31 March, 2012

4 Quy Tắc Tâm Linh [của người Ấn Độ]


1. Quy tắc đầu tiên: "Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp cả." 

Điều này có nghĩa rằng không ai xuất hiện trong cuộc đời chúng ta một cách tình cờ cả. Mỗi người xung quanh chúng ta, bất cứ ai chúng ta giao lưu, đều đại diện cho một điều gì đó, có thể là để dạy chúng ta điều gì đó hoặc giúp chúng ta cải thiện tình hình hiện tại.

2. Quy tắc thứ hai: "Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra." 

Không có điều gì tuyệt đối, không có điều gì chúng ta trải nghiệm lại nên khác đi cả. Thậm chí cả với những điều nhỏ nhặt ít quan trọng nhất. "Không có; Nếu như tôi đã làm điều đó khác đi..., thì nó hẳn đã khác đi. "

Những gì đã xảy ra chính là những gì nên xảy ra và phải xảy ra giúp chúng ta học ra bài học để tiến về phía trước. Bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời mà chúng ta đối mặt đều tuyệt đối hoàn hảo, thậm chí cả khi nó thách thức sự hiểu biết và bản ngã của chúng ta.

3. Quy tắc thứ ba: "Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm." 

Mọi thứ bắt đầu vào đúng thời điểm, không sớm hơn hay muộn hơn. Khi chúng ta sẵn sàng cho nó, cho điều gì đó mới mẻ trong cuộc đời mình, thì nó sẽ có đó, sẵn sàng để bắt đầu.

4. Quy tắc thứ tư: "Những gì đã qua, cho qua." 

Quy tắc này rất đơn giản. Khi điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã giúp ích xong cho sự tiến hoá của chúng ta. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, tốt hơn hết là chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình.

Tôi nghĩ là không phải là tình cờ mà bạn đang đọc những dòng này. Nếu bài viết này đánh động tâm hồn bạn, đó là bởi vì bạn đáp ứng được những yêu cầu và hiểu rằng không một bông tuyết nào lại tình cờ rơi xuống sai chỗ cả..


-By: Golden Act @ Facebook

27 March, 2012

Our wedding ...

Untitled from Henry Pham on Vimeo.

Kudos and many hugs to Thu & Trang for your creative talent in putting together this beautiful video clip!

Thank you everyone for being there on our special day!

Hòa & Nghi


23 March, 2012

March 23

10 giờ 30 sáng, chuyến bay Korean Air KE 023 đáp xuống phi trường San Francisco. Gọi cho cậu Thuyên xong, tôi sắp hàng làm thủ tục Immigration. Sau khi trả lời câu hỏi của người nhân viên chỉ hỏi qua loa cho có lệ, tôi lấy thùng hành lý và ra ngoài cửa. Trời nắng đẹp nhưng còn hơi rét, cái rét rất thường của San Francisco, và của cuối tháng 3. Mồi điếu thuốc Bastos xanh mà thiếu ly cà phê sữa đá của Sài Gòn, thấy cũng bớt ngon. :)

Sáng sớm hôm qua dưới cơn mưa, máy bay quá cảnh ở phi trường Incheon 8 tiếng đồng hồ. Mua ly cà phê cappuccino, ngắm trời mưa, định tìm băng ghế để ngủ, thì thấy khoảng 4 người nhân viên hãng hàng không Korea Air xi nhô xi nhà. Tôi tò mò bước lại gần, thì anh tài xế thộp lấy tôi hỏi muốn ở khách sạn không. Chưa kịp quyết định, anh ấy đã bảo tôi nên ở trong khách sạn. Thế là ... anh ấy dắt tôi lên lầu hai ở gần cửa 12, làm giấy tờ lấy phòng. Ôi, ăn mày gặp chiếu manh! Căn phòng thật sạch, đẹp, và đầy đủ tiện nghi. Tôi đem theo một phiếu đồ ăn trị giá 10000 won đến Food Court, mua tô súp cay đậu hũ ăn với cơm. Ở cuối dãy hàng ăn là một khung cửa khá to. Nơi đó, các thực khách tự đem khay đặt vào đường rây đang chuyển động theo hình bầu dục. Ở góc đường rây cuối phòng là người phụ trách rửa sạch tất cả vật dụng muỗng nĩa đũa đĩa vân vân ...

Bước xéo qua bên kia hành lang là căn phòng dành cho người nghiện thuốc như tôi. Căn phòng có nhiều loại cây được trồng trên tường và vài chậu cây thật to thiết kế trong căn phòng. Ở đó, bạn có thể nhìn ra sân bay ngắm vài chiếc máy bay khổng lồ cùng những chiếc xe tải của hãng hàng không dùng để vận hàng.

