Lá số tử vi của tôi, mệnh vô chính diệu ở Mùi, nhị hợp Tử Vi cung Ngọ ngộ Địa Kiếp. Có nghĩa tôi là căn nhà hoang, bên nhà hàng xóm có ông vua gặp hung đồ. Vì thế, đôi khi tôi làm vua vung vít kho tàng cho toàn dân, đôi khi tôi làm giặc đi cướp những niềm vui của đám lau nhau, tùy theo thời tiết mỗi ngày. Khi gặp thầy tu, ngồi một chốc, tôi thành chú tiểu muốn xuống núi độ muôn loài; ngồi với mấy ông tiên, tôi thành mây lững thững cuối rặng núi xanh lơ; nằm với ma, tôi thành linh hồn chập chờn cõi A-tì nhèm nhẹp xác thịt; khi trở lại một mình, tôi là quán trọ thông thốc gió.
V điện thoại cho tôi bảo "tao mới mở tiệm ăn." Tôi bảo V sao mày ngu thế!? Đời thằng nghệ sĩ ngang tàng, bây giờ phải giả lả chào đón ông đi vào bà đi ra, cho họ hài lòng. "Già rồi. Tìm cái gì đó cho chắc ăn tuổi về chiều!" V trả lời. Tôi bỗng dưng thấy V hèn. Cúp điện thoại. Ngắm nắng ngoài hiên.
Đó là ngày tôi rất buồn. Buồn hơn là chuyện thấy đứa con gái xinh đẹp mà bộ ngực bơm căng tròn. Anh Hiệp bảo tôi "mỗi người có một cái ba lô, hơi đâu mà..." nhưng tôi vẫn ấm ức.
Chẳng phải V là thần tượng gì của tôi, chẳng phải V là thằng bạn thân như người trong gia đình. Lý do có thể là tôi không thể nào ngờ được V lại đi làm gã chủ quèn, ngày ngày lau bàn, bưng phở, bưng nước cho những người mà ngày xưa hắn khi rẻ là xôi thịt. Chuyện gì đã xảy ra? Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ? Cũng có thể tôi bực bội vì V đã dấu diếm tôi bấy lâu nay về cái chuyện mở tiệm phở. V biết tôi sẽ cản hắn bằng mọi cách, thậm chí có thể bắt cóc V. Tôi nghĩ thầm. Ừ! Cũng dám lắm! "Mày không thông cảm cho tao hả?" Thông cảm đếch gì nổi. Mày đã chết khi tính toán chuyện làm ăn.
* * *
Trong giấc ngủ, tôi thấy nữ hoàng đang ở trên khinh khí cầu. Nàng cười đẹp như thiên thần (vẫn muôn đời đẹp như thế!). Những lời yêu thương nhớ nhung là những bao cát mà nàng phải bỏ xuống (và nàng đã treo trên cổ tôi). A chui vào chăn, hỏi "anh muốn nhìn ngực em không?" Nhìn thì nhìn, có gì mà sợ! Ngực em không thâm như người khác, nó xinh xinh hồng nhạt, hoặc nó nhăn nhúm, anh cũng chẳng thể hay. Bóng đêm giúp anh không bị ma nhập. A cười thật giòn, rồi bỏ vào phòng ngủ. Sáng hôm sau, hai đứa đi ăn chung tô mì. Chia tay. Trả tiền. Xong. Quán trọ lại thông thốc gió.
"Em cần tình yêu." Ai mà chẳng cần! Anh còn cần hơn thế nữa. Ngoài nắng mặt trời, ngoài những cơn mưa nhỏ thật mát, ngoài những cánh đồng rộng mênh mông, anh cần tình em ủ vườn nho cho lên men. Anh có tham lam quá chăng? "Nhưng em không thể quên cách P french kiss em". Thì em dạy anh đi. Anh cóc cần bằng tiến sĩ, chỉ cần khi em hôn anh, em là một người đàn bà thuần túy, sẵn sàng rên lên trong dục vọng. "Cạn đi anh!" Ừ! Rồi ngủ ngoan nhé!
* * *
Có những ngày vui như thế.
