08 December, 2010

tam giới duy tâm


Cảnh là do cái tâm tạo ra. 
Hết thảy vật cảnh đều là hư ảo, 
chỉ có cái cảnh do tâm tạo ra là chân thực.


 

Cùng một đêm trăng, nếu có tiệc quỳnh chén vũ, giọng ca trong trẻo, điệu múa khéo lạ, rèm thêu hé mở, tay trắng dắt nhau, thì niềm vui có thừa; nếu là kẻ làm ăn khó nhọc, người đàn bà ưu tư, ngồi một mình trước bóng, tiếng dế kêu vang vách, lá phong rụng quanh thuyền, thì nỗi đau thương có thừa;

Cùng trong một cơn mưa gió, nếu là vài ba người tri kỷ, bên lò vây, trong nhà cỏ, bàn chuyện xưa nay, uống rượu đánh kiếm thì hứng thú có thừa; nếu là người khách cô độc đi xa, lếch thếch nơi đầu ngựa, hơi núi lạnh thấm da, rạch nước chảy hư trục xe thì mối buồn có thừa.

"Trăng lên đầu cành liễu, người hẹn sau hoàng hôn", và "Không nỡ nghe tiếng cuốc kêu rời rạc. Trời sắp hoàng hôn. Mưa đập hoa lê, đóng kín cửa", cùng là hoàng hôn, mà một đằng thì vui vẻ, một đằng thì thảm sầu, cảnh khác xa nhau.

"Nước chảy đào trôi ra viễn xứ, Đất trời riêng biệt khác nhân gian (Đào hoa lưu thủy yễu nhiên khứ, Biệt hữu thiên điệt phi nhân gian) và "Mặt ai nay ở đâu rồi, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông " (Nhân diện bất tri hà xứ khứ, Đào hoa y cựu tiếu đông phong). Cùng là hoa đào mà một đằng thì thanh tĩnh, một đằng thì luyến ái khác xa nhau.

"Tàu bè muôn dặm, cờ tán rợp trời, rót chén rượu đứng trên mặt sông cầm ngang ngọn giáo ngâm thơ" và " Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách, Quạnh hơi thu lao lách điu hiu, Người xuống ngựa khách dừng chèo, Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ty" (Tầm Dương giang đầu dạ tống khách, Phong diệp dịch hoa thu sắc sắc, Chủ nhân hạ mã, khách tại thuyền, Cữu tửu dục ẩm vô quản huyền).  Cùng là sông, cùng là thuyền, cùng là rượu mà một đằng thì hùng tráng, một dằng thì tiêu đìu, cảnh khác xa nhau.

Thế thì trong thiên hạ há có vật cảnh sao? Chỉ có tâm cảnh mà thôi.

Đeo kính màu lục, thì những vật trông thấy đều màu lục; đeo kính màu vàng, thì những vật trông thấy đều màu vàng; miệng ngậm hoàng liên, thì những thức ăn đều đắng; miệng ngậm mật kẹo, thì những thức ăn đều ngọt: mọi vật thực ra đều lục sao, vàng sao, đắng sao, ngọt sao? Mọi vật không phải lục, không phải vàng, không phải đắng, không phải ngọt; mọi vật thì lục, thì vàng, thì đắng, thì ngọt; mọi vật đúng lục, đúng vàng, đúng đắng, đúng ngọt. Thế thì lục, vàng, đắng, ngọt khác nhau không tại vật mà tại ta, cho nên nói rằng: "Ba cõi chỉ là tâm".

Có hai vị tăng nhân gió thổi bay tung lá cờ của nhà chùa, cùng nhau bàn luận. Một vị nói rằng gió động, một vị nói rằng cờ động; phân biệt, gạn hỏi quẩn quanh, không quyết định nổi. Lục tổ đại sư nói rằng: "Không phải là gió động, không phải là cờ động, lòng người nhân tự động". Nhiệm công này cho rằng: một câu nói đó có thể tỏ rõ được cái chân lý "tam giới duy tâm".

