29 May, 2012

May 30

Hôm nay nữa là 3 ngày tôi "ở rể". Căn nhà thoáng và mát, rộng 4 mét, sâu 16 mét, gồm có tầng trệt dùng làm nhà bếp, phòng tiếp khách, phòng vệ sinh, tầng 2 và tầng 3 có 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm, và tầng sân thượng để máy giặt và nơi phơi quần áo. Mặt tiền và mặt sau căn nhà là ngõ hẻm rộng vừa đủ cho 1 chiếc xe hơi ra vào. Mẹ Nghi, em gái Nghi, mỗi người một phòng, nhường cho chúng tôi ở phòng master bedroom trên tầng 2.

Từ cửa sổ phòng ngủ, chúng tôi có thể nhìn thấy nhà hàng xóm qua tàng cây sơ ri. Từ sân thượng nhìn xuống, tôi có thể thấy phòng ngủ, phòng để ban thờ gia tiên nhà hàng xóm trước sau. Đâu đó, tiếng phát từ kênh TV của nhà này, tiếng nhạc đủ mọi thể loại từ nhà kia, tiếng nói chuyện từ nhà nọ. Lâu lâu một con chó sủa, là chó cả hàng xóm đều sủa chung. Ngày còn bé khi còn ở Sài Gòn, nhà tôi ở mặt đường; khi qua Mỹ, nhà này cách nhà kia cả khu vườn, nên đến bây giờ tôi mới được sống trong không gian "đặc thù" Sài Gòn.

Bây giờ ngoài Nghi, có thêm mẹ Nghi, và cô em gái ngoài giờ đi học lúc nào cũng sẵn sàng chạy đi mua món này món kia đem về nhà ăn chung. Mọi người chăm chút cho nhau mà chẳng cần phải nói ra. Cả ngày, tôi chẳng làm gì cả mà không hiểu sao thời gian vẫn trôi qua rất mau. Đời sống ấm áp và ổn định.

26 May, 2012

May 26

Đêm nay thức hơi khuya hơi thường lệ vì nhà hàng xóm cách 2 căn có thầy đến làm lễ cầu siêu cho mẹ của chú Ba là người xưa là ông tài xế xe ôm cho tôi trên đường Trần Kế Xương. Lang thang trên net, tìm được vài mẩu chuyện câu ca vui vui đem lên đây chia xẻ cùng với cả nhà :)


2.


Ngày xưa có một vị thầy tu hành ngồi mãi mà không nằm. Thầy trụ trì một ngôi chùa lớn. Nhiều đệ tử theo học rất đông, nhưng không ai học được cái khổ hạnh của thầy là chỉ giữ ba oai nghi: Ði, đứng, ngồi – không nằm. Mặc dù vậy, khổ hạnh của thầy cũng ảnh hưởng sâu rộng trong hàng tứ chúng khiến cho không một ai còn lòng dạ nào buông lung, biếng nhác.


Một hôm có một Sa di tới xin nhập chúng. Thầy bằng lòng. Chú xin hầu cận bên thầy để học cái hạnh tinh tấn. Thầy chấp nhận, nhưng hằng đêm, khi thầy ngồi suốt tới sáng thì chú cũng nằm suốt tới sáng. Thầy để ý nhiều lần như vậy, nhưng xét ra vị Sa di này không phải hạng tầm thường: chú ngủ rất tỉnh, một cái động nhẹ của thầy cũng làm cho chú thức dậy để đáp ứng những sai bảo. Cho nên thầy không có lý do gì rầy chú. Chỉ có một điều thầy lấy làm tiếc, là một chú đệ tử thông minh tận tụy như thế, mà cứ nằm dài suốt đêm một cách... “tinh tấn”. Cuối cùng, thầy phải nói cho chú biết không nên tu cái hạnh “nằm” như vậy.


- Này Sa di, chú nằm mãi coi chừng thành rắn đó.


Chú thưa:


- Bạch Thầy, Thầy ngồi mãi con cũng sợ Thầy thành cóc thôi!


Vị thầy nhân đó mà ngộ đạo.


3.




Tôi yêu chú tiểu ngây thơ
biết vì sao chú lại ở chùa
lâu lâu thấy tiểu ngây ngô
cầm chổi chà quét quét lá đa

Tôi yêu chú đã xa cha
xa mẹ hiền ngày đêm thương nhớ
đôi khi thấy tiểu đăm chiêu
mắt lệ nhòa vì không thuộc bài.

