07 August, 2005
Võng & Mây
Cả một ngày hôm qua, tôi nhẹ nhàng như mây. Cảm nhận (còn cảm nhận là vẫn còn giả) là không còn sợi dây vô hình nào bám vào mình. Chỉ còn đôi chân là còn chạm vào mặt đất. Trên xa lộ 280, đoạn đường này được biết đến là một trong những đoạn đường đẹp nhất ở tiểu bang California, tôi lái xe về nhà tìm chút sương mù bám vào tóc. Một bên là hàng cây và nắng, một bên là đồi cỏ vàng. Cả một thành phố San Francisco trong tôi thong thả trôi trên mặt đường. "Trong khi thiền định thấy gì?" Thấy những con ma trong họ. "Võng thấy gì?" Thấy những điều không thể định nghĩa. Không thể nắm bắt.
M. thương.
M hiện diện trong tôi khi tôi còn là bầu trời trong văn vắt. Tô điểm tâm hồn tôi bằng ước mơ bềnh bồng phiêu lãng thắm nguồn âm nhạc trữ tình. Tôi cũng muốn đến Tây Tạng một lần, vì nghe nói ở đó chỉ có hai mầu: Trắng và Xanh. Lời chú của tôi phải đọc mỗi lần trước khi nhập thiền hình như có âm thanh mầu sắc ấy. Mặc dù nó chỉ là âm thanh. "Làm sao mình biết đó là vị bổn sư?" Người ấy sẽ cho mình thấy con đường mình đã đi qua, và con đường mình sẽ đi tiếp. "Sao gọi là Mật?" Vì con đường tiến hóa tâm linh đó chỉ có hai thầy trò biết - không có nhân vật thứ ba. Vị thầy dùng tuệ nhãn theo dõi sự tiến triển của học trò mình, chuẩn bị hành trang cần có cho chặng đường kế tiếp. Tôi chẳng biết hành trang đó là gì, nhưng khi cần có để vượt thắng, thì đã có ngay trong tâm từ thủa nào. "Khó không?" Có gì mà dễ trong cuộc đời này.
Ở tuổi 61, T không còn vốn liếng để đi buôn. Buôn ở cõi trên, không có ai trực tiếp hướng dẫn, ngoài những quyển kinh dày cộm lổn ngổn chữ nghĩa. Buôn ở cõi trần, sức khỏe và tiền bạc là thứ xa xỉ phẩm phải dè sẻn. "Đôi khi cần chút dục tính trong một vài chuyện." Vâng! Tôi nghe nói Bát Nhã Tạng không phải cho người trần gian xử dụng. Nói nôm na, đó là chương trình đại học. Bạn đang ở lớp mẫu giáo mà đòi thực nghiệm nó không được đâu. Tôi không biết phải nói gì hơn. Nguyện giúp bạn tìm lại sự an lạc khi đủ duyên. Ở tuổi trẻ, chúng ta phung phí thời gian, hoang phí tiền bạc, đi tìm ảo mộng trong sa mạc. Khi bất chợt trong tâm hồn kèm nhèm lóe lên ánh nến, nhìn chung quanh bóng đêm đặc kịt, muốn ngồi yên cũng khó, muốn đến nâng ngọn nến lên cũng khó. Kho tàng quá lớn, nên có nhiều núi cao vực hiểm.
Thời tiết nơi đây đã vào hè. Có những đoạn đường như bốc hơi. Tôi chợt nhớ đến một chi tiết về con người. Ai cũng có bước dài bước ngắn. Trong sa mạc mênh mông, nếu người ấy cứ nhắm đường thẳng, họ sẽ đi một vòng tròn. Trong tay không có địa bàn, không biết nhìn trăng sao để định hướng, sẽ lạc hoài trong biển cát. Cái giếng không mọc tự nhiên được. Chẳng có gì tự nhiên mà hiện hữu.