Tôi hỏi O đàn bà sợ cái gì nhất? O bảo "thì cũng giống như đám đàn ông, đàn bà sợ cái họ không có." Hai đứa tôi cười khằng khặc trong xe. Con đường đến phi trường vắng xe, nắng đẹp. Cái "không có" đó, chỉ là phương tiện, tựa như chiếc xe. Người lái xe là nhân vật chính trong cõi điêu linh vĩnh hằng. "Bộ có người trách anh à?" Không, em ạ! Đâu có ai trách anh đâu?! Đôi khi, tự mình thấy mình còn lắm tham sân si đó thôi. Mà nếu không tham sân si, chẳng nghiệm được chánh pháp, chẳng có gì để mà thực hành. Người ta chỉ có thể đánh giá điều gì đó qua cái biết nằm trong ký ức. Nếu ta gửi vào ký ức những ngọn đèn, thì... ta sẽ chỉ lấy ra được ánh sáng. Bỏ vào đó rác rưởi, thì... nó sẽ đem ra rác rưởi. Đàn ông đổ thừa cho đàn bà, đàn bà đổ thừa cho đàn ông là chứng cớ cho những gì anh vừa nói xong. Em hiểu không? Hôn em đây, chúc em đi chơi thoải mái, bớt lo nghĩ mà tìm lại được sự bình an nào đó đang bị khuất lấp bởi tân toan. "Gọi em nhé!?" Em biết mà, anh không tìm nợ. Lúc nào cần anh, gọi cho anh.
* * *
Một giờ trưa. Gió hiu hiu. Nắng nhè nhẹ. Ma Vương lái chiếc Mercedes bóng loáng đến gõ cửa. "Tại sao hôm qua ông không thèm ái thê của ta?" Ai lại nói nhau thế? Ái thê của ông không muốn tôi thì có! "À! Dám khua môi nữa sao?" Nữ hoàng Anh Quốc còn chê tôi, huống hồ chi ái thê của ngài? Anh bảo hắn thế, O ạ! Giờ này O đang làm gì? Thênh thang ngắm cảnh trời đất đang vương chút bão bùng Dennis của vịnh Mexico? Có nhớ về một linh hồn thông thốc gió? Ma Vương vùng vằng bỏ đi. Anh không dằng co với hắn, vì nếu phê bình ái thê của hắn thế này thế nọ, thế nào hắn cũng miệng lưỡi quật anh vào vòng tay của ái thê hắn mà thôi. Có quyển sách nào dạy rằng đừng bảo mùa đông đừng đến, mà hãy tự sắm cho mình chiếc áo len. Có lần Hỉ bảo anh "nghiệp, nó lớn hơn mình, chớ mà đòi đục nó" hehe... Anh chợt nhớ mỗi lần anh hì hục đòi vật nó, là mỗi lần bị bầm người lết về hang.
Người ta mua nước về, pha ra đủ loại thức uống. Nào là cà phê, nước chanh, nước xí mụi, bia, rượu, nước cam vắt, nước trà, nước dùng phở, canh rau đay mồng tơi, thậm chí.... có cả nước mắt. Cũng may cho tôi, tôi dửng dưng trước dòng lệ mỹ nhân. Có lẽ vì chưa lần nào tôi thấy mẹ tôi khóc. Chỉ có lần duy nhất năm 1973, khi ông ngoại mất mắt mẹ tôi hoen đỏ. Có thế thôi. Khi bà ngoại tôi qua đời ngày Ông Táo về trời cuối năm Giáp Thân, mẹ tôi đã là người tu hành. Mẹ tôi chỉ tụng kinh cầu siêu, và tôi bắt gặp một chút cảm xúc khi ngỏ lời cám ơn quan khách đến nhà quàn. Hình ảnh mẹ tôi thập niên 80, hôm nào khỏe khỏe mẹ tôi đi chợ ở chợ Tầu San Francisco; hai vai chênh vênh trĩu nặng bó rau bó cỏ, khúc xương miếng thịt giữa buổi chiều tàn. Sáng sáng tôi đưa mẹ tôi ra bến xe buýt đón xe từ San Jose đến trạm xe BART ở Fremont. Rồi từ Fremont, xe điện tốc hành đưa mẹ tôi đến San Francisco làm việc. Chiều chiều, tôi ngồi chờ mẹ tôi về ở trạm xe mà buổi sáng tôi đã thả mẹ tôi xuống. Những ngày đó đã qua đi như một giấc mơ. Giữa năm 1994, mẹ tôi xuất gia và định cư ở một tỉnh nhỏ miền nam California. Tôi mượn cửa bố mẹ tôi vào trần gian, có lẽ chỉ để được hưởng hạnh của mẹ tôi. Tôi chưa báo hiếu gì mẹ tôi, và cũng chẳng phải là thằng đi đòi nợ. Bỏ tí đường tí chanh vào nước khởi duyên thành ly nước chanh. Bỏ thêm chút tham sân si vào tâm sẽ có dòng nước mắt. Bỏ thêm chút lửa vào lò, sẽ có nước sôi để pha trà. Rồi từ đó... tôi biết tôi may mắn có được người mẹ mà tôi đang có. Gần 2 năm nay, ngày nào tôi cũng lái xe đi làm ở San Francisco từ San Jose. Trên con đường tôi đi, có mưa có nắng, có sương mù, có gió lớn. Mỗi ngày tôi mỉm cười cùng ý nghĩ vu vơ nắng sớm, và có lúc tôi buồn bã như cánh chim tìm chốn trú ẩn trong cơn mưa.
