12 February, 2011

Tâm Kinh

Buổi sáng nay, tôi bắt đầu một ngày mới bằng bài ca Prajna Paramita Mantra 
(Tâm Kinh).

Mỗi người sinh ra với sở đoản và sở trường khác nhau. Có người khi nghe nhạc, họ có thể phân tích được từng sự khác biệt tinh xảo của âm thanh. Người khác nhìn tranh hội họa, họ có thể nhận diện từng nét thay đổi thật chi tiết trong mầu sắc. Có người nếm món ăn có thể biết từng gia vị trong đó. Người kia chỉ ngửi thôi, có thể phân biệt được mùi này với mùi kia. Thầy tôi từng dạy, dùng sở trường của mình để quán
chiếu, như lời đức Thế Tôn đã mách bảo trong Bát Nhã Tâm Kinh. Chỉ cần mở được một ấm thôi, như ta chỉ cần mở được một cánh cửa sổ, ta sẽ nhìn thấy được cái toàn diện của không gian (bờ bên kia) đã từng bị bưng bít bởi sắc thọ tưởng hành thức.

Thời gian lặng lẽ ở trong chùa, tôi nương vào thức để ngộ được tánh Không của vạn hữu. Như các bạn đã biết, tôi vốn là người suy tư (the thinker), vì thế tôi dễ dàng nhận ra rằng tự tánh thức là vô thủy vô chung, nó không tự nó mà có, tất cả đều là giả danh, giả tạm, đối đãi nhau, nương vào nhau để hiện hữu... vân vân... Sau đó, tâm thức tôi đã được chuyển hóa, và hạnh nguyện của tôi đã thay đổi. Intuition được phiên dịch là trực giác. Vâng! Bản tính trực giác của tôi rất mạnh. Trong thời gian qua, nhờ trực giác mà tôi đã tìm được phương cách thích hợp với căn cơ của mình qua kinh điển và học thuật thuần lý. Người mạnh giác quan cũng có những phương tiện khác để chuyển hóa đời mình, thí dụ như Càn Khôn Thập Linh, yoga, ... vân vân...

Nụ sen - khi đã vươn lên khỏi mặt nước - lá, hoa, hạt, đài, nhụy, hương, đều cùng nhau hiện tiền dưới ánh nắng mặt trời.