2.
Hỏi: Tôi nghĩ rằng ngày nay trên thế giới có quá nhiều người đói, quá nhiều người bị tước đoạt những sự cần thiết căn bản, họ quá lo lắng về đói khổ, về sự an toàn và an ninh cho gia đình họ, họ đã quá cực nhọc trong việc đi tìm vật chất để sống thì còn giờ đâu để nghĩ đến bản tính của tâm.
Đáp: Tôi hiểu những điều anh nói. Nhưng đừng quên rằng những người đói khát, những người bận tâm về đói và những người dư tiền bạc bận bịu đi mua sắm ở siêu thị họ đều có một căn bản như nhau. Đừng chỉ chú ý đến những người thiếu thốn về vật chất. Thực ra, người nghèo và người giầu đều bị hành như nhau, tự căn để họ đều không hạnh phúc, tự căn để họ đều thích chiếm hữu và bám víu như nhau. (Lama Yeshe)
3.
Ở đây rất nhiều rủi ro tai nạn, từ giáo dục nhà trường đến những con đường lũ lụt; từ tình trường đến thương trường ... hầm bà lằng ... Tuy nhiên, cũng có vài góc nắng chiếu xuyên qua tàn lá xanh, và đâu đó vài góc mưa có những bàn tay rất hiền.
Đừng cười tôi nhé, nếu bạn thấy tôi đang ngồi ở vỉa hè trong công viên ngắm cuộc sống nơi đây! Hoặc khi thấy tôi ngây ngô như đứa bé say sưa ăn khúc bánh mì lê la góc phố. Ở quán cà phê Du Miên - nơi chúng tôi thường đến để tận hưởng công phu người đã thiết kế - nàng có kể cho tôi nghe một cuốn phim Hồng Kông nói về đời sống trong và ngoài Tử Cấm Thành. Người trong đó thụ hưởng đầy đủ tất cả tinh hoa văn hóa lẫn vật chất, nhưng khi được ra được khỏi cửa thành, chẳng mấy ai trở về. Hì!
Câu chuyện thú vị ở chỗ là... mỗi người đều có một Tử Cấm Thành trong tâm thức. Có thể nó là một địa danh nhỏ bé như cái làng, tỉnh nhỏ, thành phố, quốc gia, hay... trần gian. Có người Việt ở ngoại quốc nhìn lại Việt Nam như một Tử Cấm Thành; và cũng có trường hợp một số người đã từng ở ngoại quốc trở về Việt Nam, để lại sau lưng một Tử Cấm Thành. Có những người gọi trần gian là bể khổ, và... đâu đó... cũng có người tự nguyện trở về trần gian như Lưu Nguyễn.
Bạn có thấy đời sống thú vị không?