* * *
Mười giờ tối. O gọi điện thoại. "Anh nhớ em không?" Chỉ có thế thôi mà câu chuyện kéo dài đến 1 giờ rưỡi sáng. 3 tiếng rưỡi đồng hồ đó biết bao nhiêu ý tưởng sinh sinh diệt diệt. Từ chuyện súc sinh đến chuyện tâm linh vô hình, tất cả đến rồi đi theo tiếng cười khúc khích, theo tiếng thở hắt thật nhẹ. "Tại sao trong tôn giáo lại có chuyện chia phe phái này nọ?" Vậy mới vui em ạ! Có người thuận tay phải, có người thuận tay trái. O cười rũ rượi. "À! Em hiểu rồi!" Vâng, chân lý giản dị lắm cưng (nó cũng chưa chắc đúng cho ngày mai). Có ngày có đêm nó mới là thời gian. Có giống đực giống cái vạn vật mới trường tồn. Cứ yên ổn yêu đời sống với cái đẹp phù du và mâu thuẫn ắt có và phải đủ của nó. Đừng trách anh đôi khi làm biếng hoặc làm thinh nằm ôm em. Con người ta sợ nhất là "cái chết", khi đã biết nó là gì rồi thì còn gì để phải lo âu. Còn gì để phiền muộn. Cứ yên ổn làm việc và ý thức rằng trần gian chỉ là tạm bợ - là mơ là mộng.
Thiền định xong, trùm mền đi ngủ. Bỗng dưng nghe vo ve bên tai. Bật đèn lên tìm con muỗi. Vừa lấy bao nhựa định úp vào chị ta, thì... chị ta bay mất. Tắt đèn. Một chốc sau, lại nghe vo ve. Bật đèn lên tìm, chẳng thấy tăm tích gì. Ba lần bảy lượt rình rập nhau, cuối cùng tôi tìm thêm 1 cái đèn halogen thật sáng, cắm vào ổ điện đi chiếu từng góc phòng. À, chị ta núp dưới một quyển sách đầu giường. Thế là, tôi tóm được chị. Nhìn chị cũng khỏe mạnh lắm, không gầy gò ốm yếu chi cả. Yên tâm, tôi buộc đầu bao lại, tắt đèn, trùm mền.
Buổi sáng nay thức giấc mới biết đêm qua mình ngủ gặp ác mộng. Cặp mắt kiếng đặt trên máy laptop đã bay xuống đất. Con chuột cũng lay lắt trên sàn nhà. Chăn gối lệch lạc. Nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ rưỡi. Đem chị muỗi ra sân thả. Bắt ấm nước sôi pha trà. Nhủ với chính mình lần sau đem thả quách trước khi đi ngủ cho chắc ăn. Đỡ phải nghe những lời oán hận buốt óc. Nhìn theo bóng chị bay đi, tôi thấy một buổi sáng thật đẹp. Đẹp như khi tỉnh giấc mộng, thấy sau lưng mình là vũng đêm nhầy nhụa mộng mị.
* * *
Nửa đêm. "Sao anh dã man quá vậy?" Tiếng O bên kia ống điện thoại. "Không chịu giết muỗi, mà chỉ tìm em mà giết." Ừ, anh chỉ thích giết em. Con muỗi chết, anh không biết nó đi về đâu?!? Mỗi lần anh chết đi, khi thức giấc, lại thấy anh trong vòng tay em. "Anh dã man quá!" Ừ! Anh dã man. Ngủ ngon.
ban den binh yen, chang nghe si van lang thang trong
mua, trong mui huong ma ban de la.i.
ban thu cha.m vao hang hoa trui la dang ngu? say thu
xem, de truyen cho chu'ng mua xuan cu?a ban... hi hi
...
mai kia chang nghe si di qua nhin hoa no, se biet ngay
mua dong nao co' nguoi da di qua
t.