Ở trong căn nhà của mình, tôi biết cái khóa để bật nước khi rửa bát, khi tắm gội. Sau khi xong việc, tắt. Khi nấu nướng tôi biết bếp tôi ở đâu, bật lên dùng, sau đó tắt. Phòng ngủ ở đâu, tôi biết. Phòng khách ở đâu, tôi biết. Trở về với tâm mình cũng y hệt như thế. Không bao giờ căn nhà bị lụt vì nước tràn không biết cách khóa, không bao giờ bị cháy bởi lửa không biết nó ở đâu. Khi ngủ, ngủ. Khi thức, thức. Hoàn toàn tự do. Mặt hồ lặng lẽ. "Như vậy buồn chết!?!" P ngạc nhiên nhìn tôi. Có sao đâu? Chạy đuổi theo ảo ảnh vui lắm sao? Một miếng ngon trên đầu lưỡi tồn tại được bao lâu? Giờ phút lâm chung, vị ngon đó giúp ích được gì? Cái áo lộng lẫy đẹp được bao lâu? Khi em hấp hối, ánh sáng lung linh của nó có giúp cho em tự chủ được việc gì? Tình yêu có giúp gì được em ở thế giới bên kia, khi anh không còn là đối tượng của tâm em? "Anh có vui không?" Không. "Anh có buồn không?" Không. "Anh có điên không?" Không. Vì anh là đối tượng, nên anh lúc nào cũng ở ngoài em. Cái anh trong em chỉ là cái bóng ảo tưởng của tâm em. Cũng là anh, mà sao anh trong em khác anh trong mẹ anh? Xin lỗi em, anh là ảnh ảo trong em, nếu lời nói thẳng của anh làm em buồn. Khi anh thích chiều em, anh bật nước tắm cho em, nổi lửa nấu bữa ăn chúng ta cùng ăn. Sau đó, tắt. "Khi nào chúng ta không còn gặp nhau nữa?" Khi nào hiện tiền không còn nhau.
Ngày xưa, có một bà lão bất kể trời nắng cũng khóc, trời mưa cũng khóc, một năm có 365 ngày, hầu hết mỗi ngày đều sống trong sự khóc lóc, người ta gọi bà là: "Bà khóc". Một hôm có vị cao tăng hỏi bà:
- Bà cả, tại sao bà khóc mỗi ngày không ngừng?
- Bạch thầy! Tôi sinh được hai đứa con gái, đứa lớn gả cho người bán giày, đứa nhỏ gả cho người bán dù.
Vị cao tăng hỏi:
- Đó không phải là rất tốt sao?
- Thầy mà còn nói tốt! Tôi thật rầu muốn chết. Trời nắng dù của con gái nhỏ bán không được! Trời mưa ai mua giày của con gái lớn?
M sẽ khuyên bà ấy thế nào? Võng sẽ không khuyên gì cả, vì Võng không cùng một tâm cảm. Bà ấy thích khóc, cứ kệ cho bà ấy được tự do, khi nào thích nín bà ấy sẽ nín. Chẳng ai rầu muốn chết. Dòng thời gian dài đằng đẵng, tất cả linh hồn rồi cũng về một quê hương. Người đến trước, người đến sau. "Thế thì tại sao Võng kể Mây nghe?" Vì Võng thích kể cho Mây nghe. Kể tiếp câu truyện ha.
- Bà cả, chớ rầu nữa! Bà hãy nghĩ như vầy: Khi trời nắng, tiệm giày của con gái lớn sẽ bán đắt; còn lúc trời mưa, dù của con gái nhỏ cũng bán chạy. Đó không phải rất tốt sao?
- À…thì ra là vậy! Tại sao tôi không nghĩ ra?
Mây sống cô đơn một mình lại thích rong ruổi khắp mười phương. Tôi là người trần gian, đã từng là mây, đã từng là lá, từng là những phù du. Hôm nay, xin nằm đu đưa trên chiếc võng. Có trăng, ngắm trăng. Có lá rơi, ngắm lá rơi. Có mây trôi, ngắm mây trôi. Có buổi trưa tôi thiếp đi, ngủ giữa vườn gió hạ.
M. thương.
Giữ nụ cười xinh tươi như thủa nào tôi được chiêm ngưỡng và tôn thờ. Nụ cười đầy ma lực ấy đưa tôi vượt khỏi tầng mây để được thấy vầng nhật nguyệt. "Không biết, M đem đến cho Võng cái gì?" Một thành phố hoa lệ cuối chân trời. "Sao Võng viết ngắn thế? Dự định viết dài hơn, phải không?" Giấc mơ mà.
Labels:
Nhật Ký