Đêm đêm chú tiểu ngân vang
với lời kinh trầm bổng du dương
chú mang hết cả tâm tư
trái tâm từ cầu an cho đời

ai xui chú tiểu ngây thơ
biết tu hành giữa chốn không môn
câu kinh tiếng mõ thâu đêm
nghiêng nghiêng đầu êm êm mái chùa

Đời còn có biết bao sắc màu lam ấy
người người vui bên mái ấm gia đình
còn chú tiểu, đâu là chiếc lá vô sanh
mà vượt qua gian khổ kiếp tu hành

Tôi yêu dáng tiểu ngây thơ
áo màu lam chú mặc ở chùa
chén cơm với muối tương rau
nhưng tấm lòng các chú thanh cao

Mong sao chú tiểu an vui
bên mái chùa ngày đêm tinh tấn
để đem tiếng mỏ câu kinh
trái tâm từ cầu an cho đời


23 May, 2012

May 23



Đi Nha Trang về rồi, gửi đến cả nhà hình chụp ở biển Nha Trang & Tháp Bà nhé!

09 May, 2012

thư gửi dì (4)

Sài Gòn dạo này hình như đã vào mùa mưa. Những buổi sáng sớm, cháu vẫn thường tập thể dục bằng cách đi bộ ra chợ thăm mấy sạp bán rau bán thịt quen thuộc. Hôm qua mua được bó rau lang ăn với chả bò thì là, hôm nay mua bó rau bí ăn với cá thu chiên muối. Hai vợ chồng cháu săn sóc nhau như hai người bạn, thay phiên nhau bếp núc và dọn dẹp. Rau chỉ có 3 nghìn đến 7 nghìn một bó, ăn 2 bữa mới hết. Mặc dù lớn lên ở Việt Nam, hôm qua Nghi lần đầu tiên ăn rau lang luộc, và hôm nay lần đầu tiên ăn rau bí xào tỏi. Nhà không có sẵn mắm tôm nên chỉ xào với muối vào tỏi. Vừa nhặt rau, vừa kể cho Nghi nghe mọi người trong gia đình mình vẫn rất thích ăn 2 loại rau nhà quê này.


Lâu nay cháu vẫn bình an ở thành phố nổi tiếng là ồn ào và bụi bặm. Cái bình an của một người trở về nhà sau chuyến đi xa. Bên Nghi cháu là đứa bé trai tuổi 50; và bên cháu, Nghi là bà cụ tuổi 30. Hihi... Cái bình an đến nỗi có lẽ chẳng còn sự bình an nào hơn. Trong tâm hồn chẳng có một gợn sóng suy tư - mọi chuyện đến và đi như những cơn gió thoáng qua. Chẳng có tiền đề nào cho ngày mai vì nó vẫn chỉ là ngày mai. Chẳng có tiền lệ gì cho vợ cho chồng vì nó cũng chỉ là quy ước. Sự chấp trước dường như đã được giảm thiểu đến mức tối đa. Họa hoằn nếu có, chỉ để đùa ghẹo nhau cho vui cửa vui nhà. Gặp việc xảy ra, mỗi người một cách ứng xử hoặc đối phó cùng nhau. Sau đó, đôi khi cười hì hì, có lúc khì khì, rồi lại im lặng trong tình bạn.


Từ ngày nghiệm thấy không gian vốn im lặng, cháu lặng lẽ tôn trọng và hòa mình vào sự im lặng của nó. Đời sống là chuỗi trải nghiệm và thường ít khi thực nghiệm ở tuổi trẻ. Bây giờ không còn bận bịu chuyện cơm áo, cháu có nhiều thời gian để thực nghiệm và chứng nghiệm cái gọi là vũ điệu của vạn pháp. Có lúc chỉ còn là sự chiêm ngưỡng mà không còn ngạc nhiên khi phát hiện sự hiện diện của một điều gì đó trong cuộc đời. Chỉ mỉm cười và rồi lại trôi đi.


Hôm nọ, sau khi được xem 1 đoạn của Mê Kông Ký Sự thật là giá trị, Nghi có hứa tìm mua tặng cháu một bộ. Tháng 8, có bạn cháu về lại Mỹ, cháu sẽ gửi tặng dì một bản. Tạm thời, cả nhà coi tạm tập 1 nhé!



May 9


Dòng nước có quãng sâu và quãng nông, có sóng lớn và khúc lặng lờ. Chiếc lá trôi chẳng biết trôi về đâu, vì trôi về đâu chỉ có dòng nước biết. Chiếc lá không thể nào biết tự tánh của nước, nó cứ trôi cho đến khi nào mục rữa tan vào dòng nước đang trôi. Khi các phân tử của lá cùng dòng nước là một, lúc ấy tánh nước hiện tiền.


Trong tôi có nhiều cái "tôi" đang hợp nhau trôi lăn trên dòng sinh tử. Quán cái tổ hợp "tôi" trong tôi để kiến tánh cũng như quán cái tổ hợp "tôi" đang ngoài tôi. Quán cái ngoài tôi để thấy cái trong tôi, và quán cái trong tôi cũng để thấy cái ngoài tôi. Cái ngoài tôi cũng là cái trong tôi. Vũ điệu của vạn pháp.