T đã viết như thế. Những lời gọi mời duyên dáng của một hồn ma, đóng vai người hiểu chàng nghệ sĩ. Mục đích trong đời sống của chàng nghệ sĩ của T không phải là để có những kỷ niệm đáng nhớ. Mục đích chính của hắn là "sống". Chấm hết! Nàng tan biến ra khỏi đời chàng nghệ sĩ như một men rượu thơm.
* * *
Nếu ai hỏi tôi có yêu đời không? Yêu chứ! Đời vui lắm! Thí dụ như chuyện rõ như ban ngày: Dùng sắc đẹp đàn bà nhử đàn ông, đàn ông dùng vàng nhử đàn bà. Người ta nhử nhau để lợi dụng nhau. Bàn cờ tướng, mỗi bên chỉ có 16 quân mà biết bao sách vở đã viết về những biến hóa của nó. Cái vui là họ lợi dụng nhau để rồi hí hửng là đã nắm được cái "thật"! Để rồi khi nào mất đi, chính họ cũng chẳng biết nguyên do ở đâu. Để rồi tự trách thân trách phận... rồi trách luôn cả cuộc đời khốn khổ. Họ đã quên mất ngay từ đầu: Đã là đồ giả thì tất phải mất đi. Đồ thiệt léng phéng còn mất, huống hồ chi là đồ giả. Thế cho nên ngắm cõi nhân sinh, tôi cười và cứ cười xem họ giở trò gì với nhau.
Kiều gửi điện thư khen hàm râu Từ Hải anh hùng. Sau đó, "em muốn qua thăm anh quá, nhưng lại không biết sao".
Thưa rằng: Lượng cả bao dong,
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.
Rộng thương cỏ nội hoa hèn,
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau!
Phải, em ạ! Từ Hải mà muốn gặp em, sẽ khởi niệm thuyết phục cái "không biết sao" đó hết "không biết sao", để rồi hắn tự buộc hắn vào nhiều điều mà chính hắn không nên mó vào.
Cười rằng: Tri kỷ trước sau mấy người!
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!
Một lời đã biết tên ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!
"Lúc nào em cũng nghĩ đến anh, chưa đủ sao?" Ừ! Anh cũng nghĩ đến em kể cả lúc anh ngủ. Huề nha. Em sẽ làm bộ giận, hoặc nói câu vô nghĩa cho anh khó hiểu (đại khái ý là anh không hiểu em). Xưa rồi Kiều. Chẳng phải vì anh ghét bỏ gì em, chỉ có điều là anh không thể lừa dối anh nữa. Khi bảo anh mua chiếc đồng hồ Rolex giả với giá $60,000 thì anh không còn thơ mộng nổi (mặc dù đã nhắm hết cả hai con mắt). Ngay cả đồng hồ Rolex thật, anh cũng còn không màng, huống hồ chi là đồ giả phải không? Ôi, tình yêu. Nó là lâu đài lộng lẫy trên cát. Người ta cứ đẩy giá lên cao hơn theo giá cả thị trường và theo đối tượng. Một đêm trăng sao, tự sụp đổ nó kéo theo cả bao nhiêu mộng mị. Rồi buổi sáng tinh mơ, qua quyền phép Ma Vương, nó lại sừng sững nguy nga, rộng cánh cửa chào đón những sinh linh đến nộp mạng cho nó.
Trong tình trường chỉ có 2 loại đàn ông: Ngoại tình, và không có khả năng ngoại tình. Tùy em chọn. Nhưng chính em cũng có thể tự lừa dối em. Đó là điều rất đau lòng. Thế gian sao gian thế! Có 1 đòi 10, có 10 đòi 100. Cho dù là đồ giả, khi tham lam thì vẫn vơ vào cho đầy kho. Ăn cho cố, cực thân. Nói cho lắm, nhọc tâm. Chính anh đã từng là kẻ lang bang tình tứ, nhưng từ đây không còn khả năng đó nữa. Giản dị thôi, lý do là anh không còn khả năng lừa dối anh.
Chương 2
Một tuần lễ trước khi Hỉ đến San Francisco, trong buổi điện đàm sắp đặt chương trình, tôi đã tự tin tuyên bố "mình có bằng lái từ năm 1978 đến giờ, chưa bao giờ bị cảnh sát bắt về tội chạy quá tốc độ." Đúng chương trình dự tính, chiếc máy bay đưa Hỉ đáp xuống phi trường lúc 11:00 giờ sáng thứ Năm, ngày 23 tháng 6, 2005. Tôi đón và gọi ngay cho thầy tôi để báo tin là chúng tôi đang trên đường đến thầy. Trên con đường từ San Francisco đến Stockton, chúng tôi ghé vào In-N-Out để ăn trưa, vì tôi muốn giới thiệu cho bạn tôi món hamburger, và khoai tây chiên khá đặc biệt vì chất liệu tươi của nó.
