Thấy tôi hơi bị trầm cảm vì nhớ con, Nghi rủ tôi đi ra ngoài chơi. Nàng dẫn tôi đến tiệm sách Tân Định. Ở nơi ấy, tôi mua được cây bút mực Hero, bình mực mầu xanh dương, và tập vở học trò. Nàng hỏi tại sao, tôi trả lời là muốn tập viết lại, muốn thay đổi chữ viết của mình. Hì hì!
Sau đó chúng tôi đến quán cà phê "The Fig". Nàng lựa cho tôi quyển truyện ngắn tựa đề Quà Của Bố của Trần Đình Dũng. Tạm trích một chương gửi đến các bạn cùng thưởng thức.
Bố yêu con vừa đủ
Bố yêu con vừa đủ để nhớ con khi bố vừa đi xa, để phone cho con khi bố đến miền đất lạ, để dành con là người cuối cùng bố chào, vì khi đó bố được ôm con lâu nhất.
Bố yêu con vừa đủ để làm mọi điều nhỏ nhặt, và cũng vừa đủ để leo mãi con dốc dài của cuộc đời.
Bố yêu con vừa đủ để nhớ con khi bố vừa đi xa, để phone cho con khi bố đến miền đất lạ, để dành con là người cuối cùng bố chào, vì khi đó bố được ôm con lâu nhất.
Bố yêu con vừa đủ để làm mọi điều nhỏ nhặt, và cũng vừa đủ để leo mãi con dốc dài của cuộc đời.
Bố yêu con vừa đủ để sống tốt cho con và mong mình sống ít lại để con sống nhiều hơn, luôn tìm tòi điều hay nghĩa đẹp trong cuộc sống, để gom góp làm hành trang giá trị cho con vào đời.
Bố yêu con, vừa đủ để mỗi khi con đi toilet công cộng, bố luôn là người kín đáo đưa vào tay con tờ giấy, đi theo con đến cửa, đứng ngoài chờ con, thỉnh thoảng gọi vọng vào, để con yên tâm, con luôn có bố. Cuộc sống vốn dĩ quá nhiều những kẻ tà ma quỷ quái, không cần quốc tịch, không cần tuổi tác, không màng học vấn... bố sợ nhỡ có điều gì xảy ra – dù là bé nhất – sẽ làm tổn thương tâm lý suốt đời con.
Bố yêu con, vừa đủ để tạo thành thói quen đưa mắt nhìn qua con mỗi mười phút, để yên tâm rằng con vẫn còn đó, vui tươi, hạnh phúc, an toàn, mạnh khoẻ, hoà đồng, bình an.
Bố yêu con, vừa đủ để gọi “cục cưng” mà không cần lý do, không cần nhờ vả sai bảo, không cần khuyên nhủ can gián, không cần bất cứ điều kiện gì, chỉ thích gọi tên con, kèm theo hai chữ “cục cưng”.
Bố yêu con, vừa đủ để gọi “cục cưng” mà không cần lý do, không cần nhờ vả sai bảo, không cần khuyên nhủ can gián, không cần bất cứ điều kiện gì, chỉ thích gọi tên con, kèm theo hai chữ “cục cưng”.
Bố yêu con, vừa đủ để đặt con ngồi im trên yên xe, quấn áo mưa kín kẽ, bố đi bộ bì bõm trong mưa trong nước ngập, để chân con không lấm nước đen, để con cười khoe răng sún mỗi khi bố gọi con là công chúa.
Bố yêu con, vừa đủ để bối rối mỗi khi con ngân ngấn nước mắt, vừa đủ để bồn chồn mỗi khi con buồn buồn ít nói, vừa đủ để lo lắng mỗi khi con nóng sốt, vừa đủ để sợ hãi mỗi khi con đi chơi về muộn.
Bố yêu con, vừa đủ để đắp chăn cho con hàng đêm, ngồi chơi với con hàng giờ, những trò chơi bố không có chút kiến thức, bố nào có biết gì về Barbie, Teddy, đồ hàng, may vá thêu thùa...
Bố yêu con, vừa đủ để gởi cho con post card với dòng chữ ghi vội, mà không cần phải đi xa, không cần phải có lý do để gởi, chỉ là một buổi chiều lang thang nhà sách, bỗng nhiên nhớ con, gởi con một tấm thiệp, hai ngày sau thiệp đến, lại chính ta nhận, mang để dưới gối con.
Bố yêu con, vừa đủ để cố gắng sắp xếp những ngón tay thô kệch vụng về làm thủ công cắt dán, vì con muốn có hình ảnh Hannah Montana.
Bố yêu con, vừa đủ để cười mỉm một mình, vì đang rất nhớ con.
(Trần Đình Dũng)
2.
Đọc được 60 trang, tôi ngưng không đọc tiếp. Tôi mượn quyển của nàng đang đọc Mặt Hồ Tĩnh Lặng của Ajahn Chah. Sau đây tạm trích 1 đoạn chia xẻ cùng bạn.
Tại sao phải hành thiền?
Một nhóm người hành hương đến thăm Ngài Ajahn Chah, hỏi Ngài ba câu hỏi lớn:
1. Tại sao Ngài hành thiền?
2. Ngài hành thiền như thế nào?
3. Kết quả việc hành thiền của Ngài ra sao?
Nhóm người hành hương này là những vị đại diện cho một tổ chức tôn giáo Âu Châu đã đến gặp nhiều thiền sư ở Á Châu để hỏi những câu hỏi trên.
Nghe ba câu hỏi này, Ngài Ajahn Chah nhắm mắt, trầm ngâm một lát, rồi trả lời bằng cách hỏi lại ba câu hỏi khác:
1. Tại sao quí vị ăn?
2. Quí vị ăn như thế nào?
3. Sau khi ăn xong quí vị cảm thấy ra sao?
Nói xong Ngài cười.
Về sau Ngài giải thích rằng: Những lời dạy của Đức Phật nhằm mục đích hướng dẫn mọi người hãy trở về với Trí Tuệ nội tại của mình, trở về với Giáo Pháp tự nhiên của mình. Bởi thế nên Ngài muốn nhắc nhở những vị hành hương này không cần phải đi khắp Á Châu tìm kiếm lời giải đáp mà hãy trở về tìm hiểu phần bên trong của mình.
(Ajahn Chah)
3.
Buổi chiều lặng lẽ qua đi. Tôi và nàng về nhà.