Những vật trong khoảng trời đất, một mà là vạn, vạn mà là một.

Núi là núi, sông là sông, xuân là xuân, thu là thu, gió là gió, trăng là trăng, hoa là hoa, chim là chim, muôn đời không đổi, không chỗ nào là không giống nhau. Nhưng có trăm người ở chốn này, cùng nhận cái cảm xúc của núi này, sông này, xuân này, thu này, gió này, trăng này, hoa này, chim này mà tâm cảnh của họ hiện ra trăm vẻ; ngàn người cùng nhận cái cảm xúc ấy, nhưng tâm cảnh của họ hiện ra ngàn vẻ; ức vạn người cho đến vô số người cùng nhận cái cảm xúc ấy, nhưng tâm cảnh của họ hiện ra ức vạn cho đến vô số vẻ. Vậy thì muốn nói vật cảnh thực là trạng thái nào, biết theo ai?

Người nhân trông thấy thì bảo là nhân, người trí trông thấy thì bảo là trí, người lo trông thấy thì bảo là lo, người vui trông thấy thì bảo là vui. Cái mà ta trông thấy chính là chân tướng của cái cảnh mà ta nhận được, cho nên nói rằng chỉ có cải cảnh do tâm tạo ra là chân thực.

Vậy muốn giảng về cái đạo dưỡng tâm, có thể biết được phải theo đâu mà làm. Người học trò nơi làng xóm tiêu điều có được một căn nhà thì kinh ngạc, mừng vui khôn siết; ở địa vị con em nhà dòng dõi mà trông, thì có gì đáng kể? Đứa ăn mày bắt được trăm tiền ở ngoài đường thì mang đi kiêu căng với người khác; ở vào địa vị nhà giàu có mà trông, thì có gì đáng kể? Đạn lạc bay vút qua mặt, người thường thấy thế thì biến sắc; ở vào địa vị bậc lão tướng đã từng đánh trăm trận mà trông, thì có gì đáng kể? Một giỏ cơm ăn, một bàu nước uống, ở nơi ngõ hẻm, người ta không chịu nổi lo buồn; ở vào địa vị của kẻ sĩ hữu đạo mà trông, thì có gì đáng kể?

Những cảnh trong thiên hạ không cảnh nào không đáng vui, đáng lo, đáng sợ, đáng mừng; thực không cảnh nào đáng vui, đáng lo, đáng sợ, đáng mừng; vui, lo, mừng, sợ hoàn toàn là do ở lòng người; nên có câu rằng: "Trong thiên hạ vốn không có sự gì; những người tầm thường tự làm cho rắc rối". Cảnh thì giống nhau, thế mà ta chợt vui, chợt lo, vô cớ mà sợ, vô cớ mà mừng làm chi? Như những con ruồi trông thấy cửa sổ dán giấy đua nhau xuyên thủng, như con mèo bắt bóng cây nhảy nhót, như con chó nghe tiếng gió sủa loạn, đưa cuộc đời vào trong chốn rối bời những sợ, mừng, lo, vui làm chi? Như thế là biết có vật mà không biết có mình. Biết có vật mà không biết có mình, thé gọi là mình bị vật sai khiến, cũng gọi là "nô lệ trong lòng".

Vì thế bậc hào kiệt không có niềm kinh lớn, không có nỗi mừng lớn, không có nỗi khổ lớn, không có niềm vui lớn, không có mối lo lớn. Những bậc đó sở dĩ làm được như thế, há có thuật nào khác đâu? Cũng chỉ là hiểu rõ cái chân lý "tam giới duy tâm" mà thôi, biết trừ diệt tên nô lệ trong lòng mà thôi.

Nếu hiểu được ý nghĩa ấy thì ai ai cũng đều có thể là hào kiệt.

Lương Khải Siêu