Ngày hôm sau, chúng tôi khởi hành rời San Jose đi Santa Ana lúc 10 giờ sáng. Khoảng 2 giờ rưỡi trưa, ở chân đèo Bakersfield, đến phiên Hỉ thay tôi lái xe vào Los Angeles. Tôi tính trong đầu, nếu lái nhanh một chút thì hy vọng sẽ thoát cảnh bị kẹt xe ở xa lộ 405, nhưng Hỉ lái cẩn thận theo tốc độ đã ấn định, chúng tôi bị ngồi trong đoàn xe nhích từng chút từng chút, đến 6 giờ tối mới đến được khách sạn ở Garden Grove. Ở chơi trò chuyện ăn uống với các anh các chị, gặp gỡ người này người kia sinh hoạt đến 10 giờ đêm hôm sau, chúng tôi đổ xăng chuẩn bị lái xe về lại San Jose. Con đường dài 400 dặm. Sắp sửa vào xa lộ, bỗng dưng anh Hạnh gọi điện thoại nhắn đến nhà để lấy thêm vài trang sách còn bị sót. Nghĩ thầm trong bụng bỏ bu rồi, đến đây lằng nhằng giờ giấc, hai thằng đều mệt hết, có sức lái về không đây? 8 giờ sáng phải trả xe, như vậy chỉ ngủ được có 3 tiếng đồng hồ. Đến nhà anh, tôi mượn phòng tắm để gội cho mát người, để phòng bị cơn buồn ngủ khi lái xe. Đến 11 giờ đêm, chúng tôi ra xa lộ 405, chạy về hướng Bắc để bắt vào xa lộ 5. Tôi tính trong đầu, lái nhanh là 6 tiếng đồng hồ, có nghĩa là về đến San Jose là 5 giờ sáng. Khi khởi hành tôi nói với Hỉ, từ Garden Grove tôi chỉ cần 1 tiếng rưỡi đồng hồ là đến chân đèo.
Con đường có đoạn đông xe, nhưng không đến nỗi bị kẹt. Tôi khôn khéo lèo lái chiếc xe mướn 6 máy, qua mặt những chiếc xe chạy chậm đang leo đèo. Ở đỉnh đèo, hai bên tối om với rặng núi ít bóng đèn và ít xe, tôi nhìn đồng hồ, chỉ còn 4 phút nữa là 12:30 đêm. Tôi hứng chí đạp ga cho kịp với lời dự đoán. Bỗng dưng có bóng đèn thật sáng rọi đến từ đằng sau. Cảnh sát bắt đậu xe vào lề đường.
Khi ký giấy phạt, tôi không chút sợ hãi hoặc muộn phiền, vì lúc cảnh sát làm giấy tờ, tôi đã biết rất rõ.
Lúc tôi khởi niệm "chưa bao giờ bị cảnh sát bắt", nghĩa là tôi đã tự mãn, mọc gai thách thức cuộc đời. Sau đó, cộng thêm cơn bực mình không nói ra khi phải bị ngồi trên xa lộ 405 gần 3 tiếng rưỡi đồng hồ ngày hôm trước. Cộng thêm lòng tham muốn đúng là 1 tiếng rưỡi đồng hồ từ Garden Grove đến chân đèo Bakersfield. Cộng thêm những lúc lái ẩu mà chưa bị bắt trong nhiều ngày tháng đã qua.
Tiền phạt là $205 cho tốc lực 87 mph trên 65 mph, cộng với tiền đi học $36, cộng với tiền lệ phí trả bằng thẻ tín dụng $15, tổng cộng là $256. Bài học nhập môn phải trả bằng kinh nghiệm bản thân: "1 niệm khởi, trùng trùng niệm khởi".
Niệm là một hạt giống, khi đã khởi, nó đơm hoa kết trái.
***
Mười giờ sáng. "Ê! Tối nay đến nhậu mày!" Ừ! Nửa đêm nhá! Tao còn phải ngồi thiền. "Mày muốn đến giờ nào cũng được!"
