vị chỉ ra rằng cái gọi là nghịch ngợm này thực ra lại là một loại chương trình thí nghiệm dựa trên kinh nghiệm. Đây là từ phòng thí nghiệm của Cristine Legare. Điều mà Cristine làm đó là sử dụng những cỗ máy dò Blicket. Và điều cô ấy làm là cho trẻ con thấy những thứ màu vàng sẽ giúp máy di chuyển, còn những thứ màu đỏ thì không, và cô chỉ cho chúng sự bất quy tắc. Những gì bạn thấy sau đây đó là cậu bé này vượt qua năm giả thuyết trong vòng hai phút.

(Video) Cậu bé: Thế còn mặt này? Giống như cái kia.

Alison Gopnik: Uhm, vậy giả thuyết đầu tiên của cậu bé đã bị giả mạo.

(Tiếng cười)

Cậu bé: Mặt này sáng, mặt này thì chẳng có gì cả.

AG: Được rồi, cháu đã vượt qua cuốn sổ thí nghiệm này.

Cậu bé: Thứ gì làm cho nó sáng lên. (Tiếng cười) Cháu không biết.

AG: Mỗi nhà khoa học sẽ nhận ra biểu hiện của sự thất vọng đó.

(Tiếng cười)

Cậu bé: Ồ, đó là bởi điều này cần phải như vậy, và điệu này cần phải như vậy.

AG: Thôi được, giả thuyết thứ hai.

Cậu bé: đó là lý do. Ồ

(Tiếng cười)

AG: Bây giờ là ý tưởng tiếp theo của cậu bé. Cậu bé nói với nhà thí nghiệm làm điều này, cố gắng đặt nó ở một nơi khác. Vẫn không hoạt động.

Cậu bé: Ồ, đó là vì ánh sáng chỉ tới được đến đây, chứ không phải chỗ này. Đấy, đáy cái hộp này có chứa điện, nhưng cái này không có điện.

AG: Được rồi, đó là giả thuyết thứ tư.

Cậu bé: Nó đang sáng lên. Khi bạn đặt bốn cái. Bạn đặt bốn chiếc hộp trên đó và làm nó sáng lên hai chiếc này và làm nó sáng lên.

AG: Được rồi, đó là giả thuyết thứ năm.

Đây là một cậu bé rất -- vô cùng đáng ngưỡng mộ và thông minh, nhưng điều mà Cristine phát hiện ra đó là điều này rất phổ biến. Nếu bạn nhìn cách trẻ con chơi đùa, bạn yêu cầu chúng giải thích một điều gì đó, điều chúng thực sự làm đó là tiến hành một loạt các thí nghiệm. Đây thực sự là điều khá điển hình với những đứa trẻ bốn tuổi.

Vâng, cảm giác khi là sinh vật này là gì vậy? Trở thành con bướm với khả năng kiểm chứng năm giả thuyết trong vòng hai phút có cảm giác như thế nào? Nếu quay trở lại với những nhà tâm lí học và triết gia kia, rất nhiều người trong số họ nói rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hầu như không ý thức được việc chúng có ý thức hay không. Tôi nghĩ điều ngược lại là đúng. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thực ra có ý thức hơn người lớn chúng ta. Đây là điều chúng ta biết về cách vận hành ý thức của người lớn. Sự chú ý và ý thức của người lớn giống như một đốm sáng. Điều xảy đến với người lớn đó là chúng ta quyết định điều gì là có liên quan hay quan trọng, chúng ta thường để tâm đến nó. Ý thức về việc mà chúng ta để ý trở nên cực kì sáng lạn và nổi bật, còn mọi thứ khác thì tối đen đi. Chúng ta còn biết cách bộ não tiến hành việc này.

Những gì xảy ra khi chúng ta chú tâm đó là vỏ não trước, trung khu điều hành của bộ não, gửi tín hiệu khiến não chúng ta trở nên linh hoạt đôi chút, dẻo dai hơn, học tốt hơn, và chấm dứt hoạt động ở phần còn lại của bộ não. Chúng ta có một sự chú ý rất tập trung, có mục đích. Nếu quan sát trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chúng ta thấy điều hoàn toàn khác. Theo tôi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dường như giống như một chiếc đèn ý thức hơn là một đốm sáng ý thức. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ quá tồi trong việc tập trung vào một thứ. Nhưng chúng lại giỏi tiếp nhận nhiều thông tin từ nhiều nguồn khác nhau cùng một lúc. Nếu quan sát não chúng, bạn nhận ra rằng chúng chứa đầy những chất dẫn truyền thần kinh chất thúc đẩy sự học và độ dẻo dai, còn các phần ức chế chưa xuất hiện Khi ta nói trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không giỏi tập trung, ý của chúng ta là chúng rất tồi trong việc không tập trung. Chúng không giỏi trong việc loại bỏ những thứ thú vị mà có thể cho chúng biết điều gì đó và chỉ quan sát thứ quan trọng. Đó là một loại chú ý, một loại ý thức, mà chúng ta mong đợi từ những con bướm được thiết kế để học.

Nếu chúng ta muốn nghĩ cách thử thứ ý thức trẻ con này như người lớn, tôi nghĩ điều tốt nhất đó là nghĩ về các trường hợp khi chúng ta rơi vào một tình huống mà mình chưa gặp phải trước đó -- khi yêu thích một ai đó, hay khi lần đầu tiên đến một thành phố mới. Điều xảy ra không phải là sự thu nhỏ ý thức, nó mở rộng, và ba ngày ở Paris dường như đầy ý thức và trải nghiệm hơn tất cả những tháng năm đi lại, nói chuyện, tham dự họp báo như một thây ma khi ta ở nhà. Nhân tiện, loại cà phê đó, thứ cà phê tuyệt vời bạn vừa uống ở dưới tầng, thực ra là bắt chước ảnh hưởng của chất dẫn truyền thần kinh trẻ con. Vậy có cảm giác như thế nào khi là một đứa trẻ con? Giống như lần đầu say đắm Paris sau khi uống hết ba cốc double-espresso. (Tiếng cười) Đó là cảm giác tuyệt vời nhưng nó có thể khiến bạn thức dậy, khóc òa lên vào lúc ba giờ sáng.