Phê xong, tôi về phòng, đắp chăn ngủ say sưa. Rồi 2 giờ 30, thức dậy tắm cho đã dưới vòi gương sen thật nóng phủ từ đầu xuống chân. Còn lại 1 phiếu đồ ăn, tôi ra tiệm cà phê, mua thêm ly cappuccino, và miếng bánh mì thịt nguội phô mai kẹp trong bánh sừng trâu.

Đúng 3 giờ 20, nhân viên lễ tân khách sạn gọi điện thoại bảo có nhân viên hàng không đang chờ tôi ở đó. Tôi vui vẻ trả phòng và bước ra, và giật mình khi nhìn thấy người đón mình lại là một cô tiếp viên hàng không thật đẹp, thay vì là 2 người đàn ông đã đưa tôi đến đây. Tôi bảo cô ấy để tự tôi bước đến check-in counter, thay vì ngồi vào chiếc xe lăn đang chờ đợi tôi. Cô ấy chắp tay khẩn khoản "please... please...". Tôi ngại quá, nhưng nghĩ có lẽ cô ấy cần hoàn thành trách nhiệm đưa tôi đến nơi cần đến, nên thôi đành để người đẹp đẩy xe qua những hành lang dài và khổng lồ từ khách sạn đến cổng ra máy bay. Không phải tôi làm biếng không chịu đi bộ, vì ở Sài Gòn tôi vẫn thường lang thang mỗi ngày; chỉ vì muốn ưu tiên chuyện thủ tục giấy tờ, nên lúc nào tôi mua vé cũng đòi wheelchair service.

Vì thời gian ở lại phi trường Incheon kỳ này khá lâu, nên tôi được thấy rất nhiều vẻ đẹp của văn hóa Hàn Quốc mà họ đang muốn phô trương cùng khách quốc tế. Nghĩ mà thương thương cho đất nước Việt Nam.


14 March, 2012

March 10



March 10

Sau giấc ngủ thật ngon, tôi thức giấc nhìn ra bếp thấy cậu Tuấn đang đun nước sôi. Cậu đưa cho tôi một ấm phích để pha thêm cùng nước lạnh để tắm. Tắm xong, lên lầu đóng bộ “chú rể” xong, xuống nhà thấy trên bàn có sẵn ly cà phê đen đá và ly trà đá. Đến 7g30, mọi người lên xe đi Bà Láp. Đặc biệt trong số người này, có thêm Thu và Trang (bạn thân của Nghi từ Sài Gòn đến Phan Rang lúc 5 giờ sáng để chung vui cùng chúng tôi).

Đến từ đường họ Diệp, tất cả bàn ghế, ly chén, cổng hoa đã được bày biện thật chu đáo. Chúng tôi nhân cơ hội còn vắng người chụp hình và quay phim khuôn viên căn nhà cổ kính này và ban thờ gia tiên. Rồi sau đó, từng cặp, từng nhóm họ hàng Nghi đến từ đường, và lần lượt chụp hình kỷ niệm cùng cô dâu và chú rể. Theo lời cậu Tuấn kể, dòng họ Hàng và dòng họ Diệp từ Hải Nam coi như là hai họ lớn người Hoa đến lập nghiệp ở Phan Rang. Ở chợ Phan Rang có tổ đình họ Diệp thật là lớn là nơi đón tất cả người chung họ gặp nhau mỗi năm một lần. Sơ sơ chi tộc họ Diệp của Nghi gồm cả 3 thế hệ đã khoảng 50 người (nếu hội họp đông đủ thêm những người từ ngoại quốc cả hai bên nội ngoại, có lẽ đến con số trăm) đến dự buổi lễ đặc biệt này. Đặc biệt vì ông nội Nghi trước khi qua đời, đã có ước nguyện được nhìn cô cháu gái của ông lập gia đình. Đặc biệt, vì Nghi như chiếc lá rơi về cội khi nhờ bác Tùng và bác Hồng đang chăm sóc từ đường họ Diệp làm chủ hôn.

9g30, đến giờ làm lễ.

Bác Tùng đốt nến và nhang mời tổ tiên về chứng giám, đến mẹ và kế phụ của Nghi, và sau đó... đến phiên chúng tôi đứng trước ban thờ gia tiên. Mẹ nàng đeo cặp bông tai, dây chuyền, và chúng tôi đeo nhẫn cưới cho nhau.

Tiếp đến là lễ trầu cau. Chúng tôi cùng nhau bước đến song thân, và vợ chồng bác Tùng, dâng rượu mừng. Sau đó từng người trong họ lần lượt từ lớn đến bé, chúc phúc và uống rượu mừng đến chúng tôi kèm theo phong bao "lì xì". Cảm động nhất là lúc mẹ Nghi đem ra hộp nữ trang với cái lắc vàng của ông nội trước khi qua đời dặn để lại cho cô cháu gái để làm của hồi môn. Buổi lễ thật giản dị và đầy cảm xúc được kết thúc sau khoảng nửa giờ đồng hồ.