Cầm theo chai Cordon Bleu, tôi mở cửa bước vào. Căn nhà mù mịt khói thuốc lào, khói thuốc lá, khói tẩu, mùi thịt chó, mùi mắm tôm xổng ùa ra. Bùi Giáng tiên sinh đang mơ mơ màng màng, lơ đãng nhìn ra con trăng lưỡi liềm treo ngoài sân. Cụ Nguyễn Du đang khề khà kéo phé cùng Từ Hải, Thúy Kiều, và Đạm Tiên. "Mi làm gì mà giờ này mới vác cái mặt tới vậy mi?" Dạ thưa Bùi Giáng tiên sinh, tôi phải tĩnh tâm định thần để đến hầu ngài đây! "Đạm Tiên lấy cho nó cái bát và đôi đũa con." Đạm Tiên nhoẻn miệng cười thật xinh, liếc tôi tình tứ. "Dạ!" Ôi! Cái giọng của người đàn bà từng trải, chữ Dạ! sao mà mong manh như cái cầu khỉ. Trái tim nào yếu bóng vía lỡ chân, thì chỉ có rớt xuống như cục phân khô.
"Mi dám đem cả con Kiều vào tùy bút lăng nhăng của mi?" Dạ thưa cụ, tại sao không dám ạ!?! Cụ đã dám bán Thúy Kiều, thì con cũng dám đem chị Kiều về cõi nhân gian chứ! Thúy Kiều nghe xong quăng cây bài tẩy, ôm mặt khóc nức nở. "Phải chi lúc con đang lưỡng lự vội chi liễu ép hoa nài, còn thân ắt lại đền bồi có khi, bố bắt Kim Trọng ôm con thật chặt, hôn con say đắm, thì có phải cuộc đời con đã khác rồi chăng? Đời người con gái chỉ có một lần lưỡng lự thôi, mà bố không hiểu sao?" Cụ Nguyễn thản nhiên, vuốt râu nhìn qua Bùi Giáng, chàng thi sĩ phiêu bồng móm mém cười khà khà "tui đã chiêm bao, cằn nhằn từ dưới tới trên, từ sau tới trước ghi tên tuổi vàng".
"Từ Hải, con!" cụ Nguyễn trầm giọng. "Mày có thương con Thúy không?"
"Dạ thưa bố, lỡ dại một lần rồi, con bây giờ chỉ còn thương cái thân con thôi ạ! Anh buồn buồn trả lời. "Đáng nhẽ bố phải cho con khuyên em Thúy gửi thân được chốn am mây, muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong. Bố bắt con làm anh hùng, thì phải chịu thôi, chạy đâu cho thoát?" Thúy Kiều gầm gừ "Được rồi, anh chê tôi nhi nữ thường tình phải không? Bố! Bố cho con nối lại duyên xưa cùng Kim Trọng đi bố. Con gái cưng của bố chẳng làm gì hết, hết coi phim bộ, rồi hát karaoke cho anh ấy biết tay con." Tôi vội xua tay. Dù anh Từ Hải có phải muối mặt đi bán phở chăng nữa, anh ta cũng yêu chị trọn tình. Chị chỉ giỏi đứng núi này mà trông núi nọ. Nhảy sông mà bơi giỏi như chị thì khó chết lắm! Còn Kim Trọng, hèn bỏ mẹ! Xin lỗi chị nha, lúc chị bị nạn, hắn bỏ mặc chị, lúc chị thoát nạn được xum vầy cùng người thân, chẳng lẽ cho phép hắn được bỏ em gái chị, ngủ với chị à? Chị không nghĩ gì đến Vân, em chị sao? Chị thật là ngoan cố.
"Chị thật có lỗi với em." Đạm Tiên ực một shot cognac. "Đáng lẽ chị đừng dụ dỗ em, thì chắc có lẽ em cũng có mấy đứa con xinh bụ bẫm cùng Kim Trọng rồi. Chị chỉ mua vui, bắt chước lão thầy bói, nói đùa ghẹo em "Mà sao trong sổ đoạn trường có tên. Âu đành quả kiếp nhân duyên, Cùng người một hội, một thuyền đâu xa" mà sao em lại cả tin, chạy lung tung. Bố không có lỗi gì cả!"
"Ta có thể dạy nó chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, nhưng…" Cụ Nguyễn im lặng.
Chữ nhưng chết người, cụ ơi! Cả bầu trời xanh lơ diễm tuyệt này cũng ở chữ nhưng mà ra. Suốt ngàn thu của Bùi tiên sinh cũng từ chữ nhưng này mà rớt hột. Một đời của tôi cũng ở chữ nhưng này mà một hôm tỉnh giấc phù vân. Nhưng. Nhưng. Nhưng. Và ... nhưng.
"Thế thì lỗi tại ai đây?" Thúy Kiều dậm chân la ầm lên.
