19 January, 2012

Khi đến nơi vô cầu, sẽ không còn phiền não.

Hằng Thật và Hằng Triều Tam bộ Nhất bái
San Francisco! 
21 tháng Hai, 1979

Sư phụ từ giám,

Hôm qua thầy Hằng Triều và con đã lên được đỉnh đồi – phóng tầm mắt về phía Nam, chúng con thấy Dốc Ác Quỷ (Devil’s Slide) và thành phố Pacifica . Hướng về phía Bắc, thật không tưởng tượng nổi, chúng con thấy những cột tháp màu cam của Cầu Cựu Kim Sơn (Golden Gate), ngọn núi Tamalpais, tháp TV trên ngọn núi Sutro - San Fransisco! Dường như chỉ mới hôm qua chúng con còn ở Santa Monica suy nghĩ về Xa Lộ số 1 và cuộc hành trình dị thường còn ở phía trước. Vậy mà giờ đây, chưa đầy một cái búng ngón tay, chúng con đã lạy vào tận vùng Vịnh (Bay Area) và rời Xa Lộ số 1 để đi qua thành phố này. Cuộc đời quả thật như một giấc mộng. Như trong Kinh có nói:

Quá khứ, hiện tại, vị lai đều bất khả thuyết.

Hôm qua có thể là ngày hành hương thứ nhất của người đệ tử này. Con đã được một bài học từ tận đáy lòng mà phải mất 21 tháng học tập và kiên nhẫn để thực hành cho tới khi hoàn toàn nắm được. Bây giờ có thực là con đã nắm được không? Con hy vọng là không, bởi vì mỗi lần con chấp trước vào một cảnh giới là lúc con lại vấp ngã. Bài học như thế nào? Nó có tên là "không mong cầu".

Sư phụ đã chỉ dạy hàng chục lần theo bằng những phương tiện thiện xảo những điều này : "Đừng mong cầu bất cứ điều gì. Đừng cầu chứng quả Phật, đừng cầu đại trí huệ, đừng cầu giác ngộ. Mong cầu là đặt một cái đầu lên trên đầu của quý vị. Đó chỉ là lòng tham. Chỉ nhất tâm tu hành. Thế là đủ. Tu hành mà không nghĩ tới tự lợi. Tu hành như mình ăn, mặc, và ngủ. Chỉ cần như vậy là đủ rồi. Và đừng nên có cái niệm thứ hai. Hãy nhất tâm!".

Kinh Hoa Nghiêm đặc biệt chỉ dạy Bồ tát không tham cầu.

Bồ tát chỉ bền giữ tịnh giới. Bồ tát chẳng cầu oai-thế, chẳng cầu chủng-tộc địa vị cao sang, chẳng cầu giàu có, chẳng cầu sắc-tướng, chẳng cầu ngôi vua, tất cả đều không nhiễm trước.
"Phẩm Thập Hạnh"

Bồ tát này làm đại-thí-chủ, phàm có vật gì đều bố-thí được cả, lòng bình-đẳng không hề hối tiếc, chẳng trông quả báo, chẳng cầu tiếng tăm, chẳng tham lợi lộc.
"Phẩm Thập Hạnh"

Thông điệp trên thật quá rõ ràng, không hiểu sao lại không kết nối được với phần sâu thẳm nhất trong trái tim con. Con đã tưởng mình kiểm soát được lòng tham. Thực ra, con lại bị lòng tham khống chế.

Tuần trước chúng con có nói chuyện với Chùa Kim Sơn qua điện thoại. Thầy Hằng Triều cho văn phòng Chùa biết về lộ trình mới của chúng và con dịch lại câu chuyện đã xảy ra với chúng con vào sáng hôm đó. Thật quá vui mừng khi gần về đến nhà. Nhưng trở lại con đường để lễ lạy, đột nhiên con thấy bồn chồn và lo lắng. Tại sao? Con nghĩ "Chà, mình đã làm việc này gần hai năm và mình đã có cái gì để biểu lộ sự thành tựu thật sự ? Mình có thay đổi chút nào không?"

Tóm lại, con đã tìm cầu trong Phật pháp. Nhưng vì đối tượng mà con tìm kiếm là trí huệ giác ngộ và từ bi nên con đã cho phép ý nghĩ của mình trụ vào, cảm thấy đó là "mong muốn thanh tịnh". Con tự quán chiếu càng lâu thì phiền não tăng trưởng càng sâu.

Sau đó con hiểu được bài học của con. Có ba cậu bé đi ngang qua con trên đường Monterey khi chúng con lạy lên đồi dưới mưa. Lúc đi ngang qua, mấy cậu bé rạng rỡ và tươi cười. Nhưng vừa trông thấy khuôn mặt con, cả ba lập tức mất đi sự rạng rỡ. Những nụ cười biến thành những vẻ buồn bã và đầy lo lắng. Con nhìn thấy sự cố gắng gượng gạo của mình, sự tham cầu của mình được phản chiếu qua đôi mắt của chúng. Con hoàn toàn khiến chúng thất vọng. Khuôn mặt của chúng lặng lẽ nói lên rằng "Này, người này chẳng có gì đặc biệt. Cho dầu ông ta là một tu sĩ, nhưng ông ta cũng không hạnh phúc như những người khác. Ông ta đang tìm điều gì đó và chưa thấy. Thật đáng thất vọng! Ông ta là ai chứ? Một Phật tử? Xì!

Con thật hổ thẹn. Sự mong cầu kết quả tu hành của con đã làm tổn thương ba đứa nhỏ và có lẽ đã khiến chúng quay mặt đi với Phật Pháp. 

Không mong cầu sẽ không lo nghĩ.

Thực hiện một việc thánh thiện để đạt điều gì đó sẽ làm ô nhiễm sự thanh tịnh tột cùng của các Pháp. Nếu cầu giác ngộ vì đó là điều lợi tốt nhất thì chuyện đó sẽ không xảy đến. Việc muốn có kết quả lại ngăn cản chúng. Con nhận ra rằng chướng ngại khổng lồ mà con mang trên đỉnh đầu chỉ là bản ngã, cái tôi, sự cầu lợi. Con buông xả chúng ra và đột nhiên cảm thấy như một đám mây đen khổng lồ được nhấc ra khỏi đôi vai con. Con làm điều này không vì bản thân mình, con sẽ thả lỏng và sẽ đón nhận khi nó đến. Trong Kinh nói:

Khi công phu đầy đủ,
Thành tựu đến tự nhiên.
Chẳng vì thân mình cầu lợi ích
Muốn khiến tất cả đều an vui.
Chưa từng tạm khởi tâm hí luận,
Chỉ quán các pháp không vô ngã.
"Kinh Hoa Nghiêm - Phẩm Thập Hồi Hướng"

Thay vì khởi vọng tưởng về tự lợi, sẽ tốt hơn biết bao nếu đem nguồn năng lượng này tin tưởng dùng vào phương pháp thực hành. Thật là một chân lý dễ hiểu và thật lâu biết bao để con có thể thấy được điều đó.