Khi mọi người đã an tọa ở bàn tiệc, chúng tôi đến từng bàn để cám ơn sự hiện diện của mọi người. Bữa tiệc chay 8 món, dưới sự chăm lo của bác Hồng theo kiểu người Hoa thật ngon, được mọi người tận tình chiếu cố.

Khoảng giữa trưa, mọi người lục tục chia tay ra về. Chúng tôi theo ba Nghi ra Nha Trang. Mẹ Nghi, bé Hân, cùng bạn Nghi ở lại Phan Rang chơi biển Ninh Chữ đến tối để đón xe đò về lại Sài Gòn.

Từ ngày đến Phan Rang đến bây giờ, lòng tôi vẫn ăm ắp tình cảm của từng thành viên trong dòng họ của Nghi dành cho chúng tôi. Cảm giác thân mật ấm cúng rất “nhà” từ mọi người đang mềm mại trôi chảy loang vào nhau.

10 March, 2012

March 8 & 9

March 8

Trên đường từ Sài Gòn ra Phan Rang, tôi được thấy nhiều cảnh đẹp ở hai ven đường trên quốc lộ 1. Gồm những hàng quán rải rác có những chiếc võng dưới mái tôn, những cánh đồng cỏ, những vườn trái thăng long, những đàn bò lông vàng, những em bé cháy nắng, những rặng núi xanh, những rặng núi đá, những khúc biển xanh ngun ngút, những chiếc xe đạp chiếc xe gắn máy của người dân ngược xuôi 2 bên đường. Có lần tôi tự hỏi, với nhịp sống nơi quê nghèo, sẽ có bao nhiêu em bé được biết đời sống thành thị như Sài Gòn?

Buổi chiều đến nhà cậu Tuấn và cô Muối (tương đương với Muội, vì cô ấy còn có cô chị song sinh được gọi là cô Ché, tương đương với Tỉ hoặc chị, đang định cư ở Canada). Cô Muối là em gái út trong gia đình ba Nghi. Cậu Tuấn đã từng là bạn rất thân với ba ruột quá cố của Nghi (đã qua đời năm 1986 trong một tai nạn sông nước), niềm nở chào đón mọi người. Vừa trông tiệm dịch vụ cho mướn Internet gồm có 26 cái máy PC, vừa uống cà phê cùng nhau, cậu Tuấn dành cho tôi rất nhiều thời gian kể chuyện cho tôi nghe về ba Nghi thủa thiếu thời. Chiều đến, mọi người đi dùng bữa tối ở quán cơm gà gần nhà. Buổi tối, sau khi dọn dẹp, cậu ấy dẫn tôi qua chợ Phan Rang ăn hột vịt lộn uống bia dưới bầu trời đêm quang đãng.

March 9

Ngày sinh nhật thứ 51 ở Phan Rang.

5 giờ 30 sáng, loa phát thanh trên đường phố ầm ĩ chương trình 1 tiếng đồng hồ được phát sóng hằng ngày 2 lần 5g30 sáng và 5g30 chiều. Hầu như tất cả người dân từ ngõ hẻm đến đầu phố đều đặn đón nhận chuyện này đã hơn 36 năm qua. Trong chương trình thời sự có chen lẫn phần quảng cáo tư nhân nước ngoài, và vài ca khúc tình tự quê hương.

Sau khi ăn sáng, chúng tôi, Huyền, Vũ, Hương, Hằng (những người bạn thân của Nghi từ Sài Gòn đến Phan Rang từ chuyến xe đò chạy xuyên đêm), và bé Hân (em gái Nghi), lên xe mướn đi chơi vịnh Vĩnh Hy. Chúng tôi đã mua vé tàu đến thăm một bãi biển đẹp để ăn trưa với những đặc sản còn tươi nguyên vừa được vớt lên từ lòng đại dương.

Với tất cả những không gian ăm ắp cảnh quê hương từ chiều qua tôi được đón nhận vào tâm hồn, cộng với ngày hôm nay, tôi thấy Việt Nam còn nhiều nơi đẹp lắm. Nếu tôi lờ đi những miếng rác, những mái tôn, tôi sẽ không biết là mình đang ở Mỹ hoặc ở Việt Nam.

11g trưa, chúng tôi lên thuyền trở lại bến tầu. 