Đêm ngày tưởng niệm tâm như vượn, nhảy múa hú vang sắc loạn màu,… Bùi Giáng rung đùi ngâm nga vọng ra từ bếp. Tôi bật cười. Đúng là phong tình cổ lục, và Thúy Kiều biết còn truyền sử xanh là chuyện giả tưởng. Chị quay qua nhoẻn miệng cười bảo tôi. "Anh cứ mơ tưởng hão với thế gian sao gian thế của anh đi. Không phải ai cũng muốn hương vị giải thoát. Chừng nào mệt mỏi muốn thư giãn, rủ chú Bùi đến đây, tôi bảo thằng chồng tôi dẫn đi bao một chầu mát-xa."
"Thế thì lỗi tại ai đây?" Thúy Kiều dậm chân la ầm lên.
Đêm ngày tưởng niệm tâm như vượn, nhảy múa hú vang sắc loạn màu,… Bùi Giáng rung đùi ngâm nga vọng ra từ bếp. Tôi bật cười. Đúng là phong tình cổ lục, và Thúy Kiều biết còn truyền sử xanh là chuyện giả tưởng. Chị quay qua nhoẻn miệng cười bảo tôi. "Anh cứ mơ tưởng hão với thế gian sao gian thế của anh đi. Không phải ai cũng muốn hương vị giải thoát. Chừng nào mệt mỏi muốn thư giãn, rủ chú Bùi đến đây, tôi bảo thằng chồng tôi dẫn đi bao một chầu mát-xa."
***
Đến với bất cứ thầy tử vi nào, hầu như ai cũng hỏi chuyện tình yêu gia đạo. Năm nay lấy chồng lấy vợ được không? Lấy người tuổi nào thì hợp? Vợ chồng tôi có bỏ nhau không? Có mèo mỡ gì không? Năm nay có tiền không? Có ai hại không? Có gặp nạn gì không? Mất chồng mất vợ, còn tìm được người khác để thay thế. Mất con, đáng buồn, nhưng cũng có thể có con khác. Mất việc, tìm việc khác thay thế. Khoa học huyền bí chỉ có thể giải lý được chuyện được mất vì chính nó là khoa học nhị nguyên. Chẳng ai hỏi chừng nào tận số!?! Câu hỏi quan trọng đến chừng nào. Chẳng ai biết, mà cũng chẳng ai buồn hỏi.
"Em có quen ông thầy kia, ông dặn đệ tử khi ông chết, phải mặc áo mầu gì quần gì vào lúc nào. Người tu rồi mà sao còn màu mè vậy? Chết là hết, thắc mắc làm chi? Em chết hả? Em sẽ tìm một nơi chẳng ai biết là em chết." O kể chuyện. Vì sao? "Em không muốn ai khóc cho em." Kể cả anh? "Ừ!" Vậy là em cũng tham như ông thầy chùa kia thôi. Có khác gì? "Tại sao?" Khi em còn muốn em chết như thế nào thì em còn tham. Tại sao không để mọi chuyện nó diễn tiến tự nhiên. Em đã nói chết là hết, thì ai khóc thì mặc họ, ai cười thì mặc họ, có gì mà phải tốn tiền vé máy bay tìm một nơi hẻo lánh? O lặng im. Tôi nhớ đến P, một người bạn duy nhất, mà chưa hề gặp mặt. Chỉ quen nhau qua điện thư và trò chuyện trên điện thoại. "Đối với P, cái chết rất hân hoan. Đứa bé chờ mẹ đi chợ về thế nào, thì cảm giác P y như thế!" P đã từng tìm tôi bằng cánh chim bay trong đêm một mình. Giờ đây ở đâu, tôi không rõ, nhưng cảm nhận rằng mẹ P đã từ chợ về nhà.