(Tiếng cười)

Thật tuyệt khi là một người trưởng thành. Tôi không nói quá nhiều về việc trẻ con kỳ diệu ra sao. Thật tuyệt khi là một người trưởng thành. Chúng ta có thể làm những việc như thắt dây giày và tự mình đi qua đường. Và nó hoàn toàn hợp lý khi chúng ta khiến đứa trẻ nghĩ giống như người lớn. Nhưng nếu điều chúng ta muốn là được như những con bướm kia, tư duy mở, học sáng tạo, trí tưởng tượng, óc sáng tạo, cải tiến, hay ít nhất là trong một khoảng thời gian, người lớn chúng ta nên bắt đầu nghĩ như trẻ con nhiều hơn.

(Vỗ tay)

02 January, 2012

2 ngày đầu năm 2012

1.1.2012.
Không khí gia đình.

Tôi cùng mẹ nàng, nàng, và em gái đi xem tranh ở Thiên Sơn Plaza, quận 7. Phòng tranh của diễn viên Ngọc Trinh và chồng, nhà sản xuất phim người Hàn Quốc trình bày loại hình nghệ thuật trick art, còn gọi là nghệ thuật vẽ tranh 3D, vận dụng kỹ thuật cao để thể hiện những tác phẩm trông như “thật”, “đánh lừa” thị giác người xem, biến họ thành nhân vật trong tác phẩm, cảm nhận như đang trực tiếp bước vào chạm tới sự vật. (Nguồn)

Sau đó, lấy taxi về quận 1 ăn tối ở Al Fresco. Tôi chọn thức ăn của xứ Mễ Tây Cơ để giới thiệu đến mẹ nàng và em gái nàng, gồm những món đặc thù như burrito, quesadilla, fajita, rau trộn, và kem bánh táo. Đây là lần đầu tiên, mẹ nàng và cô em gái đến với hương vị Mễ Tây Cơ, mẹ nàng hơi khó đón nhận lạ lẫm này, nhưng cô em đã gác qua chuyện giữ eo, tận tình thưởng thức.

Còn đến hơn 1 tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ xem kịch, chúng tôi tản bộ đi ngắm phố đã được giăng đèn cho lễ hội. Phố xá nườm nượp người trên vỉa hè, và có những đoạn đường chen chúc những chiếc xe gắn máy inh ỏi lẫn với tiếng nhạc kích động chủ đề đón xuân. Sài Gòn mùa lễ thật đẹp với những hàng dây đèn giăng khắp lối đón khách bốn phương. 8 giờ tối, chúng tôi đến sân khấu Idecaf, trên đường Trần Cao Vân, vào xem vở hài kịch Cuộc Chiến Sui Gia. Vở kịch có vài pha vui nhộn, nhưng hơi bị dài. Nàng cảm thấy tôi cũng hơi đuối vì đã quá giờ tôi thường đi ngủ lúc 9 giờ, nên nàng cổ động mọi người về sớm. Taxi đỗ trước cửa nhà tôi lúc 10 giờ 30. Vào phòng tắm gội người xong, tôi ngủ một giấc đến sáng.

2.1.2012
Không khí bằng hữu.

Đang ngồi chờ anh Hào đến đón xuống quận 1 ăn trưa với đám bạn của Mai, thì anh Triệu Sơn, chị Lệ Thu, và đứa con trai Hoài Sơn gõ cửa phòng. Ngồi chơi bên ly trà được khoảng 15 phút, anh Hào đến nên chúng tôi chia tay. Bữa ăn trưa là ở quán Nướng Nam Bộ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở quận 1 gồm có anh Hải, anh Hào, Mai, Liên, Hương, Thảo, và một cô nữa mà tôi không nhớ tên. Ăn trưa xong, chúng tôi đi hát karaoke. Về nhà khoảng 3 giờ 30, tôi lên giường nằm nghỉ một tị, rồi đi làm một cơ bi da với Lâm.

Sau 5 giờ chiều một tị, Minh đến với món quà cưới cho tôi. Đó là cái cravat mầu rượu đỏ bordeaux bằng lụa. Uống xong ly cà phê, Minh đưa tôi về nhà ăn cơm tối. Trên đường về nhà, Minh có chở tôi đi qua trường trung học Chu Văn An xưa kia. Thấy hai hàng cây dầu, trong ký ức tôi biết đúng là con đường này đã có bóng dáng tôi đạp xe từ nhà đến trường. Vài hình ảnh chợt đến chợt đi trong tâm thức.

Kỳ trước đến nhà Minh chỉ gặp được mẹ Minh, lần này được gặp con trai Minh là Hiển, và Diệp là vợ Minh. Diệp nhìn rất phúc hậu đang đút cơm cho cụ. Mẹ Minh năm nay đã hơn 85 tuổi, yếu lắm rồi vì xương hông cụ đã vỡ nên phải nhờ vả vào con cái trong nhà. Diệp đã từng theo đuổi ban văn chương, nên câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi hầu hết là về đề tài này. Bữa cơm gia đình thân mật được kết thúc lúc 10 giờ khuya. Minh đưa tôi về. Lại thêm một ngày quá giờ ngủ, nhưng trong lòng thật ấm áp.