Chúng tôi ghé thăm mộ của ba Nghi ở Bà Râu thắp hương, và sau đó lội bộ qua 2 cánh đồng nhỏ để trở lại xe đang chờ bên ven đường quốc lộ 1. Chúng tôi về Bà Láp, nơi có từ đường mà chúng tôi sẽ làm lễ cưới vào ngày mai. Bác Tùng (anh trai cả trong gia đình ba Nghi), cùng vợ là bác Hồng, bày cơm trưa đón chúng tôi. Căn nhà cổ được xây đã hơn 64 năm qua bằng gỗ quý, được trang trí quanh vườn bằng những loại hoa kiểng hiếm có với cái hồ bán nguyệt có nước chảy róc rách. Không gian hữu tình làm cho mọi người quên đi cái bức ở Phan Rang. Bạn Nghi mỗi người một tay đóng góp vào vài chi tiết nhỏ để chuẩn bị cho ngày mai.

Mọi người về lại nhà cậu Tuấn lúc 6 giờ chiều để nghỉ ngơi và tắm rửa. Chúng tôi ra chợ Phan Rang, cách nhà cậu khoảng 5 phút đi bộ để ăn tối với những hàng quán bánh canh, bánh căn, hột vịt lộn, sữa đậu phọng, cơm gà, phở gà, miến gà, vân vân ... Ai thích ăn món gì thì gọi món ấy.

Buổi tối khuya, cậu Tuấn rủ tôi ra quán ốc uống bia với đĩa sò điệp và đĩa cá đối khô chấm tương gừng. 


(Whoa, nhiều chuyện quá! Kể vào chi tiết thì không biết chừng nào hết! Có chụp hình, có quay phim, nhưng các bạn Nghi đang giữ, nên chưa upload khoe cả nhà được. Để vài ngày nữa, trở lại Sài Gòn kể chuyện ngày đám cưới của hai đứa nhe.)


  

07 March, 2012

March 7



Sáng sớm mai, tôi, Nghi, và mẹ nàng sẽ đi xe đò ra Phan Rang để chuẩn bị cho ngày thành hôn vào ngày thứ Bẩy. Buổi sáng nay soạn quần áo và vật dụng cần phải có, tôi cũng có chút xúc động cho sự đổi thay sắp đến trong đời sống của mình. Qua thời gian bên nhau, chúng tôi cũng đã hiểu khá nhiều về cá tính của nhau. Lễ cưới chỉ là hình thức để hợp thức hóa hai tâm hồn đã chín chắn muốn cùng nhau trải nghiệm biến cố cuộc đời.

Chúng tôi đã phân tích và chia xẻ nhiều quan niệm và quan điểm về hôn nhân, về con cái, về hướng đi của lứa đôi. Hôn nhân là một nhân duyên tốt để chúng tôi hoàn thiện cho nhau, vì chúng tôi hợp với phương thức này. Có người có khả năng tự hoàn thiện chính mình chẳng phải cần đến ai khác ngoài bản thân, nhưng chúng tôi không thuộc vào nhóm người ấy. Chúng tôi cần chạm vào nhau, cần nghe tiếng cười tiếng nói của nhau, cần nhìn thấy sự hiện hữu hằng ngày, cần học hỏi cách sống tương quan tốt đẹp hơn.

Một sự việc đánh dấu từ đây
cùng người đồng hành... mình vừa là hành trình, vừa là người lữ hành trên hành trình ấy.


(Vài ngày nữa upload hình lên cho cả nhà xem nhé!) Hì!

03 March, 2012

March 4

Ngày hôm qua, 3 tháng 3, Khánh Anh, con gái đầu lòng của tôi báo tin cho tôi biết bạn ấy đã được nhận vào Suffolk University ở Boston. Đại học này nằm trong Top 400 của Hoa Kỳ. Bạn ấy sẽ học tiếp chương trình 2 năm còn lại về quản trị kinh doanh, và hy vọng rằng bạn ấy sẽ học luôn chương trình MBA ở đó. Hai bố con text qua text lại cho nhau thay vì nói chuyện trực tiếp. Bạn ấy đã ao ước ở miền Đông từ lâu rồi. Hè năm nay bạn ấy sẽ rời cái nôi bé bỏng ở Seattle đến Boston định cư cho cuộc hành trình mới.

Sáng sớm hôm nay đang uống cà phê ngắm trời, Minh Tâm, đứa con giữa, gọi báo tin đã được nhận vào Seattle University với học bổng $10,000 mỗi năm cho đến khi nào bạn ấy học xong chương trình cử nhân. (U.S. News and World Report's "Best Colleges 2012" ranks Seattle University among the top ten universities in the West.) Nghe giọng bạn ấy qua phone, tôi mừng không biết nói gì.  Nhìn lại quãng đời từ lúc bạn ấy học mẫu giáo, là đứa bé lúc nào cũng quyết tâm hăng say theo đuổi mục đích tự đặt cho chính mình, tôi có thể cảm nhận được niềm tự hào đang phát quang trong bạn ấy.

Thế là niềm ước mơ của 2 bạn ấy đang dần hiện thực.