Cụ Nguyễn đã ra đi. Bùi Giáng cũng đã ra đi. Họ ra đi thản nhiên. Nghe ra thì có vẻ dễ dàng, nhưng thử thực hiện 1/10 của chuyện đó, không dễ chút nào. Bây giờ, thử khóa lại dòng tham muốn đang luân lưu trong tâm tưởng đã là một chuyện khó tày trời. Một ngày biết bao nhiêu niệm đã sinh và đã diệt trong tâm. Chỉ cần quán xét trong vòng 1 tiếng đồng hồ, tôi lái xe từ sở về nhà, tôi thấy tôi vặn máy nhạc đài này đài kia, lên kính xuống kính, liếc dọc ngó ngang, quẹo phải quẹo trái, đổi lane này qua lane nọ, nhìn kính chiếu hậu ngó xe bên phải bên trái, nhìn mây nhìn cột đèn, nghĩ đến người này người kia, nhớ kẻ kia người nọ, trả lời điện thoại, tìm điếu thuốc, gạt tàn thuốc, uống miếng nước vân vân và vân vân... (Tôi thương chữ vân da diết). Bây giờ, thử muốn ngủ giờ nào thì ngủ, thức giờ nào thì thức, lại là một chuyện khó hơn gấp bao nhiêu lần, vì người đó phải có khả năng hóa tất cả niệm là Không. Nếu muốn ra đi như chuyện mẹ đi chợ về, lại là một chuyện khó hơn chuyện ngủ nghê gấp bao nhiêu lần. Nhưng thôi, cứ thong thả. Khó hoặc dễ chẳng phải là chuyện đáng bàn. Khi tích tắc của trái tim ngưng đập, tôi sẽ cần phải làm gì? Niệm danh hiệu Phật A Di Đà ư? Cũng có thể. Niệm danh hiệu Phật Quán Thế Âm ư? Cũng có thể. Hoặc sẽ không làm gì cả? Cũng có thể. Hiện tiền rơi vào đâu thì giải quyết ở đó. Anh Hiệp dặn tôi dăm lần bảy lượt.
Tôi có anh bạn, mỗi năm anh tự coi tử vi cho mình, anh chỉ cần xem Thiên Mã, và Lộc Tồn. Xem Thiên Mã để xem mình có đi đâu không? Xem Lộc Tồn xem có ai mua vé cho mình, hoặc mình phải tự túc. Có thế thôi. Không hơn không kém. Nó chỉ giải quyết vấn đề vật chất cho ai còn đứng trong thế giới vật chất. Tôi đang tập làm những gì mà giây phút cuối cùng cuộc đời nó cũng là việc đó. Chẳng phải chờ đợi đến phút chót (tạm gọi là phút chót) mới làm.
***
Hai giờ trưa. M hỏi tôi. "Anh đang làm gì?" Làm việc. "Một ngày anh làm những gì?" Làm việc 8 tiếng, làm biếng 8 tiếng, làm thinh 8 tiếng. Đủ chưa? Anh nghe nói 1 ngày ở Cõi Trên bằng 100 ngày trên trái đất. Anh thật sự không biết ở trên đó, anh sẽ phải làm gì cho hết ngày. Có dịp, anh cũng muốn ghé đấy xem cho biết. Em đi cùng với anh không? Chúng ta chỉ cần ở đó 3 ngày. Khi về lại đây, thăm căn nhà cũ xem mấy đứa cháu mấy đời của chúng ta còn nhận diện ra chúng ta chăng? Chắc là sẽ nhộn lắm. Tụi nó sẽ chỉ lên bàn thờ (vậy thì chúng ta nên về Việt Nam để có con) kể ngày xưa anh và em đẻ ra ông cố nội bà cố ngoại của chúng. Lúc đó, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ đi đâu? Về lại thiên đàng cũng chẳng thể. Ở lại trái đất thì cũng không xong. Xin đừng hỏi anh một ngày anh làm gì cho hết đời anh nhé. Anh yêu trần gian. Có nó, anh mới có cục đá mài. Có nó, anh mới biết học cách sống chẳng thuận cũng không nghịch. Sống thuận với cảnh khổ, tâm khổ. Sống nghịch với cảnh khổ, tâm loạn. Sống thuận với cảnh thuận, ngu si. Sống nghịch với cảnh thuận, làm quỷ. "Em vẫn chưa hiểu ý anh về cảnh thuận cảnh nghịch." Sống thuận với cảnh khổ, tâm khổ (thí dụ như thấy em khóc mà anh buồn theo). Sống nghịch với cảnh khổ (cười trên sự đau khổ của em đang mít ướt), tâm loạn. Sống thuận với cảnh thuận (em đẹp mà anh suốt ngày hôn em), ngu si. Sống nghịch với cảnh thuận (em đẹp mà anh lại hôn hình em trên màn ảnh), làm quỷ. Chỉ có trần gian mới có chuyện khó xử này. Chỉ có trần gian mới có nàng Kiều, có chàng Sở Khanh, có Từ Hải, có Mã Giám Sinh, có cụ Nguyễn, có Bùi Giáng tiên sinh, có em, có nữ hoàng, có thằng lôi thôi như anh... vân vân... và... vân vân... (lại vân!) "Thế thì anh làm sao?" Thì đó, anh làm việc 8 tiếng, làm biếng 8 tiếng, làm thinh 8 tiếng. Vui nhé, em ngoan!
ngày tháng trở về.
(Đang trở về, nên chưa thể kể - hay là đã kể rồi nhỉ?)